Saturday, November 16, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiĐiều gì sẽ "nhấn chìm" mối quan hệ Trump-Putin?

Điều gì sẽ “nhấn chìm” mối quan hệ Trump-Putin?

An ninh nước Mỹ chắn chắn sẽ có lợi nếu Mỹ và Nga có thể có một mối quan hệ thân thiện hơn, nhưng quan hệ Nga – Mỹ luôn bấp bênh vì nhiều lý do.

(Ảnh minh họa: Infowars)

Trong buổi phỏng vấn trước trận chung kết giải bóng bầu dục Mỹ Super Bowl với Bill O’Reilly của Fox News hồi đầu tháng 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản bác bình luận nhằm vào người đồng cấp Nga, khi ông Vladimir Putin bị gọi là “sát nhân”.

“Thế giới này nhiều sát nhân lắm. Chúng ta cũng có rất nhiều kẻ giết người,” Trump đáp, và chất vấn lại, “Ông nghĩ chúng ta vô tội sao?”.

Iran, Afghanistan và tham vọng hạt nhân của Trump-Putin

An ninh nước Mỹ chắn chắn sẽ có lợi nếu Mỹ và Nga có thể có một mối quan hệ thân thiện hơn, đặc biệt khi cả hai nước có thể giảm thiểu nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân và khủng bố hạt nhân. Nhưng dù chính quyền của ông Trump và của ông Putin có lạc quan về tương lai đến đâu, mối quan hệ Nga-Mỹ có thể trở nên căng thẳng bất cứ lúc nào. Iran là một trong những lý do.

Trump đang đưa ra hàng loạt những động thái đối nghịch về thỏa thuận hạt nhân với Tehran. Khi còn tranh cử, ông hứa hẹn sẽ bãi bỏ thỏa thuận này, khi ở cương vị tổng thống, ông Trump lại nói rằng có thể sẽ tăng cường nó.

Trong khi đó, Nga góp phần quan trọng trong việc đưa thỏa thuận với Iran thành hiện thực, nhất là trong việc cân bằng nhu cầu tăng cường trữ lượng uranium của Iran và việc phương Tây muốn hạn chế số lượng này.

Nga cũng đang tiếp tục thể hiện vai trò thiết yếu của mình trong việc thực hiện thỏa thuận ấy. Đến cuối năm 2015, Nga đã tiếp nhận hơn 11 tấn uranium từ Iran và gần đây hơn, với sự đồng ý của chính quyền cựu tổng thống Mỹ Obama, Moscow đã chuyển 116 tấn uranium thô đến Iran để đổi lấy 44 tấn chất làm mát lò phản ứng từ Tehran.

Ông Putin hoàn toàn có thể coi việc ông Trump từ chối thỏa thuận với Tehran là thách thức, hoặc tiền đề cho Mỹ tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Nga có thể đáp trả bằng cách chuyển giao cho Iran các loại vũ khí tối tân để ngăn chặn đe dọa từ Nhà Trắng. Một cuộc khủng hoảng giữa Nga và Mỹ sẽ diễn ra.

Bên cạnh đó, Putin và Trump cũng có để đưa hai nước đến một cuộc chạy đua hạt nhân. Tổng thống Mỹ từng tuyên bố trên Twitter rằng “nước Mỹ phải tăng cường sức mạnh hạt nhân của mình” và nói với hãng MSNBC rằng “hãy để cuộc chạy đua vũ trang xảy ra”. Đây là phản ứng của Trump sau khi Putin nói Nga phải đẩy mạnh nghiên cứu hạt nhân trong nước.

Quan sát viên Josh Cohen của Reuters đánh giá, viễn cảnh một cuộc chạy đua hạt nhân giữa Nga và Mỹ không phải quá xa vời. Mỹ đang tạo ra một lá chắn hạt nhân ở châu Âu để đến năm 2018, toàn bộ khu vực này sẽ được bảo vệ. Tuy lá chắn được xây dựng dưới danh nghĩa bảo vệ các đồng minh NATO khỏi tên lửa từ Iran, Nga tin rằng nó có mục đích đối phó với khí tài hạt nhân của nước này.

Moscow có thể đáp trả bằng cách tăng cường sức mạnh hệ thống tên lửa bảo vệ, và điều này lại dẫn tới việc Mỹ mở rộng hệ thống vũ khí hạt nhân.

Chính sách của Nga tại Afghanistan là một lý do nữa khiến mối quan hệ Nga-Mỹ có thể xấu đi, theo ông Cohen.

Mặc dù Nga đã bày tỏ quan ngại của mình đối với mối đe dọa từ những phần tử Hồi giáo cực đoan, chính quyền Moscow vẫn đang sở hữu các đầu mối tình báo cùng với Taliban – lực lượng đã đối đầu Mỹ suốt 15 năm qua.

Dù Nga khẳng định trao đổi thông tin với Taliban chỉ với mục tiêu chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), tổng chỉ huy quân đội Mỹ tại Afghanistan, tướng John Nicholson đã công khai tuyên bố rằng Nga chỉ hợp pháp hóa tin tức từ Taliban với mục đích ngăn chặn NATO.

Mối liên hệ giữa Taliban và al Qaeda và cam kết diệt trừ những kẻ Hồi giáo cực đoan của chính quyền tổng thống Trump có thể dễ dàng dẫn tới việc ông Trump yêu cầu Nga thay đổi chính sách đối với Afghanistan. Ông Putin có chấp nhận yêu cầu đó hay không lại là chuyện khác.

