Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThấy gì từ Giấc mơ Trung Hoa?

Thấy gì từ Giấc mơ Trung Hoa?

Được lấy cảm hứng từ Con đường tơ lụa từ thế kỷ thứ 2 TCN, kế hoạch “Con đường tơ lụa” trên biển thế kỷ 21 của Tập Cận Bình sẽ nối TQ với phần còn lại của châu Á, châu Phi và cuối cùng là châu Âu.

Đây là một đại chiến lược để hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa”, đưa Trung Quốc quay trở lại với những ánh hào quang trong quá khứ vào thời điểm giữa thế kỷ 21 để chào mừng nhân dịp 100 năm thành lập nước (1949 – 2049).

Từ Con đường tơ lụa

Trung Quốc là nước đầu tiên tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơ, dệt lụa sớm nhất trên thế giới vào thế kỷ 3 TCN. Tơ lụa thời đó được dành riêng cho vua chúa và hàng quý tộc, sau này lụa tơ tằm được đưa đi các vùng. Con đường tơ lụa dần được hình thành từ thế kỷ thứ 2 TCN – là một con đường huyền thoại nối Trung Hoa với vùng Tây Á, xuyên qua các quốc gia Trung Đông, châu Phi rồi kéo dài đến tận châu Âu.

Con đường này được coi là một hệ thống những con đường thương mại lớn nhất thế giới thời cổ đại, nó được coi như cầu nối giữa 2 nền văn minh Đông và Tây. Thật ra, ban đầu con đường này được thành lập với ý định quân sự nhiều hơn mục tiêu thương mại. Nhằm tìm kiếm và xây dựng đồng minh để khống chế bộ lạc Hung Nô, năm 138 TCN, vua Hán Vũ Đế đã cử Trương Khiên đi về phía Tây với chiếu chỉ ngoại giao trong tay để tìm và thiết lập quan hệ với người Nguyệt Chi. Nhưng không may Trương Khiên đã bị chính bộ lạc Hung Nô bắt giữ.

Năm 126 TCN, Trương Khiên trở về nước. Tuy thất bại nhưng với những kiến thức và thông tin thu được, ông đã viết cuốn sách Triều Dã Kim Tài. Chính quyển sách này đã kích thích mạnh các thương gia Trung Hoa về một con đường giao thương đầy ắp hàng hóa, vàng bạc và châu báu.

Từ đó, các thương nhân bắt đầu kết nối các tuyến đường nhỏ có sẵn lại với nhau, nhiều tuyến mới cũng được khai phá và an toàn hơn do được sự bảo vệ của triều đình. Tuyến đường Trương Khiên đã khai phá được người đời sau gọi là Con đường tơ lụa. Người Trung Hoa bắt đầu mang vải lụa, gấm vóc, sa, nhiễu… đến Ba Tư (Iran ngày nay) và La Mã. Đồng thời những doanh nhân các vùng khác cũng tìm đường đến với Trung Hoa.

Thời kỳ đầu, những bậc đế vương và những nhà quý tộc của La Mã thích lụa Trung Hoa đến mức họ cho cân lụa lên và đổi chỗ lụa đó bằng vàng với cân nặng tương đương. Chuyện cũng nói rằng Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra lúc đó chỉ diện váy lụa Trung Quốc. Khi nhà Hán suy vong vào thế kỷ 3, Con đường tơ lụa cũng bị đình lại.

Đến thời nhà Đường, do thấy được giá trị của con đường giao thương Đông – Tây này, các vị hoàng đế đã ban hành hàng loạt chính sách khuyến khích thương mại và cũng từ đó, những nhà truyền giáo đã bắt đầu tìm đến với phương Đông. Vì vậy, không đơn thuần chỉ là huyết mạch thông thương buôn bán của những “thương nhân lạc đà”, Con đường tơ lụa còn là một hành trình văn hóa, tôn giáo đa dạng được hòa trộn.

