Cả Nga và Mỹ đều bị hiệp ước về tên lửa tầm trung hạn chế trong khi Trung Quốc đứng ngoài cuộc và tận dụng lợi thế hiếm có này.
Trung Quốc thường xuyên phô trương sức mạnh tên lửa trong các cuộc duyệt binh (Ảnh minh họa).
Nga muốn cởi trói
Trang Stratfor của Mỹ cho rằng Hiệp ước về vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) đang có nguy cơ sụp đổ khi Nga triển khai loại tên lửa bị cấm, trong khi giới chức Mỹ kêu gọi nước này có hành động tương tự để đáp trả.
Stratfor đồng thời chỉ ra những lý do chính khiến cả Nga và Mỹ muốn từ bỏ hiệp ước này, trong đó Trung Quốc là nhân tố không thể bỏ qua vì nước này không bị ràng buộc.
INF được nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev và Tổng thống Mỹ Reagan ký kết ngày 8/12/1987 tại Washington.
Theo hiệp ước này, hai bên phải loại bỏ toàn bộ tên lửa thông thường và hạt nhân cùng các hệ thống phóng có tầm bắn từ 500-1.000 km (tầm ngắn) và 1.000-5.000 km (tầm trung). Tuy nhiên, hiệp ước lại không đề cập tới các loại tên lửa phóng từ biển và không gian.
Về phía Nga, việc từ bỏ INF sẽ giúp nước này tăng cường tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất, qua đó củng cố khả năng phòng thủ của Nga trước quân đội Trung Quốc ngày càng hùng hậu tại khu vực biên giới Trung-Nga.
Từ bỏ INF cũng giúp Nga đối phó với tình huống Mỹ mở rộng lợi thế vốn đã khá đáng kể trong lĩnh vực triển khai vũ khí siêu thanh. Có lẽ quan trọng nhất là việc củng cố kho tên lửa tầm ngắn và tầm trung bố trí trên mặt đất có thể giúp Nga đảo ngược được thế bất lợi về mặt hỏa lực trước Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Stratfor thừa nhận, trên thực tế, INF kìm hãm khả năng tấn công bằng vũ khí thông thường tầm xa của Nga hơn là của Mỹ. Ưu thế về tên lửa được phóng từ biển và trên không, cộng với lực lượng hùng hậu máy bay ném bom, do thám và máy bay chiến đấu giúp Mỹ vượt trội hơn Nga rất nhiều trong việc tiến hành những cuộc tấn công tầm xa vươn sâu vào lãnh thổ của Nga.
Việc phát triển tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất sẽ giúp Nga thu hẹp sự thua kém này. Đơn cử như căn cứ vào tầm bắn và sức hủy diệt của tên lửa hạt nhân tầm trung, Nga có thể đe dọa toàn bộ các căn cứ không quân của NATO tại châu Âu – tương tự như chương trình tên lửa của Trung Quốc khiến Bắc Kinh có thể tấn công các căn cứ của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương.
Việc rút khỏi INF cũng củng cố khả năng răn đe hạt nhân của Nga. Kể từ khi Washington rút khỏi Hiệp ước Chống Tên lửa đạn đạo Mỹ-Nga năm 2002, Moskva ngày càng lo ngại trước tốc độ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Việc xây dựng một kho tên lửa tầm trung có gắn đầu đạn hạt nhân sẽ cho phép Nga bố trí lại tất cả những tên lửa đạn đạo của họ để nhằm mục tiêu vào Mỹ (đang bị Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược START mới hạn chế về số lượng).
Mỹ cũng quyết bỏ?
INF tuy có tạo lợi thế trước Nga, song cũng khiến Mỹ gặp những rắc rối riêng – đặc biệt là tại vùng Tây Thái Bình Dương, nơi có Trung Quốc. Trong khi INF giới hạn số tên lửa tầm ngắn và tầm trung mà Mỹ có thể bố trí, Trung Quốc lại thoải mái tăng cường một kho khổng lồ tên lửa phóng từ mặt đất.
Từ các bệ phóng được bố trí trên khắp Trung Quốc Đại lục, Bắc Kinh có thể tấn công một số căn cứ không quân của Mỹ tại khu vực – một lợi thế mà Trung Quốc tập trung khai thác suốt một thập niên qua để đối phó với vị thế độc tôn của Mỹ ở những lĩnh vực khác.
Một nghiên cứu của RAND từ năm 2015 từng dự báo đến năm 2017, Trung Quốc có thể triển khai 1.200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn được trang bị vũ khí thông thường (tầm bắn 600-800 km), 108 đến 274 tên lửa đạn đạo tầm trung (tầm bắn 1.000 đến trên 1.500 km) và 450-1250 tên lửa hành trình tấn công mặt đất (tầm bắn 1.500 km trở lên).
RAND ước tính rằng các nâng cấp về tính chính xác của các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc có thể cho phép chúng tấn công các mục tiêu cố định chỉ trong vài phút với độ sai lệch chỉ vài mét.
RAND cũng đánh giá rằng các căn cứ chính của Mỹ ở Nhật Bản có thể nằm trong tầm bắn của hàng ngàn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tiên tiến khó bị đánh chặn. Thậm chí các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam cũng nằm trong tầm bắn của các tên lửa Trung Quốc.
Đặc biệt, giới phân tích thời gian qua nói nhiều tới các loại tên lửa đạn đạo tầm trung chống hạm phóng từ mặt đất của Trung Quốc, trong đó có DF-21 với phiên bản DF-21A có tầm bắn 2.700 km và sai số chỉ từ 100-300 m, được coi là tên lửa đạn đạo tầm trung chính xác nhất của Trung Quốc.
Theo số liệu của tình báo Mỹ, khoảng 60-80 tên lửa cùng 30-40 xe phóng di động đã được triển khai hoạt động trong biên chế lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc.
Nếu như INF được bãi bỏ, Mỹ có thể nhanh chóng tăng cường kho tên lửa phóng từ mặt đất để không bị thua thiệt trước Trung Quốc.
Số phận của INF chưa được định đoạt. Mỹ và Nga có thể dùng vấn đề kiểm soát vũ khí làm đòn bẩy cho các cuộc đàm phán về những vấn đề khác, như họ đã từng làm trong quá khứ. Song ngày càng có nhiều yếu tố ở cả hai nước đe dọa hiệp ước này.l
Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và Quốc hội nước này sẽ không dễ dàng nhất trí giảm bớt các chương trình hiện đại hóa hạt nhân đang tiến hành – hai lĩnh vực mà trong đó những tiến triển của Mỹ sẽ càng khiến Nga muốn từ bỏ INF.
Trong khi đó, sự nổi lên của Trung Quốc cũng làm phức tạp thêm số phận của hiệp ước này. Stratfor nhận định rằng INF sẽ bị vi phạm thường xuyên hơn và sự sụp đổ của hiệp ước này là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra bất chấp những hậu quả.