Đường tìm tiếng nói chung đầy trắc trở

Vẫn còn những chủ đề mà chính quyền của ông Putin và ông Trump có thể có tiếng nói chung. Một là Ukraine, hai là Syria.

Nếu mối quan hệ Trump-Putin vẫn được giữ vững sau cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ về “sự can thiệp của Nga đối với bầu cử tổng thống Mỹ 2016”, Trump có thể ngừng viện trợ cho phe nổi dậy Syria để hợp tác với Nga và chính quyền Bashar al-Assad nhằm chống lại IS.

Điều này rất có lợi đối với chính quyền ông Putin nhưng Moscow sẽ đem lại lợi ích gì cho Washington, trong khi chính quyền Mỹ vẫn cáo buộc Nga tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào quân nổi dậy ở Syria.

Theo Cohen, Putin có thể hứa hẹn cùng Mỹ chống IS, nhưng Trump sẽ phản ứng như thế nào khi thỏa thuận gặp trắc trở? Ngoài ra, khi Trump bắt tay với Nga và chính quyền Assad tại Syria, ông cũng “gián tiếp” liên minh với Iran – quốc gia mà chính quyền Trump áp đặt cấm vận mới từ đầu tháng 2, và bị đưa vào danh sách 6 nước Hồi giáo bị áp lệnh hạn chế nhập cảnh mới ký hôm 6/3.

Điều tương tự cũng có thể xảy ra ở Ukraine. Moscow yêu cầu Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận và thừa nhận bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ Nga. Một lần nữa tổng thống Putin sẽ dùng gì để trao đổi?

Chính quyền Obama từng chỉ trích Nga có thể tác động lên phe ly khai ở miền đông Ukraine để ổn định xung đột với Kiev. Ông Cohen cho rằng Moscow có thể thỏa thuận với chính quyền Trump về điều này. Nhưng ông Putin không hề có động thái nào ủng hộ Ukraine liên minh với các nước phương Tây, mọi thỏa thuận với Mỹ đều có khả năng đổ vỡ.

Hơn nữa, nước Nga không chỉ yêu cầu Mỹ chấm dứt trừng phạt, Điện Kremlin còn đòi bồi thường cho các tổn hại do cấm vận gây ra với nền kinh tế Nga.

Quan hệ cá nhân Trum-Putin còn nhiều trở ngại

Từng nói tôn trọng tổng thống Nga và coi Putin như một nhà lãnh đạo giỏi, nhưng Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News rằng “điều đó không có nghĩa là tôi thân ông Putin”.

Dù Trump và Putin có thân thiện với nhau hay không, những ràng buộc chính trị trong nội bộ nước Mỹ có thể ngăn cản nỗ lực bình thường hóa mối quan hệ Nga-Mỹ của ông .

Thượng nghị sĩ Dân chủ Charles Schumer, lãnh đạo thiểu số ở Thượng viện Mỹ dự định giới thiệu dự luật mới yêu cầu ông Trump phải có sự đồng ý của Quốc hội trước khi chấm dứt các chính sách trừng phạt Nga.

Ngoài ra, Quốc hội Mỹ còn đang xem xét một điều khoản trong luật tình báo để thành lập tổ chức chống lại mọi can thiệp chính trị từ Nga. Điều này sẽ càng gia tăng căng thẳng cho quan hệ Nga-Mỹ.

Ngay cả việc chấm dứt đạo luật Magnitsky năm 2012 về việc trừng phạt một số người Nga bị Mỹ cáo buộc vi phạm nhân quyền cũng phải có sự đồng ý từ Điện Capitol, một điều khó có thể xảy ra trong bối cảnh chính trị hiện nay.

Ông Trump cũng gặp phải những thách thức đối với chính sách quan hệ với Nga ngay cả trong bộ máy hành chính của mình và cả từ các cơ quan an ninh Mỹ. Trong buổi họp đầu tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Mỹ Nikki Haley đã chỉ trích “hành động hiếu chiến” của Nga tại Ukraine và khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các chính sách trừng phạt của mình.

Ngoại trưởng Rex Tillerson trong phiên điều trần xác nhận tư cách trước Thượng viện hôm 9/1 cũng miêu tả Nga như “mối đe dọa” đối với nước Mỹ, bất chấp ông có nhiều mối quan hệ với Nga khi còn là CEO của ExxonMobil.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Mike Pompeo chỉ trích Nga đang “đe dọa châu Âu” và “không làm gì” để chống lại IS, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho biết ông coi như nước Nga “là hiểm họa đầu tiên” đối với Washington.

Dù ông Trump trên lý thuyết có thể chặn đứng mọi bất đồng bằng cách yêu cầu quân đội phải hợp tác với Nga ở Syria, Lầu Năm Góc cũng đã từng phớt lờ yêu cầu tương tự như vậy từ cựu Ngoại trưởng John Kerry dưới thời Obama.

Josh Cohen nhận định, trong nhiệm kỳ của mình Tổng thống Trump có thể thay đổi diện mạo mối quan hệ Nga-Mỹ, nhưng thay đổi về bề ngoài không đồng nghĩa với thay đổi về chính sách.

RELATED ARTICLES

Tin mới