Trong khi nhiều người cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump coi Bắc Kinh là chìa khóa để ngăn chặn các hành động khiêu khích của Triều Tiên thì tờ The Atlantic lại lập luận, ông Trump muốn dùng Bình Nhưỡng để đối phó với Bắc Kinh.
Theo tờ The Atlantic, tại cuộc họp báo vào tối ngày 11/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “dằn mặt” Triều Tiên khi ông đứng cạnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để cam kết sẽ luôn ủng hộ Nhật Bản khi ông Abe lên án vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên vào Biển Nhật Bản.
Trong cuộc họp báo đó, ông Trump đã để cho ông Abe phát biểu trước. Sau khi ông Abe mạnh mẽ chỉ trích Bình Nhưỡng, ông Trump đã nói ngắn gọn: “Cảm ơn ông rất nhiều, ngài Thủ tướng Nhật Bản. Tôi muốn mọi người hiểu rằng, Mỹ luôn ủng hộ Nhật Bản, đồng minh lớn của Mỹ, 100%”.
Sáng ngày hôm sau (12/2), Cố vấn chính sách cao cấp của Nhà Trắng Stephen Miller cho biết, chính quyền Trump sẽ sớm gửi thông điệp tới Triều Tiên bằng cách củng cố và tăng cường các lực lượng vũ trang của Mỹ tại các nước đồng minh ở Thái Bình Dương. Ông Miller nói: “Thông điệp được gửi đi là chúng tôi sẽ củng cố và tăng cường các mối quan hệ liên minh quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương, như một phần chiến lược của chúng tôi nhằm răn đe và ngăn chặn sự thù địch ngày càng tăng của Triều Tiên”.
Ngày 13/2, ông Trump tiếp tục khẳng định sẽ đối phó “thật mạnh mẽ “với Triều Tiên. Ông nói: “Rõ ràng Triều Tiên là một vấn đề rất lớn và chúng ta sẽ đối phó với điều này một cách mạnh mẽ”. Đầu tháng 2/2017, trong chuyến thăm tới Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định, Mỹ – Hàn sẽ hiện thực hóa kế hoạch triển khai Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) dù hệ thống này có “chọc giận” Trung Quốc đi chăng nữa.
Tuy nhiên, theo tờ The Atlantic, mục tiêu chính của ông Trump trong chính sách đối phó với Triều Tiên là Trung Quốc bởi Triều Tiên ẩn chứa rất nhiều nguy cơ đối với Trung Quốc chứ không phải Mỹ.
Quả tên lửa Pukguksong-2 mà truyền thông Triều Tiên gọi là loại vũ khí chiến lược mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã chứng minh được rằng: Triều Tiên còn rất lâu nữa mới phát triển được tên lửa hay vũ khí hạt nhân có thể tấn công Mỹ. Thậm chí, dù Bình Nhưỡng có sở hữu được công nghệ đó thì Washington cũng dễ dàng bắn hạ những quả tên lửa trước khi chúng chạm tới được lãnh thổ Mỹ. Triều Tiên sẽ chẳng thể đe dọa được Mỹ dù chính quyền nước này có gây chiến với Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Mối đe dọa thực sự sẽ là Triều Tiên bị sụp đổ. Tuy nhiên, đối tượng bị đe dọa nếu tình huống đó xảy ra lại là Trung Quốc, không phải Mỹ.
Triều Tiên là quốc gia láng giềng gần gũi nhất của Trung Quốc về mặt địa lý cũng như địa chính trị nên Trung Quốc đã bất đắc dĩ phải bảo vệ Triều Tiên. Năm 1950, Bắc Kinh đã gửi tới 1 triệu quân để giúp Bình Nhưỡng chiến đấu với liên quân Mỹ – Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh liên Triều. Kể từ đầu những năm 1990, Trung Quốc thường xuyên cung cấp những khoản viện trợ kinh tế và thực phẩm khổng lồ cho Triều Tiên.
Nếu Triều Tiên sụp đổ, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất trong lịch sử đất nước này. Người Triều Tiên sẽ ào ạt chạy qua biên giới tương đối “mỏng manh” giữa hai nước để tràn vào Trung Quốc, gây bất ổn cho nhiều khu vực biên giới vốn đang có nền kinh tế phát triển chậm như khu vực đông bắc Trung Quốc.
Hồi tháng 4/2016, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc từng có bài bình luận so sánh tình hình bất ổn trên bán đảo Triều Tiên với hỗn loạn chính trị ở Syria. Tờ này có đoạn cảnh báo và nhấn mạnh về những ảnh hưởng đó đối với Trung Quốc: “Syria đã hỗn loạn như vậy dù chỉ có 20 triệu người. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu tình huống tương tự xảy ra với Triều Tiên, đất nước có tới hơn 80 triệu người?…Điều gì sẽ xảy ra với an ninh đông bắc Trung Quốc?”.
Nguy hiểm hơn, một số người tị nạn có thể buôn lậu vật liệu hạt nhân của Triều Tiên hoặc vũ khí vào Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nếu Triều Tiên sụp đó, bán đảo Triều Tiên sẽ thống nhất dưới sự cầm quyền của chính quyền ở Seoul, Hàn Quốc. Điều đó sẽ gây bất an lớn cho Bắc Kinh bởi Seoul đang là đồng minh thân cận nhất của Washington. Nếu điều đó xảy ra, cả bán đảo Triều Tiên, ngay sát Trung Quốc, sẽ là đồng minh của Mỹ. Ngay sát Trung Quốc sẽ có sự hiện diện to lớn của quân đội Mỹ. Hiện đang có khoảng 28.500 lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Một khi bán đảo Triều Tiên thống nhất, con số này có thể còn cao hơn nữa.
Chính vì những lập luận trên mà tờ The Atlantic cho rằng, việc ông Trump muốn đối phó mạnh mẽ với Triều Tiên có mục đích chính là kiềm chế Trung Quốc.