Gần đây, Nga tuyên bố không can thiệp vào Biển Đông đồng thời cũng khuyến cáo các nước không liên quan đừng can thiệp.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov đã phát ngôn quan điểm của Nga rằng:
Lập trường của Nga về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không thay đổi và sẽ không thay đổi. Nga không can thiệp vào những tranh chấp này, đồng thời cảnh báo các nước không liên quan khác cũng đừng can thiệp.
Nga trân trọng quan hệ đối tác cao độ với các nước liên quan ở Biển Đông, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và các nước ASEAN khác.
Nga hy vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy phương châm này, tạo ra bầu không khí lành mạnh và có tính xây dựng, cho dù chưa thể lập tức giúp giải quyết vấn đề, nhưng cũng giúp các bên kiềm chế tránh xung đột ở Biển Đông.
Lý do lập trường của Moscow về Biển Đông không đổi vì nó “cân bằng, hợp lý và được tính toán rất kỹ càng”. Theo Nga, bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào Biển Đông đều chỉ “làm to chuyện”, bởi “thế lực ngoại lai” không thể không lựa chọn đứng về bên nào, không thể không gài ý kiến chủ quan vào đó, sẽ làm căng thẳng thêm tranh chấp của các nước trong cuộc.
Về quan điểm, Nga đã khẳng định rất quan tâm theo dõi diễn biến tình hình ở Biển Đông. Nga coi đây là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới an ninh và ổn định ở toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nga không phải là một bên tham gia vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và sẽ không bị lôi kéo vào những tranh chấp này. Nga không đứng về phía nào. Nga tin tưởng chắc chắn rằng việc tham gia của bên thứ ba vào các tranh chấp này sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Nga cũng kêu gọi các quốc gia liên quan tới những tranh cãi lãnh thổ trong khu vực này phải nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm giải pháp chính trị-ngoại giao cho các vấn đề hiện nay trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, trên tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông mà ASEAN và Trung Quốc đạt được năm 2002, cũng như những thỏa thuận vào tháng 7/2011 giữa các nhà lãnh đạo về việc thực thi Tuyên bố năm 2002.
Nga cũng cho rằng việc tham vấn và đàm phán về những vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được tiến hành trực tiếp giữa các bên liên quan với hình thức phù hợp nhất do các bên tự xác định.
Việc xây dựng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương một cấu trúc an ninh mới trên cơ sở tập thể không liên minh và các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế có thể là chìa khóa giải quyết các mâu thuẫn trong khu vực.
Sáng kiến của Nga là đề nghị tất cả các đối tác tích cực tham gia hiện thực hóa về việc soạn thảo các nguyên tắc khung nhằm củng cố an ninh và phát triển hợp tác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Về phần mình, Nga sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Nga đề nghị căn cứ vào quan điểm cơ bản của mình khi tiếp cận các tài liệu về vấn đề này, không để bị tác giả này hay tác giả kia lôi kéo mà cần xuất phát từ quan điểm không thay đổi của nước Nga.
Tuy nhiên, theo quan điểm của các nước, can thiệp hay không can thiệp là việc của Nga, không ảnh hưởng gì đến những nỗ lực bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông từ các cường quốc có trách nhiệm.
Thực ra mà nói, người đứng ngoài cuộc bao giờ cũng tỉnh táo, có những ý nghĩ khôn ngoan, nhưng khi đã trở thành người trong cuộc thì việc hành động một cách bình tĩnh quả là một điều khó. Dù sao những quan điểm của Nga cũng có thể chấp nhận được để giải quyết những vấn đề mâu thuẫn ở Biển Đông.