Đến thời nhà Minh, Con đường tơ lụa đã bị Vương triều này khống chế và bắt mọi người phải nộp thuế rất cao, khiến những thương gia phải tìm đến những con đường vận chuyển bằng đường biển, điều này đã thúc đẩy một con đường tơ lụa trên biển hình thành và phát triển. Quảng Châu được xem là nơi khởi đầu của con đường tơ lụa trên biển.

Trước tiên là các thương gia Ả Rập và sau đó là Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan lần lượt kéo đến buôn bán. Quảng Châu tràn ngập hàng hóa của nước ngoài và bản địa, Con đường tơ lụa trên bộ dần biến mất. Trong những chuyến khảo cổ sau này, người ta đã tìm ra khoảng 50.000 cổ vật nằm rải rác trên Con đường tơ lụa. Chúng là những hiện vật vô giá về lịch sử thương mại thời xưa. Con đường tơ lụa với những chuyến hàng đầy ắp đã trở thành dĩ vãng, những dấu chân lạc đà giờ đã bị cát bụi sa mạc xóa nhòa nhưng cái tên Con đường tơ lụa sẽ còn mãi trong lịch sử như một cây cầu kết nối ngoại thương giữa 2 nền văn minh Trung Quốc và La Mã.

Đến “Nhất Đới, Nhất Lộ”

OBOR là một kế hoạch thương mại quốc tế lớn nhất trong lịch sử cho đến lúc này, với tham vọng kết nối và hợp nhất về mặt thương mại cả 3 lục địa Á – Âu – Phi với tổng dân số hơn 4 tỷ người (bằng 1/2 dân số thế giới), chiếm 30% GDP toàn cầu, dự kiến tiêu tốn khoản ngân sách lên đến 5.000 tỷ USD. OBOR sẽ tạo ra 6 hành lang kinh tế gồm: Trung Quốc – Mông cổ – Nga; cầu nối mới Âu – Á trên đất liền; Trung Quốc – Trung Á – Tây Á; Trung Quốc – Pakistan; Bangladesh – Trung Quốc – Ấn Độ – Myanmar; Trung Quốc – bán đảo Đông Dương.

Kế hoạch này gồm 5 nội dung trụ cột: Chính sách khai thông; Cơ sở hạ tầng xuyên suốt; Tự do hóa thương mại; Hội nhập tài chính và lòng dân đồng nhất. Cơ sở hạ tầng gồm có đường sắt, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển, viễn thông, đường ống dẫn dầu, năng lượng và kho vận.

Thực tế đến nay không ai thực sự biết rõ những quốc gia nào sẽ là thành viên của OBOR, dù rằng ai cũng biết con số này hơn 60 nước. Vì sao lại có nhiều quốc gia “tình nguyện” làm thành viên cho kế hoạch của Trung Quốc? Câu trả lời là để thực hiện kế hoạch này, Trung Quốc đang “rải” những dự án béo bở cho các quốc gia nằm trên hành lang OBOR. Hiện đã có 90 dự án đang được thực hiện với tổng giá trị lên đến 890 tỷ USD và trong tương lai chắc chắn con số này sẽ ngày càng được tăng lên.

Thế nhưng những dự án đầu tư với thương hiệu “made in China” đầy tai tiếng vì sao vẫn được chấp nhận ở các quốc gia này? Đó là bởi Trung Quốc đã khôn khéo đánh khi đánh trúng yếu điểm và ban phát đúng những thứ mà các quốc gia này mong muốn. Những dự án Trung Quốc thực hiện đều có tổng mức vốn khổng lồ và mang tính đột phá về công nghệ hay chiến lược, hứa hẹn thay da đổi thịt bộ mặt hạ tầng của các quốc gia sở tại, hay chí ít là tô vẽ thành quả chính trị cho các nhà cầm quyền ở đó.

