Mỹ tồn tại và phát triển trong sự biến động, cách Trump đối mặt, giải quyết các vấn đề đối nội, đối ngoại, khủng hoảng truyền thông sẽ mang lại nhiều bài học cho các nước. Chính sách của Donald Trump với châu Á dù nói ngược, nói xuôi nhưng dường như đã quay về quỹ đạo chung như trước đây.
Ngoại trưởng Rex Tillerson
Theo các nhà nghiên cứu, từ thái độ của tân chủ nhân Nhà Trắng với Trung Quốc, Nhật Bản tuần qua, người ta có lý do để chờ đợi, hy vọng chính sách của Mỹ với châu Á sẽ tiếp tục duy trì các nguyên tắc của mấy chục năm qua.
Mềm dẻo với Trung, thân với Nhật
Nhận định chung rằng, chính sách của Nội các Donald Trump đối với châu Á thời kỳ đầu khiến nhiều người bất an, nhất là khi tân Tổng thống Mỹ quyết định rút khỏi TPP.
Sau đó, chẳng biết vô tình hay cố ý đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan và Biển Đông, đồng thời, thái độ hoài nghi của Donald Trump đối với quan hệ đồng minh cùng Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines càng khiến châu Á lo ngại.
Nhưng chỉ trong một tuần qua, thái độ và ứng xử của ông Trump với Bắc Kinh và Tokyo xem ra bắt đầu quay trở lại với những nguyên tắc định hình chính sách đối ngoại của Mỹ với châu Á mấy chục năm qua.
Điều đầu tiên, ông đã có cuộc điện đàm rất hiệu quả với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau đó, ông đã có cuộc tiếp xúc dài, nhiệt tình và hữu nghị với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bao gồm một ngày chơi golf và cùng ăn 4 bữa tối.
Với Trung Quốc, tân Tổng thống Mỹ không còn ‘có ý chống’ chính sách một nước Trung Quốc vốn là nền tảng của quan hệ Trung Mỹ từ những năm 1970 trở lại đây như ông tuyên bố tháng trước.
Người ta đánh giá: cử chỉ này của chính phủ Donald Trump tuy hơi có chút mất mặt, nhưng bù lại nó đã tránh đi một nguy cơ vô cùng nguy hiểm cho quan hệ Trung – Mỹ. Đối với Biển Đông, tự nhiên chính phủ ông Trump cũng hiệu chỉnh lập trường trở nên ôn hòa hơn.
Sau phát biểu của Ngoại trưởng Rex Tillerson về khả năng phong tỏa đảo nhân tạo, nội các của ông Trump đã có những giải thích và phần nào giảm bớt lo lắng về nguy cơ xung đột, đối đầu Trung – Mỹ ở Biển Đông.
Với Nhật Bản mà nói, Thủ tướng Shinzo Abe đã rất nhanh chóng và khéo léo trong việc tái khẳng định Nhật Bản là đồng minh không thể thiếu của Nhà Trắng. Mỹ không thể thờ ơ, lạnh nhạt với Nhật.
Trump rút Hoa Kỳ khỏi TPP có thể nói là một sự “vỗ mặt” khá nặng với ông Abe, nhưng ngài Thủ tướng thừa hiểu rằng, ngoài duy trì quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, ông không có lựa chọn nào khả dĩ hơn trong thời điểm hiện nay.
Mặc dù không nhận được cam kết trực tiếp nào có ý nghĩa thực tế từ chính ông Donald Trump, nhưng ông Shinzo Abe đã thành công trong việc thiết lập quan hệ tích cực, gần gũi “năng đi thì thân” với tân Tổng thống Hoa Kỳ.
Chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa biệt lập thuộc về “bản năng” của Donald Trump, và cũng không thể không xem đó là một thành tựu của ông Shinzo Abe.
