Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinSCMP: Bắc Kinh ngây thơ nếu tin cam kết về "Một Trung...

SCMP: Bắc Kinh ngây thơ nếu tin cam kết về “Một Trung Quốc” của Trump với ông Tập

Cam kết tôn trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc” của Tổng thống Mỹ Donald Trump được xem là nỗ lực chặn đà trượt dốc quan hệ song phương.

“Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập và “Nước Mỹ vĩ đại” của ông Trump khiến nỗ lực hòa dịu khó khăn hơn? (Ảnh: Xinhua)

Trước cuộc điện đàm hôm 9/2 (giờ miền Đông) với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump “phá băng” bằng một lá thư gửi ông Tập, thể hiện mong muốn phát triển quan hệ hai nước.

Tuy nhiên, trong bài phân tích trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 18/2, tác giả Cary Huang nhắc lại Trump đã “chọc giận và gây hoang mang” cho Bắc Kinh sau khi ông đắc cử với nghi vấn về tính hợp lý của chính sách “Một Trung Quốc” mà Mỹ cam kết dài hạn.

Thêm vào đó, cuộc điện đàm đặc biệt giữa Trump với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, chính khách thuộc đảng Dân Tiến (DPP) ủng hộ Đài Loan độc lập, đã phá vỡ quy trình ngoại giao được duy trì gần 4 thập kỷ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Điện đàm “thân mật” Trump-Tập chưa nói lên tất cả

Trước cuộc điện đàm bước ngoặt với ông Tập, Tổng thống Trump vẫn tuyên bố tiếp cận cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên hay các tranh chấp ở biển Hoa Đông và biển Đông kể từ khi nhậm chức hôm 20/1.

Nội các của Trump, bao gồm nhiều thành viên phái “diều hâu”, cũng đe dọa theo đuổi lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc so với chính quyền Barack Obama.

Theo tác giả Huang, thực tế này nhắc nhở rằng thái độ hòa dịu mới của Nhà Trắng không cho thấy tân Tổng thống Mỹ thực sự nghĩ cách tiếp vấn đề Đài Loan của ông là nhiều rủi ro hay phản tác dụng.

Thêm vào đó, các thông điệp trái chiều nhau là dấu hiệu chính quyền mới của Mỹ vẫn chưa xác định hoàn toàn hướng tiếp cận đối với một trong những thách thức lớn nhất của Washington về chính sách đối ngoại.

Đối đầu Bắc Kinh trong “những vấn đề dân tộc nóng bỏng” có thể châm ngòi cho sự phản ứng quyết liệt của Trung Nam Hải, đặc biệt khi Chủ tịch Tập Cận Bình theo đuổi mục tiêu trở thành một nhà phục hưng Trung Quốc.

Vấn đề tồn tại là mâu thuẫn không thể tránh khỏi giữa các mục tiêu tham vọng của hai nhà lãnh đạo: “Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập, và cam kết “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump.

Vì vậy, Huang phân tích, các phát ngôn cứng rắn của Trump với Trung Quốc có thể là một phần trong tính toán chiến lược của chính quyền mới, nhằm tạo ra “sân khấu” để Mỹ “ngửa bài” trong các lĩnh vực thương mại, vấn đề Đài Loan và an ninh khu vực.

“Cần nhắc rằng cam kết của Trump về ‘Một Trung Quốc’ sẽ không có ý nghĩa gì, chừng nào chính quyền của ông còn thúc đẩy và tăng cường quan hệ với Đài Loan một cách mạnh mẽ,” tác giả viết.

Tổng thống Mỹ từng tỏ thái độ sẵn sàng bán cho Đài Loan các loại vũ khí hiện đại và hỗ trợ hoạt động phòng thủ của hòn đảo này trong phạm vi luật pháp liên bang.

Chính quyền Mỹ hành động mạnh mẽ ở châu Á

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, các mục tiêu chiến lược của chính quyền Trump khá rõ ràng.

SCMP cho hay, toàn bộ chính quyền Mỹ đã tập trung nỗ lực vào củng cố quan hệ với tất cả đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng quốc phòng James Mattis công du Nhật Bản, Hàn Quốc; Ngoại trưởng Rex Tillerson nhấn mạnh sự gắn kết của Washington với Australia, Nhật, Hàn trong các cuộc điện đàm với những người đồng cấp.

Hồi tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở thành lãnh đạo châu Á đầu tiên công du Mỹ và gặp Trump ở Nhà Trắng sau lễ nhậm chức. Thậm chí, Đài Loan được cho là “nhận thông tin đầy đủ” từ phía Mỹ về cuộc điện đàm Trump-Tập từ trước khi cuộc gọi diễn ra.

Ngay cả với cuộc điện đàm được Trump đánh giá “vô cùng thân mật” cùng ông Tập, căng thẳng vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt khi vụ máy bay quân sự Mỹ-Trung “bay gần nhau” trên vùng trời biển Đông xảy ra rất gần thời điểm cuộc gọi.

Theo SCMP, thông điệp trọng yếu nhất mà Bắc Kinh cần nắm được là chính quyền Trump đang gia tăng hành động quân sự, mà Trung Quốc gọi là “khoe cơ bắp”, nhằm hỗ trợ cho chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực.

Mới đây nhất, nhóm tàu tác chiến của Mỹ, bao gồm tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson đã bắt đầu chiến dịch tuần tra trên biển Đông kể từ ngày 18/2. Bên cạnh đó, lực lượng hải quân và không quân quy mô lớn dự kiến được triển khai ở Đông Á để thách thức sự quyết đoán và tầm ảnh hưởng gia tăng của “người khổng lồ đang trỗi dậy” Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới