Mỹ và các nước châu Âu đang lên kế hoạch chạy đường vòng bên cạnh duy trì cấm vận kinh tế Nga để phục hồi kinh tế.
Nga – Đức thiệt hại nặng sau trừng phạt nhưng luôn “lách luật” để hạn chế nhất có thể.
Viện nghiên cứu kinh tế Munich mới đây đã kêu gọi lập ra một “khu vực tự do thương mại” giữa châu Âu và Nga nhằm khôi phục các mối quan hệ kinh tế bị sụt giảm do những cấm vận kinh tế Nga ảnh hưởng.
Theo đó, lãnh đạo Viện quan hệ kinh tế với nước ngoài của Đức Gabriel Felbermayr cho biết, Nga cùng các nước thuộc Liên Xô cũ “có thể là đối tác hấp dẫn cho hợp tác kinh tế sâu với EU”. Thỏa thuận giữa EU và Liên minh kinh tế Á-Âu có thể cải thiện đáng kể GDP của cả Đức lẫn Nga.
Sau khi chính Đức và các nước phương Tây trong cộng đồng EU áp dụng các cấm vận kinh tế với Nga, tổn thất kinh tế của châu Âu và Nga ước tính lên đến khoảng 2-3 tỷ euro.
Khoản tổn thất kinh tế cũng khiến Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Christian Schmidt có phản ứng tích cực với đề xuất tăng cường mối quan hệ thương mại với Nga theo cách “lách luật” là vừa cấm vận, vừa giao thương.
Bất chấp các biện pháp trừng phạt và lệnh cấm nhập cảnh vào EU, gần đây ông Schmidt đã mời Bộ trưởng Bộ nông nghiệp Nga Alexander Tkachev tới dự Hội nghị thượng đỉnh nông nghiệp G-20.
“Chúng ta phải tìm kiếm hợp tác và quan hệ gần gũi hơn với Nga” ông Schmidt nói. “Đức và Châu Âu là đối tác thương mại tự nhiên của Nga”.
Vị Bộ trưởng nói đến những cách hợp tác đặc biệt mà vẫn kèm theo điều kiện rất mơ hồ rằng, sẽ “phụ thuộc phần lớn vào việc tuân thủ các thỏa thuận Minsk”.
Theo Sputnik, Bộ Tài chính Đức cũng tuyên bố rằng “Nga là một thực thể toàn cầu quan trọng, vì vậy một điều rất quan trọng là duy trì đối thoại với nước này.” EU tiến hành chính sách kép để giải quyết mâu thuẫn Ukraine. “Chúng tôi đang nói về làm thế nào để gây áp lực, kể cả thông qua các biện pháp trừng phạt. Đồng thời, cần phải tăng cường đối thoại và hợp tác với nhau để tìm ra các giải pháp”.
Phía Đức từ lâu đã nhìn thấy những ảnh hưởng từ Nga liên quan tới các biện pháp cấm vận kinh tế nước này mang lại cho Đức nhiều bất lợi và thiệt hại hơn những điều tích cực mà trước khi quyết định cậm vận họ tính toán tới.
Không chỉ là quốc gia đầu tàu trong EU nhìn thấy sự cần thiết phải gỡ bỏ trừng phạt Nga theo một cách vừa không mang tính ‘tự hạ thấp mình” lại vừa đảm bảo có lợi nhất về kinh tế.
Mỹ lắng nghe Ukraine tìm cách gỡ bỏ trừng phạt Nga
Ukraine – mối nguyên nhân chính dẫn tới việc Mỹ và châu Âu thực hiện bảo hộ và áp dụng trừng phạt Nga là bên chịu phương hại nhất trong việc thực hiện cấm vận kinh tế Nga. Giờ đây, quốc gia Đông Âu này đang nỗ lực kết hợp trao đổi với phía Mỹ để làm sao có thể kết nối lại lệnh trừng phạt mà không bị “lố”.
Luật sư Ukraine Andrii Artemenko đã gửi một bản kế hoạch hòa bình cho Ukraine trong đó mục tiêu nhằm để phía Mỹ có thể dựa vào đó mà tìm cách nới lỏng các trừng phạt kinh tế Nga.
Cụ thể, bản kế hoạch này đã được gửi tận tay cho cựu cố vấn an ninh Michael Flynn mới từ chức hôm 14/2.
Theo tờ New York Times, ông Flynn đã từ chức sau bê bối trao đổi thông tin với Đại sứ Nga và gian dối với Phó Tổng thống Mỹ, nhưng bản kế hoạch hòa bình Ukraine vẫn được quan tâm bởi sau lưng Tổng thống Donald Trump là cả một bộ phận đang ngày đêm nghiên cứu để tìm cách có thể công khai hạn chế và tháo gỡ lệnh trừng phạt Nga.
Tờ báo cho biết, giữa lúc mối quan hệ giữa ông Trump với Nga và những người kết nối như Michael Flynn đang hứng chịu nhiều mũi công kích từ các cuộc điều tra của các cơ quan tình báo Mỹ, FBI và cả Quốc hội, thì một số cộng sự của Tổng thống vẫn đang tìm cách dấn mình vào những nỗ lực liên quan tới Nga phía sau hậu trường.
Bộ phận nghiên cứu trên được New York Times tiết lộ bao gồm: Michael D.Cohen, Luật sư riêng của Tổng thống Trump- là người chuyển tài liệu trên; Felix H. Sater, trợ lý kinh doanh từng giúp ông Trump giành các hợp đồng ở Nga; và luật sư người Andrii Artemenko, đang tìm cách nổi lên trong chính trường Ukraine thông qua quan hệ với Cựu Giám đốc chiến dịch của ông Trump là Paul Manafort.
Trước khi bước sang chính trường, luật sư Artemenko từng có các liên doanh làm ăn ở Trung Đông và các dự án bất động sản ở Miami (bang Florida, Mỹ). Mùa hè năm ngoái, Artemenko đã tới Cleveland tham gia Đại hội đảng Cộng hòa, nhằm tranh thủ cơ hội tiếp xúc với đội ngũ tranh cử của ông Trump.
Tờ New York Times tiết lộ, bản kế hoạch của Artemenko đề xuất rút toàn bộ các lực lượng Nga khỏi Đông Ukraine. Về phần mình, Ukraine sẽ tổ chức trưng cầu dân ý quyết định việc cho Nga thuê Crimea trong thời hạn 50 năm hoặc 100 năm.
Không rõ bộ phận nghiên cứu gỡ bỏ trừng phạt kinh tế Nga của ông Donald Trump sẽ tính toán ra sao với các đề xuất của vị luật sư người Ukraine. Nhưng riêng với đề xuất này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov nhấn mạnh, không có con đường nào giải quyết tình hình Ukraine ngoài thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi năm 2015 tại Minsk, Belarus.
“Trong trường hợp này, không có gì để thảo luận, chúng tôi không hay biết gì về bất cứ kế hoạch nào như vậy. Đây là điều thứ nhất. Thứ hai, không có gì thay thế được thỏa thuận Minsk, và nếu có thể đạt được bất cứ giải pháp chính trị – ngoại giao nào cho vấn đề Ukraine, thì giải pháp đó cũng phải dựa trên thỏa thuận Minsk. Thứ ba, làm sao mà Nga lại đi thuê vùng lãnh thổ của chính mình. Thật là ngớ ngẩn”, ông Peskov trả lời trong một cuộc họp báo.