Bản tin Biển Đông ngày 22/02/2017.
Quan chức Mỹ khẳng định Trung Quốc đang hoàn tất các công trình chứa tên lửa trên Biển Đông
Ngày 22/2, hãng CNBC đưa tin, mới đây, hai quan chức giấu tên của Mỹ đã tiết lộ với hãng tin Reuters về việc Trung Quốc sắp hoàn thiện các công trình với gần 24 công trình có khả năng chứa các tên lửa đất đối không tầm xa trên các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông. Không những thế, các quan chức này khẳng định, việc Trung Quốc ngang nhiên xây dựng các cấu trúc bê tông với các tấm mái có thể thu lại trên các đá Subi, Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập ở Trường Sa có thể được coi là hành động leo thang về mặt quân sự. Một quan chức cho biết, các cấu trúc có thể dài đến 20m và cao 10m. Thêm vào đó, các quan chức cũng cho biết các cấu trúc mới này có thể giúp Trung Quốc “mở rộng lá chắn phòng không” trên các đảo nhân tạo.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh thông tin này. Một quan chức tình báo của Mỹ khẳng định các cấu trúc xây dựng trái phép sẽ không gây ra nguy cơ nghiêm trọng về mặt quân sự đối với các lực lượng của Mỹ ở khu vực, căn cứ theo tầm nhìn và “điểm yếu” của Trung Quốc, thay vào đó, hành động này giống như một phép thử chính trị đối với phản ứng của chính quyền của Tổng thống Donald Trump nhiều hơn. Trong khi đó, ông Chas Freeman, một chuyên gia về Trung Quốc và cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng các công trình ngoài khơi của Trung Quốc vẫn là nhằm phục vụ mục đích quân sự, đó là thúc đẩy các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, thay vì là một thông điệp chính trị nhằm vào Mỹ bởi “Mỹ không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông”.
Ngoại trưởng Singapore: “Một số việc gấp” cần làm trước khi tiến tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Ngày 21/2, hãng Channel News Asia đưa tin, bên lề Hội nghị họp hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Boracay, Philippines, ông Vivian Balakrishnan khẳng định, để tiến tới hoàn thiện bộ khung cho Bộ Quy tắc ứng xử (COC) của các bên ở Biển Đông vào tháng 6 năm nay, các quốc gia ASEAN vẫn phải hoàn tất gấp một số công việc.
Ông Balakrishnan cho biết các nước đã đạt được tiến triển từ năm ngoái, chẳng hạn như các bên đã thiết lập được đường dây nóng nhằm xử lý các tình huống khẩn cấp trên biển và Bộ Quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển, “những biện pháp xây dựng lòng tin” mang tính động lực cho COC – một văn kiện ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên trong bối cảnh bất ổn toàn cầu và diễn biến phát triển nhanh chóng trong quan hệ Trung – Mỹ, các Ngoại trưởng ASEAN đều khẳng định vai trò quan trọng và cấp thiết của việc thúc đẩy quan hệ “sâu sắc, hiệu quả hơn ở cấp độ kinh tế” hơn giữa các nước ASEAN, tiếp tục duy trì sự thống nhất trong nội bộ khối, đảm bảo duy trì sự hoà bình và ổn định của khu vực trong phạm vi khả năng của khối.
Trung Quốc mở phòng thí nghiệm Biển Đông để nghiên cứu trầm tích có niên đại 8 triệu năm
Ngày 21/2, tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin, mới đây, GS. Liu Zhifei thuộc Phòng Nghiên cứu Trung tâm quốc gia về Địa chất Biển, Đại học Tongji cho biết Trung Quốc mới xây một phòng thí nghiệm thực địa ở phía Đông Bắc Biển Đông, với nhiệm vụ nghiên cứu về lớp trầm tích 8 triệu năm tuổi dưới biển sâu. Phòng thí nghiệm thực chất là một hệ thống quan sát tiến trình tích tụ dưới đáy biển, sẽ tiến hành thu thập dữ biệu biển quan trọng và các mẫu trầm tích trực tiếp từ dưới biển. Bên cạnh đó, ông Liu cho biết, cuộc thám hiểm ở Biển Đông lần thứ 3 đã khoan 600m xuống tầng đáy biển của Biển Đông, tìm ra các mẫu trầm tích cũng có niên đại 8 triệu năm.
Trung Quốc chỉ trích Mỹ về việc đưa nhóm tàu tác chiến sân bay tới tuần tra ở khu vực
Ngày 21/2, tờ Trung Hoa Nhật báo đăng bài viết “Trung Quốc thúc giục Mỹ có đóng góp cho hoà bình ở Biển Đông” trích dẫn phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cáo buộc Mỹ “đe doạ và làm tổn hại đến chủ quyền, an ninh của các quốc gia ven biển với cái cớ tự do hàng hải và hàng không” nhằm đáp trả việc Mỹ đưa nhóm tàu tác chiến sân bay USS Carl Vinson tới tuần tra ở khu vực ngày 19/2. Ông Cảnh Sảng cũng lớn tiếng yêu cầu “Mỹ và các quốc gia ngoài khu vực” có nhiều hơn những hành động “có lợi cho hoà bình và ổn định ở Biển Đông”.
Học giả Trung Quốc mỉa mai những nỗ lực của ASEAN nhằm đi đến Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Ngày 22/2, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài viết “ASEAN sắp ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” bình luận về sự kiện các Ngoại trưởng ASEAN sắp đẩy nhanh tiến trình ký kết bộ khung cho Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông tại Hội nghị họp hẹp Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM Retreat) ở Boracay, Philippines vừa qua. Ông Zhuang Guotu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Hạ Môn Trung Quốc thản nhiên phủ nhận vai trò của COC đối với việc hạ nhiệt căng thẳng tranh chấp ở Biển Đông, cho rằng “Dù các bên có đạt được COC không thì điều đó cũng chẳng có tác động gì tới tình hình Biển Đông”. Mặt khác, bài báo cũng dẫn lời các chuyên gia khẳng định rằng “Hội nghị họp hẹp là nhằm vượt qua những bất đồng nội khối và đạt được đồng thuận trong tranh chấp Biển Đông giữa các quốc gia ASEAN”, ngụ ý mỉa mai những khác biệt đã ảnh hưởng đến đồng thuận trong khối trong thời gian qua, mà kẻ đứng đằng sau không ai khác ngoài Trung Quốc.
Nhân sự kiện này, ông Zhuang còn ngang nhiên phát biểu rằng trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chẳng đoái hoài gì tới các vấn đề an ninh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bởi “ việc ông Trump phản đối toàn cầu hoá và tự do thương mại đã gây thiệt hại lớn tới các nước ASEAN”, đồng thời thản nhiên tranh thủ cơ hội để lôi kéo các nước Đông Nam Á tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đặc biệt là Sáng kiến “Một Con đường, Một Vành Đai”.