Wednesday, December 25, 2024
Trang chủĐiểm tinTên lửa Triều Tiên vừa phóng có xuất xứ từ TQ?

Tên lửa Triều Tiên vừa phóng có xuất xứ từ TQ?

Tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 được Triều Tiên phóng hôm 12/2 bị nghi ngờ có xuất xứ từ Trung Quốc bởi theo giới chuyên gia, Bình Nhưỡng chưa thể tự phát triển động cơ sử dụng nhiên liệu rắn cho tên lửa.

Truyền thông Triều Tiên cho đăng ảnh vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hồi tháng 4/2016

Hôm 12/2, Triều Tiên đã cho phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2. Theo nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đây là loại tên lửa do chính các kỹ sư Triều Tiên nghiên cứu và phát triển. Song một vài chuyên gia cho rằng, khả năng tên lửa Pukguksong-2 có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Được phóng từ căn cứ không quân Banghyon, tên lửa Pukguksong-2 đã bay được khoảng 500 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Theo Bình Nhưỡng, tên lửa Pukguksong-2 có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này sử dụng công nghệ động cơ nhiên liệu rắn.

Phản ứng sau vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ đang có “vấn đề lớn” với Triều Tiên. Song thực tế, Mỹ lại đang có vấn đề lớn với Trung Quốc liên quan tới chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Đây là lý do sau vụ phóng Pukguksong-2, trước tiên, Mỹ cần làm rõ tên lửa này có nguồn gốc từ đâu.

Theo giới chuyên gia, tên lửa Pukguksong-2 được phóng hôm 12/2 là một phiên bản của dòng tên lửa KN-11. Trước đó, vào tháng 8/2016, Bình Nhưỡng đã cho phóng thử tên lửa KN-11.

Vào thời điềm đó, hai chuyên gia là ông Tal Inbar tại Viện Nghiên cứu chiến lược Hàng không và Vũ trụ Fisher ở Israel và ông Bruce Bechtol ở Đại học quốc gia Angelo, bang Texas, Mỹ cho rằng loại tên lửa mà Triều Tiên phóng trông giống với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-1 của Trung Quốc.

Chia sẻ với tạp chí National Interest, ông Richard Fisher tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá quốc tế ở bang Virginia, còn chỉ ra những điểm tương đồng giữa SLBM của Trung Quốc và Triều Tiên.

“SLBM KN-11 của Triều Tiên có kích cỡ tương đương với SLBM JL-1 của Trung Quốc. Đây đều là loại tên lửa 2 tầng. Trong vụ phóng hôm 12/2, Pukguksong-2 là loại tên lửa cải tiến thuộc dòng KN-11 và có tầm bắn lên tới 2.500 km. Trong khi đó, Trung Quốc có DF-21, phiên bản nâng cấp của dòng tên lửa JL-1 với kích cỡ lớn hơn và tầm bắn xa hơn”, ông Fisher chia sẻ.

Do đó, cả hai chuyên gia Fisher và Bechtol đều nghi ngờ về nguồn gốc của tên lửa Pukguksong-2. “Chưa có bằng chứng nào nói về nguồn gốc thiết kế và năng lực của tên lửa Pukguksong-2. Nhưng rõ ràng, Triều Tiên chưa thể tự nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn”, ông Bechtol nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bechtol, do hứng chịu lệnh trừng phạt, Bình Nhưỡng sẽ không thể tiếp cận công nghệ của phương Tây. Do đó, Triều Tiên chỉ có thể học hỏi công nghệ từ Nga và Trung Quốc.

Ông Bechtol cho rằng ngoài khả năng Moscow và Bắc Kinh trực tiếp chuyển giao công nghệ cho Bình Nhưỡng thì Triều Tiên còn có thể tiếp nhận công nghệ từ nước thứ ba là Iran và Pakistan.

Với ông Fisher, ứng cử viên hàng đầu chuyển giao công nghệ cho Bình Nhưỡng là Islamabad. 

“Có sự can thiệp lớn của Trung Quốc trong quá trình chuyển giao công nghệ. Bởi Trung Quốc đã vận chuyển số lượng lớn hàng hóa tới Pakistan từ đồng hồ cho tới vốn đầu tư mà khả năng là để phục vụ chương trình sản xuất các tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn được phóng từ bệ phóng di động”, ông Fisher nhấn mạnh.

Còn theo ông Bechtol, Triều Tiên khá thành thạo copy công nghệ vũ khí hoặc mua công nghệ sau đó để các nhà khoa học và kỹ sư nghiên cứu phát triển.

“Cho tới nay, một điều chắc chắn là Triều Tiên chưa thể tự phát triển toàn bộ một hệ thống tên lửa như loại tên lửa phóng từ mặt đất như hôm 12/2. Trong khi, SLBM mà Triều Tiên phóng hồi năm ngoái rõ ràng có kiểu dáng và năng lực tương đương JL-1của Trung Quốc”, National Interest dẫn lời ông Bechtol.

Song điều quan trọng nhất là giờ đây, Triều Tiên đã nắm trong tay công nghệ động cơ sử dụng nhiên liệu rắn gắn trên các loại tên lửa phóng từ mặt đất. Ưu điểm của động cơ sử dụng nhiên liệu rắn là cho phép vụ phóng tên lửa diễn ra nhanh hơn, do đó các mục tiêu tấn công của Triều Tiên sẽ có ít thời gian phản ứng hơn.

“Đây là việc cực kỳ nguy hiểm. Triều Tiên đã vượt qua những thất bại để tiến tới sản xuất tên lửa tầm xa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn. Trong tương lai, không loại trừ khả năng, Bình Nhưỡng sẽ cho ra đời các loại tên lửa đạn đạo tầm trung liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn và cả các thiết bị bay vào vũ trụ”, theo ông Fisher.

Trong khi đó, tên lửa Pukguksong-2 có thể được phóng di động và chuyên chở trên một chiếc xe tải. Điều này đồng nghĩa với việc Triều Tiên có thể cất giấu một cách dễ dàng tên lửa trước khi cho phóng.

Với Mỹ, tên lửa tầm xa nhất hiện nay của Triều Tiên là Taepodong-2 không phải là mối quan ngại bởi loại tên lửa phải mất một tuần để vận chuyển, lắp ráp, tiếp nhiên liệu và bắn thử. Do đó, Hải quân và Không quân Mỹ có thể phá hủy tên lửa của Triều Tiên ngay từ lúc nó còn nằm trên bệ phóng. 

Tuy nhiên, với tên lửa KN-08 và phiên bản cải tiến có tầm bắn xa hơn KN-14, Mỹ lại phải đề phòng bởi đây là loại tên lửa sử dụng bệ phóng di động.

RELATED ARTICLES

Tin mới