Friday, April 19, 2024
Trang chủĐiểm tinThị trường TQ "ngưng ăn", gạo Việt giảm giá mạnh

Thị trường TQ “ngưng ăn”, gạo Việt giảm giá mạnh

Lượng gạo giao cho đối tác Trung Quốc sụt giảm là một phần nguyên nhân đẩy giá lúa gạo tại ĐBSCL quay đầu giảm mạnh.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời ông Phạm Thanh Thọ, một thương lái chuyên kinh doanh lúa gạo tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cho biết lúa IR 50404 tươi trong vụ hè thu sớm 2016 tại tỉnh Long An hiện có giá 4.500-4.600 đồng/kg, giảm 500-600 đồng/kg so với mức giá cách nay hơn nửa tháng.

Đối với gạo nguyên liệu, một số đầu mối cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp cho biết gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá chỉ còn 6.700-6.800 đồng/kg so với mức giá cách nay hơn nửa tháng là 7.200-7.300 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi (Tiền Giang), cho biết giá gạo nội địa trước đó tăng mạnh khiến đối tác phía Trung Quốc “ngưng ăn” nên đã ảnh hưởng đến thị trường nội địa và làm giá giảm mạnh trở lại.

Trong khi đó, theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, đến nay việc thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung cho Indonesia và Philippines (hợp đồng năm 2015 chuyển sang) cơ bản đã hoàn thành, khiến nhu cầu làm hàng yếu cũng là nguyên nhân dẫn đến việc giá lúa gạo nội địa giảm trở lại.

Diễn biến thị trường cho thấy giá gạo Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Cách đây chưa lâu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) còn hồ hởi thông báo giá lúa gạo đang chuyển biến tích cực nhờ Trung Quốc tăng thu mua lúa gạo Việt Nam.

Từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam. Nếu tính cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, mỗi năm, gạo xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng trên 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2016 này, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam.

Từng lý giải điều này trên Đất Việt, PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) cho rằng, đó là do doanh nghiệp Việt thích ăn xổi và lười chứ không phải không thể tiếp cận các thị trường khó tính.

“Từ trước đến giờ Việt Nam chỉ chú trọng số lượng mà ít quan tâm đến chất lượng, cũng không phân biệt được trong số 140 doanh nghiệp thuộc VFA doanh nghiệp nào có vùng nguyên liệu kiểm soát được hạt gạo của mình mà không đấu trộn nhiều giống lúa với nhau. Bởi vậy các doanh nghiệ cứ mạnh ai nấy chạy, tìm được nhà nhập khẩu nào thì cứ xuất, miễn là có lời.

Doanh nghiệp Việt không quan tâm đến chuyện xuất như vậy thì sang năm có xuất được nữa hay không, họ chỉ nghĩ đến chuyện xuất một mẻ dăm ba nghìn tấn lời được bao nhiêu tiền bỏ túi chứ không nghĩ đến tương lai lâu dài của hạt gạo Việt Nam”, ông Chín chỉ rõ.

RELATED ARTICLES

Tin mới