Tại thị trường Hà Nội đang xuất hiện cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Có nhiều câu hỏi được đặt ra: tại cùng một ví trí, với mức giá bán ngang bằng nhau, liệu nhà ở xã hội vốn nhiều rào cản có thể cạnh tranh được với nhà ở thương mại hay không?
Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, sở dĩ có chuyện giá nhà ở xã hội có những nơi cao hơn nhà ở thương mại là do thị trường bất động sản cạnh tranh khốc liệt, nhiều dự án thương mại đã chấp nhận đầu tư không có lãi, thậm chí lỗ. Trong khi đó, tại nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn cứng nhắc tính toán mức lợi nhuận ở mức 10%, chưa thích nghi với biến động của thị trường.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến nhà ở xã hội không còn hấp dẫn, thậm chí nhiều dự án còn ế ẩm không có người mua là do gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đã dừng giải ngân vào cuối năm 2016 và chưa có gói nào thay thế. Nếu không có gói vay hỗ trợ, người thu nhập thấp sẽ không dám mua vì không chịu nổi lãi suất vay thương mại thông thường, nhất là khi thời gian vay dài mà lãi suất lại thả nổi theo thị trường.
Ngoài ra, theo nhận định của nhiều chủ đầu tư bất động sản, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giá bán tại các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là có sự khác biệt rất lớn về nhu cầu của người dân với loại hình nhà ở này tại từng địa phương. Trong khi khu vực nội đô Thành phố có nhu cầu rất lớn, thì nguồn cung nhà xã hội, nhà giá thấp lại rất hạn chế, việc triển khai các dự án còn chậm; một số địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất 20% các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại theo quy định dành để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, dù với bất kỳ lý do gì, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về giá bán loại nhà ở này.