Saturday, November 16, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiGói tín dụng 100.000 tỷ cho nông nghiệp: Tránh lợi ích nhóm

Gói tín dụng 100.000 tỷ cho nông nghiệp: Tránh lợi ích nhóm

Thay vì đầu tư công nghệ cao đối với cây lúa kém hiệu quả, chúng ta nên chú trọng đến các giống cây có giá trị cao như: mía, khoa tây, chuối…

Dự án 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh họa.

Không nên đi theo cây lúa

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa diễn ra hôm 1/3, Chính phủ đã nghe và thảo luận về các giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, liên quan tới gói tín dụng 100.000 tỷ đồng mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, hiện Bộ NN&PTNT đã xây dựng một số kịch bản triển khai. Trong đó, đã tính tới phương án gói tín dụng này sẽ có cơ chế tương tự như gói 30.000 tỷ đồng với bất động sản, Ngân hàng Nhà nước có thể tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại…

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, Tư vấn Chương trình KC-06 của Bộ Khoa học Công nghệ khẳng định nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu hiện nay. Nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu triển khai và thực hiện các biện pháp nhằm hiện đại hóa nền nông nghiệp.

“Xu hướng nông nghiệp công nghệ cao thì là xu thế tất yếu của thế kỷ 21 và thời gian về sau. Nếu chia làm 3 chặng thì thế giới cũng đang ở chặng đầu nhưng ở giai đoạn cuối, còn Việt Nam mới bắt đầu vào làm và đề xuất nông nghiệp công nghệ cao”, ông Quý chia sẻ.

Theo ông Quý, đối với ngành trồng lúa của Việt Nam hiện nay, chúng ta đang bắt đầu hình thành các doanh nghiệp, địa phương sản xuất theo mô hình công nghệ cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

“Công ty Nhật Bản đang làm ở Chương Mỹ (Hà Nội) quy mô khoảng 100ha và bán 37.000 đồng/kg gạo Bắc Thơm 7 (bình thường 16.000 đồng/kg). Họ chỉ làm 1 vài khâu nhưng chưa đạt được nông nghiệp công nghệ cao.

Hay như công ty Thái Hương cũng đang bắt đầu triển khai với quy mô lớn. Họ ứng dụng công nghệ cao từ khâu làm đất, xử lý các yếu tố kim loại nặng gây bệnh ra khỏi đất bằng cách trồng các cây họ đậu từ đất trồng lúa trong 2 năm.

Sau khi phân tích không còn dư lượng xấu thì đem các giống lúa đặc sản, thơm, ngon chất lượng ra trồng như: nếp rồng, tám thơm, nếp cái hoa vàng… Tuy nhiên trồng theo cách hữu cơ, tức là không bón phân hóa học, không sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại”, ông Quý chia sẻ.

Trong khi đó, GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu Việt Nam khẳng định, đối với ngành trồng lúa hiện nay đã được cơ giới hóa toàn bộ, áp dụng máy móc hiện đại từ khâu làm đất đến thu hoạch.

“Chúng ta đã cơ giới hóa từ khâu làm đất, bón phân trên diện tích lớn, phun thuốc BVTV trên quy mô lớn, thu hoạch hoàn toàn bằng máy.

Về mặt tính toán lượng nước cho vào trong ruộng lúa, bây giờ cũng có thể dùng công nghệ cao, tức là dùng smartphone để điều khiển máy đo lưu lượng để cho chảy vào.

Hoặc có thể dùng điện toán đám mây để quản lý cánh đồng một cách chính xác mà không phải ra đó. Điều khiển nước vào trong ruộng như thế nào đã có máy cảm biến đặt trong ruộng và phóng lên trên đám mây. Và từ đó máy smartphone có thể nhận được dữ liệu và biết được thời điểm cần phải điều khiển máy bơm để bơm vào trong ruộng”, ông Xuân nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo vị giáo sư, nếu hiện nay chúng ta áp dụng trên diện rộng các máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại thì sẽ phải tốn thêm tiền và đặc biệt người nông dân sẽ đứng trước nguy cơ không có việc làm.

“Đối với ngành trồng lúa thì hiện tại không nên dùng công nghệ cao nữa vì chúng ta bán gạo không được hoặc bán với giá rất rẻ, nông dân không có lãi. Cho nên theo tôi, chúng ta không cần đầu tư nhiều. Bây giờ bên Thái Lan, Campuchia dù giống tốt nhưng nông dân vẫn đang ca thán nghèo. Nhiều doanh nghiệp đầu mối Campuchia nổi lên xuất khẩu gạo nhưng thời điểm này cũng đã phá sản. Chúng ta đừng đi theo cây lúa có giá trị thấp nữa”, ông Xuân nêu quan điểm.

Đầu tư vào các ngành tạo giá trị cao

GS Võ Tòng Xuân khẳng định bản thân đồng tình với chủ trương phát triển nông nghiệp bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, chúng ta phải từ nhu cầu của thị trường để tìm công nghệ cao và ứng dụng cho phù hợp.

“Tôi lấy ví dụ ở miền Bắc khuynh hướng trồng khoai tây và quy mô mỗi ngày một tăng lên. Để trồng được thì trước hết phải có củ khoai sạch bệnh và nhân ra hàng loạt. Nếu làm theo công nghệ cũ thì không còn phù hợp.

Chúng ta bắt buộc phải dùng công nghệ cao. Từ một giống khoai tốt, sạch bệnh,  bằng công nghệ cao các nhà khoa học có thể cấy mô tế bào để có những mô sẹo và tách ra cây con ở trong phòng thí nghiệm.

Sau khi để giống cây trong nhà màng thì sẽ đưa ra ngoài, trồng bằng phương pháp thủy căn. Chúng ta cũng có thể ứng dụng nhà màng trong việc trồng rau cải, trồng dưa, trồng cà chua”, ông Xuân dẫn chứng.

Ngoài sử dụng công nghệ cao đối với trồng khoai tây, GS Võ Tòng Xuân còn đề nghị phải áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để nhân các giống hoa, giống mía, hay chuối.

“Đây là những loại cây thị trường đang cần và có giá trị kinh tế cao. Vì vậy chúng ta cần đẩy mạnh công nghệ cao. Còn mấy sản phẩm rẻ tiền, không có nhiều giá trị thì đừng áp dụng công nghệ cao. Giống như trước đây, chúng ta đầu tư làm mấy con kênh hàng chục tỷ đồng để đưa nước ngọt về vùng mặn trồng lúa. Cuối cùng nước mặn vẫn tràn vào mà nước ngọt bên trong không có để dẫn về. Thành ra mương tốn tiền vô ích”, ông Xuân nhấn mạnh.

Phải có kế hoạch rõ ràng

Với  gói tín dụng 100.000 tỷ đồng sử dụng trong nông nghiệp công nghệ cao đang được các Bộ, ngành nghiên cứu triển khai, GS.TSKH Trần Duy Quý bày tỏ nhiều kỳ vọng việc này sẽ tạo ra những bước đột phá mới đối với nền sản xuất trong nước.

“Nếu nhà nước cho vay ưu đãi, lãi suất thấp và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào gắn kết giữa 4 nhà (doanh nghiệp, người dân, nhà khoa học cùng góp vốn và nhà quản lý hiệp lực) thì sẽ thành công. Tôi rất kỳ vọng và đó là xu hướng của thời đại rồi.  Nếu có quyết tâm lớn thì chắc chắn làm được”, ông Quý khẳng định.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý, để tạo được những đổ phá, chúng ta phải đầu tư thực sự, công khai minh bạch, làm dự án nào thì nhà nước phải kiểm tra chặt chẽ.

“Nếu mỗi doanh nghiệp nhận vài chục tỷ đồng rồi mang đi đầu tư lĩnh vực khác hoặc sử dụng vốn quay vòng thì rất dễ xảy ra các hiện tượng tiêu cực, lợi ích nhóm.

Tôi cho rằng cần phải công khai, minh bạch. Doanh nghiệp làm ở đâu, chịu trách nhiệm như thế nào về công nghệ, kỹ thuật cao? Doanh nghiệp liên kết với nhóm nhà khoa học nào, đến từ quốc gia nào, làm bằng giống gì… phải công khai hết”, ông Quý nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh, các cơ quan quản lý nhà nước phải có đánh giá toàn diện sản phẩm từ thị trường tiêu thụ đến khả năng thu hồi được vốn và có lãi.

“Nếu các doanh nghiệp làm nghiêm túc, xông xáo trên thị trường thì chúng ta hoàn toàn có thể bán được”, ông Xuân chia sẻ.

RELATED ARTICLES

Tin mới