Tuesday, January 7, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTái khởi động đàm phán về Triều Tiên, Bắc Kinh đang gây...

Tái khởi động đàm phán về Triều Tiên, Bắc Kinh đang gây áp lực lớn cho Mỹ?

Ngày 17/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố vẫn còn cơ hội nối lại vòng đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên.

Ngày 18/2, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố sẽ tạm dừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên. Ảnh: Getty

Áp lực cho nước Mỹ

Ngày 18/2, Trung Quốc bất ngờ đưa ra tuyên bố bắt đầu từ ngày 19/2, nước này sẽ ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên.

The New York Times (Mỹ) nhận định, tuyên bố này thực chất phát tín hiệu tới cả Bình Nhưỡng và Washington. Bởi theo báo Mỹ, Bắc Kinh đang muốn bày tỏ rằng họ đã thực hiện nghĩa vụ của mình về lệnh trừng phạt quốc tế và bây giờ cần xem xét các động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

“Thách thức này xuất hiện đúng thời điểm khiến dư luận chú ý. Bởi một đoàn ngoại giao Triều Tiên có kế hoạch nhóm họp với các cựu quan chức Mỹ vào tháng 3 tới đây tại New York,” NYT viết.

Báo Mỹ cũng đặt ra câu hỏi: “Liệu chính phủ của Trump có cấp visa cho người Triều Tiên không?”, bởi Washington hiện vẫn chưa cấp visa cho phái đoàn quan chức Triều Tiên sang Mỹ.

Nếu điều này xảy ra chứng tỏ, chính quyền mới của Mỹ ít nhất muốn thông qua các kênh ngoại giao không chính thức để lắng nghe tiếng nói từ Bình Nhưỡng.

Sự việc này cho thấy, ông Trump sẵn sàng đưa ra một chiến lược hoàn toàn khác với (cựu) Tổng thống Barack Obama, NYT nhấn mạnh.

Trước đó, trong thời gian tranh cử, ông Trump cũng từng nói rằng sẽ “chấp nhận” để lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến Mỹ và “cùng ăn hamburger” tại bàn đàm phán.

Đặc biệt, tân Tổng thống Mỹ được cho phản ứng khá kiềm chế trước sự kiện Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa tầm trung mới hôm 12/2, khi ông không đưa ra chỉ trích trực tiếp nhằm vào Bình Nhưỡng mà chỉ khẳng định ủng hộ đồng minh đến cùng.

“Nếu cấp visa, đây sẽ là tín hiệu rõ ràng chứng tỏ chính quyền Trump sẵn sằng thực hiện nhiều nỗ lực để tiếp xúc với Triều Tiên”, cựu Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Evans J.R.Revere bình luận.

Tuy nhiên, ông Revere cảnh cáo, Washington không nên trao cho Bình Nhưỡng quá nhiều hy vọng bởi tất cả biểu hiện của Triều Tiên hiện nay cho thấy, họ sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân của mình.

Nỗ lực khó thành công?

Cuộc hội đàm trên diễn ra theo kế hoạch của ông Donald S. Zagoria thuộc Ủy ban Quốc gia về chính sách đối ngoại Mỹ.

Đây là cuộc hội đàm đầu tiên được diễn ra tại New York trong vòng 5 năm qua. Trước đó, trong bối cảnh chính quyền cựu Tổng thống Obama phản đối kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, những cuộc hội đàm Mỹ-Triều trên đất Mỹ đều là không chính thức.

Tuy nhiên, theo NYT, quyết định để hội đàm được tổ chức tại New York lúc này phức tạp hơn bình thường. Bởi có ý kiến cho rằng, Triều Tiên có thể đã ứng dụng công nghệ phóng lạnh và nhiên liệu rắn cho quả tên lửa đạn đạo phóng thử hôm 12/2, kỹ thuật giúp nước này dễ dàng che giấu kho vũ khí của mình.

Đặc biệt, chính quyền Trump lại đối mặt với một thách thức khó khăn khác khi giải quyết vấn đề Triều Tiên. Đó là cuộc tập chung Mỹ-Hàn Quốc vào tháng 3 tới đây.

Peter Hayes – Giám đốc Viện Nautilus, San Francisco, Mỹ cho biết, cùng với tình trạng leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và quan hệ Trung-Triều đi xuống, Bình Nhưỡng đã thể hiện phản ứng mạnh mẽ của mình nhiều hơn thường lệ bằng việc phóng tên lửa hoặc thử nghiệm hạt nhân.

Ví như hồi tháng 9/2016, Triều Tiên tuyên bố tiến hành thành công cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5, trong bối cảnh Hàn-Mỹ tiến hành diễn tập quân sự.

“Trong căng thẳng Triều Tiên, chúng ta có thể sa vào một giai đoạn mới cực kỳ nguy hiểm” – Hayes nói. Ông kiến nghị Mỹ – Hàn giảm bớt diễn tập để “tránh vô ý gây căng thẳng, phát triển thành cuộc chiến tranh hạt nhân cũng như cần thăm dò ý định của Bình Nhưỡng”.

Theo NYT, Trung Quốc lại đang hy vọng chính quyền Trump sẽ đàm phán trực tiếp với Triều Tiên.

Động thái tạm dừng xuất khẩu than từ Bình Nhưỡng cho thấy, Bắc Kinh có hành động cứng rắn hơn trước kia khi đối phó với láng giềng Đông Bắc Á. Đồng thời, đây cũng là nhượng bộ giúp Washington có thể ngồi cùng bàn đàm phán với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, tạm dừng nhập khẩu than đá chỉ là biện pháp đối phó ban đầu, khó nhận biết được tác động đến kinh tế Triều Tiên trong tương lai xa.

“Tác động sẽ không lớn như rất nhiều người nghĩ”, Trương Liễn Khôi – chuyên gia về vấn đề Triều Tiên thuộc Trường đảng trung ương Trung Quốc bình luận.

Trương cũng cho rằng, bất cứ cuộc hội đàm chính thức hoặc không chính thức nào với Triều Tiên đều không thể buộc Bình Nhưỡng cắt giảm sức mạnh hạt nhân.

“Tôi không nghĩ rằng, Tổng thống Trump có thể đàm phán thành công với Triều Tiên”, học giả Trung Quốc kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới