Hai nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine gần như chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập.
Giao tranh vũ lực ở miền Đông không mang Donbass trở về.
Một lệnh ngừng bắn đã được thiếp lập tại đường giới tuyến ở Donbass ngày 5/3 theo sáng kiến của hai nhà nước Cộng hòa nhân dân Donesk và Lugansk tự xưng.
Đại diện Bộ Chỉ huy Cộng hòa Donesk tự xưng Edurard Basurin ngày 5/3 cho biết, thông qua Trung tâm hỗn hợp giám sát và điều phối lệnh ngừng bắn, Cộng hòa Donesk và Lugansk tự xưng đã đề xuất ngừng bắn dọc giới tuyến bắt đầu từ 11 giờ ngày 5/3 theo giờ địa phương và hiện đang được tuân thủ.
Vị Chỉ huy nước Cộng hòa tự xưng nhấn mạnh, lệnh ngừng bắn có tiếp tục được tuân thủ hay không còn tùy thuộc vào hành động của chính quyền Ukraine và khả năng của Kiev đảm bảo các đơn vị quân đội Ukraine cũng như các nhóm vũ trang cực đoan tuân thủ lệnh ngừng bắn.
Trong cuộc họp mới đây nhất diễn ra ngày 1/3, Nhóm tiếp xúc về Ukraine đã đạt được thỏa thuận khôi phục tiến trình rút vũ khí khỏi giới tuyến từ ngày 7/3.
Từ mùa thu năm 2014, đã có hơn 10 tuyên bố đạt thỏa thuận tuân thủ lệnh ngừng bắn nhưng phía Ukraine và phe ly khai hiện đã thành lập nước cộng hòa tự xưng thay phiên nhau cáo buộc phía bên kia vi phạm lệnh ngừng bắn bằng cách tăng cường bắn phá khu giới tuyến.
Các thỏa thuận ngừng bắn được phe ly khai ở miền Đông đưa ra được chọn ở ngay thời điểm 2 nước cộng hòa tự xưng này gần như đã trở thành 2 quốc gia độc lập khỏi Ukraine: có chính quyền, có quân đội riêng, có sở hữu kinh tế, sử dụng đồng tiền riêng…
Chưa kể, tuyến đường sắt phục vụ mục đích vận chuyển nguyên liệu, năng lượng đã bị gián đoạn bởi lực lượng cựu binh và có mặt cả nghị sĩ Quốc hội Ukraine, dường như đã tạo thành một vách ngăn địa lý khiến Ukraine tách thành 2 mảnh riêng biệt.
Vị thế của Ukraine giờ đây xuống thấp hơn những gì lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine đang thể hiện.
Sự chia cách gần như hoàn toàn với miền Đông khiến chính quyền Tổng thống Poroshenko đã mất gần như hoàn toàn các khả năng gây ảnh hưởng và ra quyết định ở phần còn lại của đất nước.
Ở vị thế hiện tại, 2 nước cộng hòa tự xưng đã hoàn toàn có thể bắt đầu quá trình xây dựng quốc gia riêng của mình và không bị ảnh hưởng bởi bất cứ lực lượng quân sự nào.
Miền Đông ổn định đời sống, không cần thiết gây hấn quân sự
Thời điểm lệnh ngừng bắn được đưa ra và thực thi nghiêm túc được đưa ra sau thông tin về những cuộc điện đàm thất bại giữa Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng 3 vừa qua.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã phải “xuống nước” khi nhiều lần phải thực hiện các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin “mặc cả” các vấn đề ở miền Đông nhưng kết quả không mang lại tiến triển.
Ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga xác nhận đã có “mấy cuộc cả thảy” bằng điện thoại nhằm trao đổi về tình hình leo thang ở miền Đông giữa ông Putin và người đồng cấp Ukraine Poroshenko.
Về phía Ukraine, giới chức Kiev cũng thông báo Tổng thống Poroshenko và người đồng cấp Putin đã thực hiện 2 cuộc điện đàm kín tuy nhiên không mang lại kết quả gì nhằm giải quyết cuộc xung đột trầm trọng tại miền Đông.
Tổng thống Ukraine thực sự đã hết con bài để mặc cả với Nga. Tình hình thiếu hụt năng lượng trầm trọng, sự hạn chế về khoản viện trợ mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đổ dồn cho quốc gia này cũng như việc duy trì quân sự ở miền Đông thời gian qua đang khiến cho vùng Thủ đô Kiev khó khăn.
Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga về các vấn đề Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) Leonhid Kalashnikov mới đây tuyên bố Nga có thể đưa ra bất kỳ quyết định nào, kể cả công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, nếu xung đột leo thang tại Donbass không chấm dứt và Ukraine chuyển sang tăng cường các hành động chiến sự.
Theo ông Kalashnikov, hoàn toàn có thể chuyển hướng các doanh nghiệp Ukraine đặt trên lãnh thổ hai cộng hòa trên sang thị trường Nga và chính quyết định công nhận một số giấy tờ do hai cộng hòa cấp mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra hôm 18/2 sẽ hỗ trợ cho quá trình này.
Rõ ràng, phản ứng mạnh mẽ này của phía Nga khiến chính quyền ông Poroshenko cân nhắc nhân nhượng. Tuy nhiên, người Nga không muốn sáp nhập hoàn toàn miền Đông Ukraine như họ đã làm với bán đảo Crimea.
Nga đơn giản chỉ muốn công nhận sự độc lập của 2 quốc gia tự xưng chứ không hề muốn can thiệp sâu rộng bằng việc thúc đẩy sáp nhập phần miền Đông Ukraine.
Bởi lẽ, ông Putin muốn giải quyết hoàn toàn cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc ở quốc gia này khi các thế lực thân phương Tây tìm cách lật đổ chính quyền và tự ru ngủ bản thân bằng con đường quay lưng lại với Moscow.
Điều này không thể giải quyết bằng việc nhận thêm một phần lãnh thổ Ukraine mà phải để chính sự thay đổi ở một phần quốc gia này làm thay đổi phần còn lại lãnh thổ.
Nga chỉ muốn các bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận Minsk-2 mà theo đó sẽ hình thành nên một Ukraine thống nhất.
Hôm 3/3, Nga kêu gọi Ukraine và Mỹ suy nghĩ kỹ trước khi áp dụng các biện pháp có thể khiến tình hình tại Donbass, miền Đông Ukraine, trở nên bất ổn hơn.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định Moscow hết sức hoan nghênh những giải pháp và phương thức nhằm làm giảm căng thẳng và khuyến khích Kiev thực hiện đầy đủ các Thỏa thuận Minsk.