Tuesday, November 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTriều Tiên thử tên lửa làm Nga lo ngại căng thẳng biên...

Triều Tiên thử tên lửa làm Nga lo ngại căng thẳng biên giới

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga cho biết Moscow đặc biệt quan ngại về vụ phóng tên lửa hôm 12/2 của Triều Tiên bởi nó có thể tạo ra một vòng xoáy căng thẳng mới gần biên giới Nga.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên hôm 12/2.

Hãng Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin quân đội nước này cho hay hôm (12/2), Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản. Nhiều khả năng đây là loại tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan.

Vụ phóng được thực hiện lúc 7h55 sáng (5h55 phút giờ Hà Nội) từ căn cứ không quân Banghyon ở tỉnh Bắc Pyongan, miền tây nước này. Tên lửa bay về phía đông hướng ra biển Nhật Bản.

“Tôi cho rằng vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên sẽ buộc cộng đồng quốc tế đưa ra các tham vấn mới mà trước hết là tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga, ông Leonid Slutsky chia sẻ với hãng tin Sputnik,

Cũng theo ông Slutsky, vụ phóng thử tên lửa là hành động cho thấy Triều Tiên đang thách thức hội đồng quốc tế. Hành động này đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ông Slutsky nhấn mạnh việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo cũng đang đặt ra thách thức mới. Bởi nó không chỉ vi phạm nghị quyết đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra trong tháng 11/2016 mà còn làm xấu thêm tình hình an ninh trong khu vực.

“Hành động của Bình Nhưỡng đang tạo ra một vòng xoáy căng thẳng mới gần biên giới Nga. Moscow vô cùng quan ngại về tình hình hiện nay”, ông Slutsky chia sẻ.

Khi được hỏi về việc các lệnh trừng phạt mới đây của Liên Hợp Quốc không thể buộc Triều Tiên ngừng theo đuổi chương trình hạt nhân, ông Slutsky cho rằng áp đặt hình phạt nặng hơn hay đưa ra những biện pháp ngăn chặn tên lửa, sẽ chỉ làm tình hình thêm nghiêm trọng và không thể buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên nhượng bộ.

Cũng theo ông Slutsky, Tổng thống Nga luôn duy trì quan điểm cho rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân và những rắc rối trên bán đảo Triều Tiên là tiếp tục nỗ lực chính trị và ngoại giao để đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán 6 bên.

Trong những năm qua, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã tìm nhiều cách để thuyết phục Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân sau khi Bình Nhưỡng đơn phương rút khỏi đàm phán kể từ năm 2009.

RELATED ARTICLES

Tin mới