Phản ứng của ông Trump với vụ thử tên lửa gần đây nhất của CHDCND Triều Tiên là rất kiềm chế và mang màu sắc chính trị truyền thống, khác hẳn những phát biểu của ông hơn 1 tháng trước đó. Liệu về lâu dài, ông Trump không thể không tính đến các biện pháp tăng cường gây sức ép về kinh tế, thậm chí là các hành động quân sự buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Theo những đánh giá ban đầu, động thái đầu tiên của Trump đối với châu Á là sáng suốt. Nhưng quan trọng hơn người ta dự đoán là thời gian tới, khi nội bộ Nhà Trắng vẫn có những tiếng nói muốn khiêu chiến thương mại với Trung Quốc, thậm chí cả Nhật Bản.
Tuy nhiên, trong khi tính chất các vấn đề châu Á khá phức tạp, tính cách của ông Donald Trump lại thất thường khiến người ta vẫn chưa hết lo ngại. Nhưng châu Á có lý do để tin, thời đại Donald Trump nước Mỹ vẫn kế thừa, duy trì các nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại với châu Á mấy chục năm qua.
Đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong-un?
Trong suốt 16 năm qua, Hoa Kỳ từ chối đàm phán trực tiếp với CHDCND Triều Tiên vì tin rằng, điều này chỉ càng khuyến khích Bình Nhưỡng leo thang hơn nữa. Đồng thời, trong suốt khoảng thời gian này, CHDCND Triều Tiên không ngừng thúc đẩy kế hoạch phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tuy nhiên, khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng là lúc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang đối mặt với nguy cơ bị luận tội và phế truất, bán đảo Triều Tiên dần xuất hiện khả năng tháo ngòi nổ bất ngờ.
Các nhà chuyên môn đánh giá: Căn nguyên cơ bản của vấn đề hạt nhân, tên lửa trên bán đảo Triều Tiên là mâu thuẫn Mỹ – Triều, Hàn – Triều và cho rằng chỉ có đối thoại và đàm phán là lối thoát cuối cùng để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên”.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng rất ủng hộ phương án này. Thủ tướng Shinzo Abe nói với thuộc cấp sau khi trở về Tokyo từ Hoa Kỳ: Phải tìm một phương thức mới để giải quyết vấn đề cùng với đồng minh. Nhật Bản cần tìm kiếm hợp tác quốc tế, bao gồm cả với Trung Quốc.
Nhớ lại thời kỳ Tổng thống Barack Obama, điều này gần như không thể, vì ông Obama tin rằng trừng phạt là cách duy nhất kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên các nước Đông Á ngày càng ý thức rõ, chính sách của ông Obama với Bình Nhưỡng đã thất bại. Thực tế cho thấy dựa vào Trung Quốc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng là không khả thi.
Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn, cho dù CHDCND Triều Tiên phụ thuộc rất lớn vào nước láng giềng này cả về năng lượng lẫn hàng hóa. Nhưng cắt nguồn cung sẽ gây bất ổn cho Triều Tiên, hậu quả an ninh Trung Quốc phải gánh chịu.
Tương tự, Donald Trump không thể dùng sức mạnh quân sự để xử lý vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Bởi làm như vậy chỉ đẩy 2 đồng minh Nhật – Hàn vào tầm ngắm tên lửa của Bình Nhưỡng.
Ông Kim Jong-un sẽ không dễ nhượng bộ trước áp lực trừng phạt và răn đe quân sự. Chỉ có cách Tổng thống Donald Trump đàm phán trực tiếp với ông Kim Jong-un, theo sau là một hiệp ước hòa bình Triều – Mỹ và một gói viện trợ lớn, vấn đề mới có thể được giải quyết.
Từ cách ứng xử của ông Trump với 3 nước Đông Á, có nhiều dấu hiệu để tin rằng tương lai châu Á – Thái Bình Dương dưới thời Donald Trump sẽ ổn định hơn, hạn chế bớt nguy cơ xung đột đối đầu.
Đó là điều tất cả cùng mong muốn!