Thông điệp tỏ thái độ bất mãn được tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) tuyên bố trong bài xã luận đăng chiều 6/3, vài giờ sau thông tin CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thăm Trường cách mạng Mangyongdae
và trồng cây với các sinh viên hồi tuần trước. (Ảnh: KCNA/Reuters)
Báo chí Hàn Quốc và Nhật Bản đưa tin, sáng 6/3 Triều Tiên đã phóng 4 quả tên lửa, xạ trình khoảng hơn 1.000 km, và 3 quả đã rơi xuống Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhanh chóng nêu thái độ phản đối, gọi động thái của Bình Nhưỡng là “không thể dung thứ”.
Các học giả Trung Quốc trả lời phỏng vấn Hoàn Cầu nhất trí rằng vụ phóng tên lửa sáng nay của Triều Tiên nhằm trả đũa cuộc tập trận chung thường niên Foal Eagle (Đại bàng non) mà Mỹ-Hàn khởi động từ hôm 1/3.
Foal Eagle 2017 được đánh giá là cuộc tập trận chung quy mô lớn nhất trong lịch sử hai nước. 317.000 quân nhân Mỹ và Hàn Quốc đã tham gia cuộc tập trận năm 2016, lực lượng hai bên được kỳ vọng còn đông đảo hơn vào năm nay.
Trong nhiều năm qua, việc Triều Tiên phóng tên lửa để phản đối Mỹ-Hàn tập trận đã trở thành một thông lệ, nhưng việc phóng liên tiếp 4 quả tên lửa là một lời cảnh báo đầy sức nặng. Căng thẳng giữa Bình Nhưỡng với Washington-Seoul đã leo lên nấc thang mới.
Hoàn Cầu bình luận, diễn biến trên bán đảo cho thấy rủi ro chiến tranh Triều Tiên, vốn ở trạng thái đình chiến từ năm 1953, tái bùng phát ngày càng gia tăng, buộc Bắc Kinh phải sẵn sàng cho cả hai kịch bản.
Thứ nhất, chính phủ Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy hòa đàm thông qua đàm phán 6 bên đang gián đoạn, kêu gọi Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên cùng hạ nhiệt căng thẳng để thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa và các điều kiện tạo lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo.
Trong kịch bản thứ hai, Trung Quốc sẽ “mặc kệ xung đột bùng phát”, nhưng tập trung vào các biện pháp quyết liệt để gìn giữ an ninh quốc gia. Bắc Kinh tin rằng trong bất kỳ tình huống nào, Trung Quốc cũng không trở thành bên bị thiệt hại lớn nhất, thậm chí không nằm trong danh sách “đầu bảng” về thiệt hại.
Hoàn Cầu chỉ trích Seoul vì kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, cho rằng Hàn Quốc đánh giá phiến diện về nguy cơ địa chính trị toàn cầu hiện nay. “Trung Quốc đã tận tình tận nghĩa với Hàn Quốc,” tờ báo viết.
Trong khi đó, tờ này bình luận rằng Triều Tiên đang ảo tưởng trong việc sử dụng công hệ hạt nhân chưa thành thục của mình để hù dọa Mỹ-Hàn. Và tương phản với kỳ vọng của Bình Nhưỡng, sở hữu hạt nhân đang là chính sách biến Triều Tiên thành quốc gia không an toàn nhất thế giới. “Trung Quốc cũng đã tận tình tận nghĩa với Triều Tiên,” Hoàn Cầu viết.
Hoàn Cầu: Có Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ không thể thống nhất bán đảo bằng sức mạnh
Trong bài xã luận được đánh giá là thể hiện thái độ gay gắt nhất nhằm vào cả Bình Nhưỡng lẫn Seoul, Thời báo Hoàn Cầu đưa ra thách thức thẳng thừng:
“Bất kể là Mỹ-Hàn Quốc hay Triều Tiên, có giỏi thì các vị cứ thử ‘động thủ trước’ một lần xem sao. Để xem bên nào có đủ khả năng trở thành ‘tổng đạo diễn’ của cục diện bán đảo trong thời đại mới? Bên nào sẽ ràng buộc được Trung Quốc? Bên nào có thể ‘đi vòng’ qua ý chí của Bắc Kinh để sắp đặt tương lai cho bán đảo?”
Triều Tiên được cảnh báo rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không tách mình khỏi các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và sẽ “không cùng gánh vác hậu quả của chương trình hạt nhân”, dù Bắc Kinh vẫn duy trì “quan hệ hữu nghị” với Bình Nhưỡng.
Hoàn Cầu nhận định việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân đã cho Hàn Quốc lý do phù hợp để triển khai THAAD trên lãnh thổ nước này, đồng thời chọc giận dư luận Trung Quốc.
Tờ này đồng thời đe dọa Mỹ-Hàn “đừng mơ tưởng thống nhất bán đảo bằng biện pháp chiến tranh với Triều Tiên, bởi quân tình nguyện Trung Quốc đã đổ máu ở đây trong quá khứ”.
“Nếu Trung Quốc không muốn [bán đảo thống nhất bằng vũ lực], Hàn Quốc sẽ không làm được,” Hoàn Cầu tuyên bố.