Để thực hiện “Nhất Đới” kết nối hành lang Đông – Tây, Trung Quốc đã bắt tay vào việc xây dựng đường cao tốc nối liền Tân Cương với Erkeshtam của Kirghizistan, sau đó sẽ tiếp tục kéo dài ra đến Ouzbekistan, Tadjikistan, Turkmenistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó là 2 dự án nhằm mở cửa cho Trung Quốc đến gần với châu Âu, gồm cao tốc xuyên ngang Kazakhstan và Nga và cao tốc hướng tới Kazakhstan nhưng xuyên qua lòng biển Caspi. Hai công trình này tạo điều kiện để các tỉnh thuộc vùng nội địa nằm sâu bên trong của Trung Quốc tiếp xúc với bên ngoài, nhất là các vùng nghèo khó ở phía Tây.

Để thực hiện “Nhất Lộ”, Trung Quốc đã thuê một phần cảng biển Piraeus của Hy Lạp trong 35 năm. Từ Piraeus, hàng hóa của Trung Quốc có thể đến thị trường Đức, Hungary, Áo nhanh hơn 7-11 ngày. Tại Ấn Độ Dương, Trung Quốc vừa hoàn thành việc xây dựng đường ống dẫn dầu từ Myanmar đến Côn Minh dài 2.400km, rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển vừa không phải đi qua eo biển Malacca tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bắc Kinh còn tài trợ xây dựng cảng chiến lược Gwardar (Pakistan) tại cửa ngõ eo biển Hormuz, cảng nước sâu Hambantota (Sri Lanka), khi đưa chúng vào hoạt động sẽ trở thành căn cứ tiếp liệu cho hải quân Trung Quốc. Tại 2 đảo quốc Seychelles và Malpes, Trung Quốc cũng hợp tác xây dựng căn cứ cho hải quân của mình. Việc này cho thấy đây hoàn toàn không đơn thuần chỉ là kế hoạch thương mại “tơ và lụa”.

Trung Quốc còn quan tâm dự án kênh đào Kra dài 102km, trị giá 28 tỷ USD, chạy ngang đoạn hẹp nhất trên bán đảo Malaysia, phần thuộc Thái Lan, rút ngắn cuộc hành trình 1.200km nhờ không qua eo biển Malacca.

Cuối năm 2014, Tập đoàn Hồng Công Nicaragua Development (HKND) của Trung Quốc đã trúng thầu xây dựng kênh đào Nicaragua nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương dài 280km, rộng và sâu hơn kênh đào Panama, trị giá 50 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Tháng 5-2015, Trung Quốc và Brazil ký hợp đồng xây dựng đường sắt xuyên lục địa từ Brazil đến Peru, nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương dài 3.500km, được ví von là “kênh đào Panama trên cạn”, trị giá hàng chục tỷ USD.

Để đảm bảo nguồn lực tài chính cho kế hoạch OBOR, Trung Quốc đã giành chiến thắng ngoại giao ngoạn mục khi đạt được sự đồng thuận để thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) với vốn ban đầu 100 tỷ USD. Trung Quốc là nước đóng góp nhiều nhất với khoảng 30%, nắm giữ quyền phủ quyết bất chấp sự phản đối kịch liệt của Hoa Kỳ.

Ý đồ chiến lược lâu dài của Bắc Kinh đối với AIIB là sẽ sử dụng định chế tài chính này để thu xếp cho hàng hóa và dịch vụ tài chính của Trung Quốc tiến ra toàn cầu, nhằm giải quyết năng lực công nghiệp đang có dấu hiệu dư thừa sau một thời gian dài được đầu tư quá mức. Kế đến AIIB sẽ thu hút dòng chu chuyển vốn quốc tế về khu vực OBOR với vai trò trung tâm tài chính của Trung Quốc.

