Sự kiện nhóm tác chiến của Hải quân Mỹ, bao gồm tàu sân bay USS Carl Vinson, bắt đầu tuần tra biển Đông từ hôm 18/2 lại làm dấy lên thái độ lo ngại của truyền thông Trung Quốc.
USS Independence thuộc một trong hai nhóm tàu sân bay được Mỹ điều tới khu
vực biển Đông năm 1996 để giám sát hoạt động của Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Các học giả Trung Quốc, như thường lệ, nêu các biện pháp mà quân đội nước này có thể thực hiện để cảnh báo hoặc “trục xuất” các nhóm tàu chiến Mỹ.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, nếu nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson “tái diễn bài cũ” mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama từng thách thức Bắc Kinh, thì Trung Quốc nay đã có thêm nhiều lựa chọn ngoài các hình thức cảnh cáo, đeo bám, xua đuổi… truyền thống.
Ông Lý tiết lộ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã triển khai các tàu và máy bay không người lái đủ khả năng tiếp cận, do thám và cảnh cáo chiến hạm Mỹ, đồng thời “thể hiện khả năng tấn công tầm xa của Trung Quốc” cũng như thăm dò phản ứng của Mỹ.
Trong bài viết ngày 19/2 trên tạp chí National Interest (Mỹ), tác giả Kyle Mizokami tin rằng sự e ngại của Bắc Kinh trước sức mạnh Mỹ, mỗi khi có một tàu sân bay hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương, xuất phát từ vụ đối đầu quân sự hơn 20 năm trước, khiến quân đội Mỹ-Trung tiến sát bờ vực xung đột vũ trang.
Sự kiện được gọi là “khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba” đã để lại ấn tượng khó quên với Trung Quốc, đặc biệt là các nhà hoạch định quân sự, trước thực lực và sự linh hoạt của tàu sân bay Mỹ.
Tháng 8/1995, Trung Quốc tuyên bố tổ chức hàng loạt cuộc tập trận tên lửa ở biển Hoa Đông. Mặc dù các hoạt động tập trận như vậy không hiếm, song bị Mỹ/đồng minh phổ biến nhận định là chiến dịch trả đũa nhằm vào chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy.
Mizokami cho hay, các cuộc tập trận năm 1995 có sự xuất hiện của Quân đoàn pháo binh số 2 (nay là Lực lượng tên lửa thuộc PLA) và tái triển khai các chiến đấu cơ F-7 của Trung Quốc, chỉ cách đảo Đài Loan 400km.
Ngoài ra, trong một động thái mà đến năm 2016 đã trở thành “thông thường”, Bắc Kinh điều hàng trăm tàu cá dân sự tiến vào vùng biển xung quanh đảo Matsu gần Đài Loan, ngoài khơi Trung Quốc đại lục.
Tàu sân bay Mỹ chỉ “giám sát”, nhưng Trung Quốc không thể làm gì
Tư liệu từ trang Globalsecurity.org cho thấy, việc tái triển khai các lực lượng tên lửa tầm xa của Trung Quốc còn tiếp diễn đến năm 1996 và PLA trên thực tế đã sẵn sàng hành động quân sự nhằm vào Đài Loan. Cuộc tấn công không diễn ra, nhưng các cơ quan tình báo Mỹ khá chắc chắn về sự chuẩn bị của Bắc Kinh.
Giai đoạn này, quân đội Mỹ đã hoạt động trong khu vực, tàu tuần dương USS Bunker Hill hiện diện ở vùng biển phía Nam đảo Đài Loan để giám sát các cuộc thử tên lửa của Trung Quốc.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Independence, cùng các tàu khu trục Hewitt, O’Brien và tàu tuần dương McClusky, đóng tại Nhật Bản bắt đầu đi lại ở khu vực phía Đông Đài Loan.
Sau các cuộc thử tên lửa của Trung Quốc, tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz (Mỹ) cuối cùng đã rời Vịnh Ba Tư để trở lại Tây Thái Bình Dương.
Nhóm tàu này thậm chí có sức mạnh đáng gờm hơn nhóm tác chiến của tàu USS Independence, với tàu tuần dương Port Royal, các tàu khu trục tên lửa dẫn đường Oldendorf và Callaghan, hay tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Portsmouth.
Chiếc Nimitz cùng các tàu hộ tống vào vị trí ở vùng biển ngoài khơi Philippines, sẵn sàng hỗ trợ tàu Independence. Nhưng không có tàu sân bay Mỹ nào thực sự tiến vào eo biển Đài Loan.
Theo Mizokami, PLA không thể làm gì trước sự hiện diện của các tàu sân bay và phải chịu một vố mất mặt. Trung Quốc, thời điểm đó bắt đầu chứng kiến hậu quả của phát triển kinh tế “nóng”, vẫn không đủ khả năng quân sự để đe dọa các chiến hạm Mỹ ở cách bờ biển của họ không xa.
Tác giả Mizokami bình luận, “cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 3” là một bài học nghiệt ngã với Bắc Kinh.
Cuộc đại cải tổ để hiện đại hóa PLA mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tiến hành là bằng chứng Bắc Kinh sẽ hành động động quyết liệt trong những vấn đề được nước này xác định là “lợi ích cốt lõi”.
Quân đội Trung Quốc đã sở hữu tàu sân bay Liêu Ninh, đồng thời dần hoàn thiện một tàu sân bay khác, với tham vọng nâng tổng số lên 5 tàu sân bay.
Sau 22 năm, Trung Quốc đang ở một vị trí đặc biệt: Vừa hiểu được giá trị của tàu sân bay, vừa đưa vào chương trình đạo tạo lượng lớn tư liệu và thông tin để tìm cách đánh chìm tàu sân bay. Trong khi sức mạnh Hải quân Trung Quốc gia tăng, có thể Mỹ sẽ thấy mình ở vào hoàn cảnh tương tự trong tương lai không xa.