Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiXuất khẩu tiến sĩ, cử nhân: Hàng dỏm thì ai nhận

Xuất khẩu tiến sĩ, cử nhân: Hàng dỏm thì ai nhận

Sau bao năm tiêu tốn ngân sách quốc gia đào tạo vội vã bất kể chất lượng bậc thạc và tiến sỹ, nay thấy hàng dỏm lại muốn đẩy ra nước ngoài!

GS Nguyễn Đăng Hưng bày tỏ lo ngại trước đề án xuất khẩu cử nhân sang nước ngoài làm việc của Bộ LĐ-TB-XH.

PV:- Thưa ông, Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng đề án dự thảo Đề án xuất khẩu cử nhân sang nước ngoài làm việc. Cụ thể một số thị trường Bộ hướng tới là Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, Slovakia… Ông bình luận ra sao về quyết tâm này? Theo ông, đặt ra vấn đề trên ở thời điểm này đã muộn chưa và vì sao? 

GS Nguyễn Đăng Hưng:- Tôi cho đây là một giải quyết tình thế. Tình thế vì số cử nhân, kỹ sư thất nghiệp tại Việt Nam đã tăng cao đáng kể, một số nước phát triển đang cần gấp chuyên viên có trình độ, khả năng hưởng lợi đang mở ra… Có kế hoạch dài hạn chi đâu mà sớm hay muộn! 

PV:- Việt Nam hiện có hơn 200.000 cử nhân thuộc nhiều nhóm ngành nghề khác nhau đang bị thất nghiệp. Đây chính là động lực khiến Bộ LĐ-TB-XH tính toán tới đề án xuất khẩu nói trên. Tuy  nhiên, nhiều người đặt câu hỏi, bản thân thị trường lao động trong nước không cần thì liệu có xuất khẩu được không. Ông bình luận như thế nào về băn khoăn trên? Để xuất khẩu được số cử nhân dôi dư này, theo ông, phải làm như thế nào? 

GS Nguyễn Đăng Hưng:- Băn khoăn của giới quan sát thị trường nhân lực rất có cơ sở. Thật vậy, tình trạng dư thừa nhân lực tại Việt Nam thường là hậu quả của việc thiếu công ăn việc làm, phát triển kinh tế bị chậm lại, cung nhiều hơn cầu. Tuy nhiên, cũng có một lý do khác không kém phần quan trọng là trình độ giáo dục và đào tạo của các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam chưa đạt.

Ta vẫn thường nghe điệp khúc của các nhà kỹ nghệ đến Việt Nam đầu tư: Chúng tôi phải đào tạo lại vì sinh viên Việt Nam tốt nghiệp không phù hợp, kỹ năng chuyên môn quá kém…

Theo tôi, sẽ không dễ gì đẩy các cử nhân thiếu trình độ này ra nước ngoài vì sau khi phỏng vấn hay trắc nghiệm họ sẽ không được nhận hay phải được đào tạo lại. Các xí nghiệp sẽ phải chuẩn bị kinh phí phụ trội và họ sẽ rất đắn đo khi lên kế hoạch này. 

PV:- Trước đó, cũng có nhiều ý kiến đề xuất xuất khẩu gần 25.000 tiến sĩ và hơn 110.000 thạc sĩ của Việt Nam sang các nước làm việc. Thưa ông, trong trường hợp những tiến sĩ, thạc sĩ cũng muốn được xuất khẩu, đề án nói trên có hạn chế không? Để tham gia được vào đề án này, các thạc sĩ, tiến sĩ phải đạt được những yêu cầu như thế nào?

GS Nguyễn Đăng Hưng:- Thật là một tình huống oái ăm quái gở! Sau bao năm tiêu tốn ngân sách quốc gia đào tạo vội vã bất kể chất lượng bậc thạc và tiến sỹ, nay thấy hàng dỏm không sử dụng được lại muốn đẩy ra nước ngoài!

Nhưng than ôi, đã là hàng dỏm thì ma nào mà chịu xài? Trừ các trường đại học hay các trung tâm nghiên cứu, các công ty, xí nghiệp các nước phát triển không cần bằng cấp cao. Mà thạc sỹ, tiến sỹ có trình độ thì phải có lý lịch khoa học nghiêm túc, công bố khoa học cao cấp. 80% các thạc sỹ, tiến sỹ đào tạo tạo Việt Nam làm sao có được các thứ ấy vì họ nào đâu biết nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế?

Muốn được thâu nhận vào các trường đại học hay các trung tâm nghiên cứu ứng viên phải tham gia tuyển chọn mà điều kiện tối thiểu chính là lý lịch khoa học nghiêm túc, công bố khoa học cao cấp. Ở đây có lẽ phải bó tay vì cái gì dỏm là phải chào thua ngay vậy! 

PV:-Nhìn một cách căn cơ hơn, nếu đã đặt ra vấn đề xuất khẩu lao động có trình độ nhất định sang thị trường nước ngoài, vấn đề đào tạo đại học phải được tính toán, phối hợp với các mục tiêu của đề án nói trên như thế nào? Xin ông phân tích cụ thể.

GS Nguyễn Đăng Hưng:- Phải trở về với giáo dục chân chính, đào tạo chuyên gia có thực chất, tạo điều kiện cho nhân tài tích cực tham gia phát triển đất nước. Mà giáo dục chân chính là không thể coi thường yếu tố nhăn văn, tôn trọng năng khiếu, đề cao chất lượng, bãi bỏ thói chạy theo thành tích chấm dứt nạn sính bằng cấp.

Đã là nhân sự có chất lượng thật sự, thì ở đâu cũng cần, trong nước, công ty nước ngoài hay xí nghiệp quốc tế. Hãy ưu tiên đào tạo chuyên gia có thực chất cho chính quốc gia mình.

Hãy không bao đồng tiêu tốn kinh phí đào tạo, trong lúc ta còn là nước kém phát triển. Nếu có thặng dư nhân sự cao cấp với xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, tình trạng này sẽ được tự động hóa giải mà chẳng cẩn phối hợp chi cả!

PV:- Xin cảm ơn Giáo sư đã trả lời báo Đất Việt!

RELATED ARTICLES

Tin mới