Cuối cùng, AIIB sẽ từng bước quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, biến đồng tiền này có khả năng chuyển đổi, được chấp nhận trong các giao dịch thanh toán quốc tế tương tự như USD và các đồng tiền mạnh khác. Điều này bộc lộ rõ ràng tham vọng của Bắc Kinh về một trung tâm tài chính toàn cầu của quốc gia này trong một tương lai gần.

Ngoài ra, để tiếp tục lôi kéo và ràng buộc Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil, Trung Quốc đã đề xuất và thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) có trụ sở chính đặt tại Thượng Hải. Mục tiêu của NDB là huy động nguồn lực cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững cho các quốc gia trong OBOR.

Chiến lược bành trướng toàn cầu

Có thể thấy OBOR là một kế hoạch khôn ngoan và tỏ ra hoàn hảo khi cùng một lúc Trung Quốc đã giải quyết được cả vấn đề đối nội và đối ngoại. Bằng việc kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây, Bắc Kinh muốn nâng cao đời sống các dân tộc thiểu số ở khu vực phía Tây. Đây là khu vực có địa hình hiểm trở, đói nghèo dẫn đến tình trạng bất ổn và cũng là động cơ cho các phong trào đòi độc lập như ở Tân Cương và Tây Tạng.

Mặt khác, kế hoạch trên sẽ giải quyết được phần nào tình trạng hàng trăm lao động di dân từ các nơi hẻo lánh tràn về các thành phố miền Đông để tìm việc làm và tạo ra nhiều vấn nạn. Đặc biệt, với OBOR, Trung Quốc kỳ vọng giải quyết được vấn đề năng lực sản xuất dư thừa đang ngày càng cấp bách, tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế mới sau khi phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhất là về thương mại và đầu tư. Về đối ngoại, OBOR sẽ là đối trọng với Hoa Kỳ nhằm chống lại chiến lược làm suy yếu vai trò của Trung Quốc trong khu vực và ngăn cản bước tiến của Trung Quốc ra thế giới.

Nếu kế hoạch OBOR thành công, Trung Quốc sẽ làm cho các quốc gia thành viên và láng giềng bị phụ thuộc ngày càng nặng nề về đầu tư, thương mại và tài chính. Trong khi đó, các quốc gia còn lại trên thế giới sẽ trông cậy vào vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu của Bắc Kinh với tư cách là quốc gia lãnh đạo trong khối OBOR. Như vậy, Trung Quốc đã hoàn thành quá trình xác lập lại một trật tự thế giới mới với vai trò trung tâm, xứng đáng là đối trọng cân bằng với Hoa Kỳ.

Có quan điểm cho rằng cách làm của Trung Quốc nhằm thúc đẩy quá trình khu vực hóa trên diện rộng để phá vỡ cấu trúc toàn cầu hóa do Hoa Kỳ xác lập. Song đây là quan niệm sai lầm. Bởi lẽ cách tiếp cận của Trung Quốc hoàn toàn khác với cấu trúc thương mại đa phương các nước ASEAN đang áp dụng. Chiến lược của Trung Quốc là cấu trúc kết nối trung tâm (Trung Quốc) với ngoại vi (các quốc gia thành viên), dựa trên các nguyên tắc do Trung Quốc đơn phương ấn định. Trước tiên là thực tế có đi có lại trong ngoại giao song phương.

Căn cứ vào các nguyên tắc đã nêu, nếu các nước khác tuân thủ, Bắc Kinh sẽ tôn trọng lại. Nhưng nếu họ làm trái chắc chắn sẽ bị trừng phạt. Điều này làm cho quan hệ giữa Bắc Kinh với chính phủ các nước càng chặt chẽ, trong khi quan hệ giữa chính phủ các nước thành viên sẽ ngày càng lỏng lẻo. Kế sách thâm sâu này sẽ làm cho quá trình hội nhập khu vực bị cản trở và các quốc gia ngày càng khó khăn trong việc xác lập các mối quan hệ không có Trung Quốc, dần dần củng cố và khẳng định vị thế trung tâm độc tôn của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới