Với sự hợp tác của Israel và Nga cùng tiềm lực quân sự, kinh tế hiện có, Việt Nam đang có cơ hội để trở thành công xưởng sản xuất vũ khí.
Việt Nam trở thành khách hàng VIP của vũ khí Israel
Tín hiệu khả quan
Sáng 21/2, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang đã có buổi tiếp ông Yitzhak Aharonovitch – Chủ tịch Tập đoàn IMI Systems đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hài lòng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Israel thời gian qua.
Đặc biệt, trong lĩnh vực An ninh – Quốc phòng, Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy hợp tác giữa hai nước không ngừng được đẩy mạnh, hiện Israel đã trở thành đối tác lớn của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Chủ tịch nước đánh giá cao công nghệ quốc phòng của Israel, đồng thời cho biết, với tiềm năng và nhu cầu hợp tác còn rất lớn, hai bên cần hợp tác theo hướng chuyển giao công nghệ cao, hợp tác nghiên cứu phát triển, liên doanh liên kết thành lập các nhà máy tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu của Việt Nam và xuất khẩu.
Ông Yitzhak Aharonovitch – Chủ tịch Tập đoàn IMI Systems cũng khẳng định, sẽ nỗ lực hết mình trong thúc đẩy các dự án hợp tác, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm của Israel trong đảm bảo an ninh, như an ninh sân bay, chống khủng bó và chuyển giao công nghệ cao.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh quốc hội bày tỏ nhiều kỳ vọng vào việc hợp tác giữa Việt Nam và Israel trong lĩnh vực quân sự quốc phòng, vũ khí thời gian tới.
Theo ông Trường, quan hệ quốc phòng giữa 2 quốc gia không phải đến thời điểm hiện nay mới được nhắc đến. Việt Nam đã mở rộng quan hệ với nước bạn từ khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận. Tuy nhiên vẫn có những điểm khác biệt nhất định khiến việc hợp tác chưa thật sự mạnh mẽ và đạt được kết quả cao như cả 2 bên mong muốn.
“Hiện nay vẫn còn khoảng cách giữa Việt Nam và Israel. Vì thực tế trong lĩnh vực sản xuất vũ khí, quốc phòng, khí đạn Israel theo tiêu chuẩn của phương Tây. Còn chúng ta theo tiêu chuẩn khối Vacsava cũ ngày xưa , đứng đầu là Liên Xô. Vì thế sự hợp tác cần phải thực hiện từng bước. Chúng ta phải tranh thủ hợp tác với nước bạn hoặc khi mua sắm vũ khí, thiết bị gì đó cũng phải phù hợp và tương thích với phương thức tác chiến, nghệ thuật quân sự của Việt Nam.
Đặc biệt là cần hướng tới mục đích có thể sử dụng một cách linh hoạt. Nếu vũ khí chuyên biệt quá thì sẽ rất hạn chế khả năng thay thế khi chúng ta bị thiếu hụt, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang sở hữu số lượng lớn vũ khí từ khối xã hội chủ nghĩa trước đây cung cấp với các tiêu chuẩn kỹ thuật khác. Cho nên Việt Nam phải từng bước hợp tác hoặc lựa chọn những mặt hàng, vũ khí phù hợp với nhu cầu của chúng ta”, ông Trường khẳng định.
Đánh giá triển vọng hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Israel vào thời điểm này, ông Trường khẳng định đang có nhiều tín hiệu hết sức thuận lợi.
Là người trực tiếp gặp gỡ và 1 số lần tiếp đại sứ Israel tại Việt Nam, ông Trường nhận định nước bạn đang có thiện chí và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ những hợp tác trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng với Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang có nhu cầu lớn về vũ khí, trang thiết bị từ Israel.
“Chuyến thăm hôm 21/2 của Chủ tịch tập đoàn sản xuất vũ khí, công nghiệp quốc phòng của Israel đến Việt Nam là một cơ hội rất tốt. Riêng chuyện một người đứng đầu tập đoàn công nghiệp được Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người đứng đầu nhà nước, nguyên thủ quốc gia, đồng thời là thống lĩnh lực lượng vũ trang Việt Nam tiếp đón cho thấy rõ một thông điệp cụ thể từ phía Việt Nam. Chúng ta đánh giá cao vai trò của Israel trong việc hợp tác với quốc gia này trong lĩnh vực quốc phòng quân sự.
Đây như là một khẳng định, Việt Nam sẵn sàng hợp tác và chia sẻ với Israel đồng thờ mong muốn phía bạn giúp đỡ Việt Nam khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực quốc phòng. Lĩnh vực công nghiệp quân sự quốc phòng của Israel có thế mạnh rất nổi trội. Nhiều đoàn cán bộ quân sự cấp cao của Việt Nam đi về cũng khẳng định điều đó rồi. Nếu Israel giúp đỡ thì tôi tin tưởng, chúng ta sẽ có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp quốc phòng trong thời gian tới”, ông Trường nhấn mạnh.
Việt Nam phải nỗ lực
Nói thêm về khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Israel trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, ông Lê Việt Trường khẳng định, quyết tâm chính trị của 2 quốc gia đã có, vấn đề hiện nay là tổ chức triển khai thực hiện.
Tuy nhiên theo ông Trường thời gian nhanh hay chậm của quá trình phối hợp thực hiện, chuyển giao công nghệ, vũ khí còn phụ thuộc rất nhiều vào cái khả năng của mỗi bên.
“Về phía Israel, tôi đánh giá họ có trình độ khoa học công nghệ rất tốt. Việc chuyển giao công nghệ lúc này phụ thuộc vào phía Việt Nam, tức là khả năng đối ứng của chúng ta là chủ yếu. Ở đây, theo tôi quan trọng nhất là khoa học cơ bản, công nghệ nền và điều kiện cơ sở hạ tầng. Chúng ta phải có cái nền thì mới tiếp nhận được. Việc này hết sức quan trọng và có tác động rất lớn đến hiệu quả của quá trình chuyển giao.
Tôi lấy ví dụ đơn giản việc Nhật Bản chuyển giao cho Việt Nam kỹ thuật câu cá ngừ đại dương. Quy trình ban đầu tưởng rất đơn giản từ việc thả mồi để con cá cắn câu, đưa lên thuyền rồi làm đông lạnh và vận chuyển đến chợ bán đấu giá. Tuy nhiên họ bán được tới giá 400 USD/kg còn của Việt Nam chỉ từ 80-170 USD/kg. Điều này cho thấy chúng ta không có kiến thức nền tốt. Do đó dù Nhật Bản có tiến hành chuyển giao công nghệ nhưng Việt Nam không nắm bắt được hết ”, ông Trường dẫn chứng.
Đối với lĩnh vực quân sự quốc phòng của Việt Nam, ông Trường nhận định, vào thời điểm này chúng ta cũng gặp không ít khó khăn. Việt Nam kết thúc chiến tranh và mới chỉ có khoảng 40 năm xây dựng phát triển đất nước. Do đó chúng ta không thể nóng vội đòi tiếp thu, chuyển giao ngay thành tựu khoa học kỹ thuật của nước bạn. Muốn làm được như vậy cần phải có những con người có trình độ, hiểu và nắm được quy tắc vận hành, sử dụng trang thiết bị.
“Chúng ta sẽ lựa chọn những lĩnh vực Israel có thế mạnh để thúc đẩy việc chuyển giao. Tuy nhiên việc này cũng cần phù hợp với khả năng tiếp nhận cũng như đáp ứng được nhu cầu của quân đội Việt Nam về phương thức tác chiến và nghệ thuật quân sự .
Mặt khác nó còn phải phù hợp với khả năng về tài chính, phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng của Việt Nam được Bộ Chính trị thông qua. Chúng ta không thể chạy theo các nước, thấy họ có cái gì thì cũng đòi hỏi phải làm cái đấy”, ông Trường khẳng định.
Cơ hội để Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất vũ khí
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh quốc hội cũng nhắc đến việc hiện nay Việt Nam đã tự chủ một số thiết bị quân sự. Trong những năm qua chúng ta đã có sự hợp tác bền chặt với Nga trong lĩnh vực quốc phòng. Thời gian gần đây là một quốc gia có tiềm lực cũng rất mạnh là Israel. Với những lợi thế đó, ông Trường cho rằng việc đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất vũ khí của thế giới hoàn toàn có thể thực hiện được.
Theo ông Trường, trong lịch sử phát triển ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã chứng minh khả năng tự chủ, sáng tạo của Việt Nam trong việc chế tạo vũ khí cũng như kỹ thuật quân sự.
“Từ thời kỳ cụ Trần Đại Nghĩa khi đó Việt Nam chưa có gì, chúng ta làm thủ công là chính mà đã sản xuất được súng bazooka không giật để bắn cháy được xe tăng của Pháp. Tôi nghĩ thời điểm này, chúng ta đang từng bước xây dựng nền công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ, tự cường. Tất nhiên độc lập ở đây không phải là Việt Nam đóng cửa làm lấy mà chúng ta không bị lệ thuộc vào ai, gắn mục tiêu chính trị vào ai. Thuần túy chúng ta trao đổi với quốc gia khác trên tinh thần 2 bên cùng có lợi.
Trong điều kiện kinh tế phát triển như hiện nay cùng với việc Bộ Chính trị thông qua nghị quyết đầu tư cho quốc phòng, chương trình Chính phủ cũng đặt ra những nhiệm vụ hết sức cụ thể, kèm theo đó là sự hợp tác của Nga và Israel , tôi tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển và có những bước đi nhanh hơn trong thời gian tới để xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ đủ sức đáp ứng cho bản thân chúng ta thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ Quốc”, ông Trường nêu quan điểm.
Nói cụ thể hơn về các kế hoạch trong thời gian tới, ông Trường cho rằng Việt Nam cần căn cứ vào nhu cầu hiện nay của quân đội. Chúng ta đã có một lượng lớn vũ khí tận thu sau cuộc chiến tranh chống Mỹ. Hiện nay các đơn vị đang sử dụng rất hiệu quả và phần lớn đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do đó chúng ta phải tận dụng triệt để các vũ khí này đồng thời kết hợp với sản xuất mới.
“Trước hết chúng ta phải đảm bảo làm chủ hoàn toàn, trang bị vũ khí hiện đại cho lục quân. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đảm bảo xây dựng 1 số binh chủng và quân chủng tiến thẳng tới hiện đại. Ví dụ như quân chủng hải quân. Các cơ quan cần phải quan tâm đến vấn đề đóng tàu chiến cũng như phát triển, tăng cường năng lực cho lực lượng này. Ngoài ra phải bảo đảm các loại vũ khí tối tân để họ có thể từ bờ kiểm soát toàn bộ hải phận của Việt Nam trên mặt biển theo công ước về Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982.
Cùng với đó, chúng ta cũng cần ưu tiên cho không quân và không thể thiếu được là binh chủng thông tin. Nói tóm lại, công nghiệp quốc phòng của Việt Nam thời điểm hiện tại cần phải đầu tư để làm chủ hoàn toàn, trang bị vũ khí hiện đại cho Lục quân. Tiếp theo là ưu tiên cho hải quân rồi đến không quân và thông tin liên lạc”, ông Trường nhấn mạnh.