”Nhờ những thiết bị này, Trung Quốc có thể cảnh giác với tất cả các động thái xung quanh phạm vi họ kiểm soát, mang lại ưu thế về mặt quân sự”.
Những công trình phi pháp mà Trung Quốc xây trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam).
Mới đây, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” dẫn nguồn tin từ cổng thông tin điện tử của giới khoa học Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đang ấp ủ dự định xây dựng đài quan sát ngầm dưới biển tại các ”vùng biển trọng yếu ở Biển Đông” để quan sát các điều kiện dưới nước theo thời gian thực.
Được biết, đây sẽ là công trình cấp quốc gia và phục vụ công tác lâu dài. Công trình xây dựng này sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ của Đại học Đồng Tế (Thượng Hải).
Giới khoa học Trung Quốc cho hay, đài quan sát này sẽ phục vụ công tác thăm dò các quá trình chuyển động mang tính vật lý, hoá học, sinh học và địa chất ngầm dưới biển, đồng thời cũng sẽ phục vụ nhiều mục đích khác.
Mục tiêu chính
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt chiều 28/2, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội cho rằng, đây là một bước mới của Trung Quốc, có thể đe dọa đến hoạt động tự do hàng hải và tự do hàng không trên biển.
Theo ông Trường, những động thái này của Trung Quốc không nằm ngoài mục đích gia tăng cơ sở vật chất kỹ thuật để phục vụ cho mục tiêu chính của họ là khẳng định chủ quyền bất hợp pháp của nước này đối với vùng Biển Đông, hiện thực hóa tham vọng bản đồ đường 9 đoạn (lưỡi bò) của họ.
Trước đó, Trung Quốc làm đủ mọi thủ đoạn như tôn tạo đảo nhân tạo, sân bay, bố trí các nhà chứa máy bay, hầm chứa tên lửa, rải cảm biến khắp Biển Đông…
”Trung Quốc nói với truyền thông quốc tế, dư luận chung của khu vực rằng, chúng tôi xây dựng đài quan sát ngầm dưới biển hoàn toàn phục vụ cho mục đích dân sinh, nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng, đó chỉ là ngụy trang cho mục đích cuối cùng của Bắc Kinh là khẳng định chủ quyền (bất hợp pháp) của họ trên biển Đông”, ông Trường nhận định.
Phân tích kỹ hơn, theo ông Trường, trước đó, Trung Quốc đã có kế hoạch đưa tổng cộng 20 cảm biến xuống Biển Đông, trong đó có 8 cảm biến đã đưa đến Biển Đông trong tháng 9/2016 nhân danh khoa học.
Lần này, Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng đài quan sát ngầm dưới Biển Đông, tại những vị trí trọng yếu. Do đó, chúng ta không thể không đặt vấn đề rằng, Bắc Kinh sẽ sử dụng những thiết bị này để phục vụ cho công tác tìm kiếm tài nguyên và mục đích quân sự.
”Một người đầu tư khôn ngoan khi bỏ ra 1 đồng bao giờ người ta cũng sẽ tính toán đến hiệu quả kinh tế. Ngoài mục tiêu khẳng định chủ quyền (bất hợp pháp) Trung Quốc sẽ hướng đến mục tiêu khai thác tiềm năng, thế mạnh về mặt tài nguyên của Biển Đông để phục vụ cho phát triển kinh tế.
Theo tôi được biết, trong chiến lược biển của Trung Quốc, từ năm 2020 sẽ ”Đại khai thác Biển Đông”, đặt mục tiêu đến cuối thể kỷ 21 đưa tỷ trọng nguồn thu từ biển chiếm 35% GDP. Đó là một tham vọng rất lớn.
Về mục đích quân sự, tương tự như việc rải 20 bộ cảm biến khắp biển đông, việc xây dựng đài quan sát ngầm tại những vị trí trọng yếu là ”lưỡng dụng”. Bởi lẽ đài quan sát không những có tác dụng quan sát các vật thể hoạt động trên không mà còn có thể phát hiện vật thể dưới lòng biển. Điều này sẽ phục vụ rất tốt cho hoạt động quân sự.
Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng, nhờ những thiết bị này, Trung Quốc có thể cảnh giác với tất cả các động thái xung quanh phạm vi họ kiểm soát, mang lại ưu thế về mặt quân sự”, ông Lê Việt Trường phân tích.
Việt Nam cần chủ động
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội, nếu những công trình ngầm của Trung Quốc nằm trong vùng biển quốc tế thì họ có quyền xây dựng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Tuy nhiên, phía Trung Quốc cho biết, sẽ xây dựng đài quan sát ngầm tại những vị trí trọng yếu trên Biển Đông. Những vị trí này rất có thể sẽ không nằm ngoài hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa.
Căn cứ vào Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong khi chờ đợi một sự dàn xếp toàn diện và bền vững những tranh chấp, các bên liên quan có thể hoạt động nghiên cứu khoa học biển. Nhưng thể thức, quy mô và địa điểm, cần phải được thỏa thuận bởi các bên có liên quan trước khi triển khai thực hiện. Trung Quốc không thể cậy mình là nước lớn, đơn phương đưa ra quyết định.
”Biển Đông vốn là vùng biển phức tạp khi mà có 6 nước tuyên bố chủ quyền, tình hình luôn trong trạng thái căng thẳng. Chỉ cần một động thái nào đó làm thay đổi hiện trạng của khu vực này đều trở thành tác nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ.
Phía Việt Nam cần phải chủ động theo dõi rất sát sao những hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó có kế hoạch xây dựng đài quan sát ngầm dưới biển.
Nếu họ xây dựng công trình này vào chủ quyền của nước ta thì theo UNCLOS, chúng ta phải có ý kiến phản bác, đồng thời kiến nghị tới các tổ chức quốc tế để bày tỏ sự quan ngại, thể hiện lập trường của mình về chủ quyền. Ngoài ra, cũng phải phản đối hành động làm phức tạp thêm tình hình vốn đã rất căng thẳng tại Biển Đông theo DOC”, ông Trường nhấn mạnh.