Saturday, January 18, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiAustralia phải cảnh giác với TQ

Australia phải cảnh giác với TQ

Tại họp báo chung trong chuyến thăm Australia của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 7/2/2017, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop dường như cho thấy có khả năng Australia chuyển hướng trong chính sách Biển Đông khi không đề cập đến vấn đề Biển Đông và phán quyết của Toà trọng tài.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Có vẻ như Australia đang thể hiện quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc thông qua thúc đẩy hợp tác kinh tế, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP và sự chuyển dịch của Philippines dưới chính quyền Rodrigo Duterte. Tuy nhiên, Australia cần phải tỉnh táo vì tham vọng của Trung Quốc rất lớn.

Sách Trắng quốc phòng Australia năm 2016 nêu rõ Trung Quốc đang dốc sức hiện đại hoá quân đội bằng việc phát triển khả năng phát huy sức mạnh. Đặc biệt, Trung Quốc đang xây dựng lực lượng hải quân có thể vươn ra ngoài “chuỗi đảo thứ nhất” ở Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng đang xây dựng lực lượng “hải quân biển xanh” có thể hoạt động tận biển Ả-rập và Ấn Độ Dương. Mục tiêu là Trung Quốc muốn phát triển năng lực đủ để bảo vệ các tuyến đường biển của họ và không muốn hải quân Mỹ đảm nhiệm vai trò này.

Trung Quốc thường lý giải nỗ lực hiện đại hoá quốc phòng của nước này là để tự vệ nhưng giữa tự vệ và tấn công có một khoảng cách rất mong manh. Trung Quốc chưa hề thay đổi tham vọng của nước này ở khu vực: thống trị khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Mỹ thống trị bán cầu Tây. Theo đó, Trung Quốc sẽ nỗ lực gia tăng khoảng cách về sức mạnh với các nước láng giềng lớn ở khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và vượt xa cường quốc tầm trung là Australia. Trung Quốc muốn đảm bảo là một nước mạnh nhất ở châu Á không một nước nào có thể đe doạ được. Mặc dù Trung Quốc phủ nhận việc theo đuổi con đường chiến tranh và xâm chiếm nước khác nhưng không thể loại trừ viễn cảnh đó. Dễ nhận thấy hơn, Trung Quốc muốn trở thành “ông chủ” áp đặt luật chơi và giới hạn mà các nước láng giềng có thể hành xử theo cách mà Mỹ làm với các nước ở châu Mỹ.

Điều này ảnh hưởng như nào tới Australia? Australia có lợi thế hơn so với các nước khác ở châu Á trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc vì cách xa về mặt địa lý, qua một khu vực biển rộng lớn. Ví dụ, trong chiến tranh thế giới thứ hai, quân phiệt Nhật xâm chiếm nhiều nước ở Đông Á nhưng không vươn tới Australia. Vì vậy, Australia có vẻ như ít lo sợ về Trung Quốc và tự tại đứng ngoài xem các nước tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu để kiềm chế Trung Quốc.

Nếu thế, Australia phải nhìn lại cách đánh giá của mình về Trung Quốc. Thứ nhất, vấn đề không phải là mối đe doạ về quân đội Trung Quốc hiện tại mà trong tương lai. Hiện tại, Trung Quốc chưa đủ năng lực để phát huy sức mạnh và chưa phải là mối nguy cấp thiết đối với các nước láng giềng. Cái nói đến là Australia nghĩ như thế nào về Trung Quốc sau khi nước này trải qua vài thập kỷ tăng trưởng kinh tế và sử dụng nguồn tài chính khổng lồ có được từ tăng trưởng đó để xây dựng quân đội với các loại vũ khí tinh vi công nghệ cao. Quân đội Trung Quốc có lượng vũ khí gần với lượng của Mỹ và có thể ngồi ngang hàng với Mỹ, thậm chí còn lợi thế hơn Mỹ vì quân đội của Trung Quốc đông hơn Mỹ trong khi quân đội Mỹ phải hoạt động cách một đại dương hơn sáu nghìn dặm còn quân đội Trung Quốc ở ngay tại “sân sau”. Nói cách khác, quân đội Trung Quốc sẽ có sức mạnh tấn công cao hơn nhiều.

Thứ hai và quan trọng hơn, các chiến lược gia Trung Quốc ngày càng quan tâm tới Australia vì dầu lửa. Nền sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc phụ thuộc rất lớn về dầu lửa nhập khẩu hầu hết từ Trung Đông và phải vận chuyển bằng đường biển. Trung Quốc cũng muốn xây dựng các đường ống dẫn dầu và đường sắt qua Myanmar và Pakistan nhưng vận tải đường biển vẫn là lựa chọn dễ dàng và rẻ hơn. Đây là một trong các lý do lý giải cho việc Trung Quốc phát triển “hải quân biển xanh” để bảo vệ đường biển chạy tới Trung Đông.

Tuy nhiên, Trung Quốc phải đối mặt với khó khăn về địa lý trong việc đảm bảo các tuyến đường biển của nước này, đặc biệt là các tuyến đường biển nối Biển Đông và Ấn Độ Dương. Tàu của Trung Quốc có thể đi qua Eo biển Malacca hoặc qua Eo biển Lombok hoặc Sunda qua Indonesia tới Ấn Độ Dương và khu vực Tây Bắc Australia. Trung Quốc có vẻ như không ưa việc đi qua Eo biển Malacca vì quân đội Mỹ diện diện ngay trên đường biển tại Singapore, nơi mà các chiến lược gia Trung Quốc gọi là “thế kẹt Malacca” (the Malacca dilemma). Vì thế, Trung Quốc muốn sử dụng hai eo biển rộng mở qua Indonesia. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ duy trì hiện diện quân sự ở những vùng biển ngoài khơi phía Bắc Australia. Trung Quốc cũng lo ngại về khả năng phát huy sức mạnh của quân đội Australia và sẽ tìm cách đảm bảo rằng Australia không thể chặn hai eo biển Lombok và Sunda hoặc đe doạ tới vận tải biển của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Rõ ràng, Vương Nghị đến Australia với tâm ý thúc đẩy hợp tác kinh tế nhưng là bước đi nhằm vô hiệu hoá năng lực của Australia ảnh hưởng đến tuyến đường biển của Trung Quốc nói riêng và ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc nói chung.

RELATED ARTICLES

Tin mới