Monday, December 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTriều Tiên "quá nhanh, quá nguy hiểm"

Triều Tiên “quá nhanh, quá nguy hiểm”

Vụ phóng tên lửa đạn đạo hôm 6/3 đã chứng minh năng lực vượt trội của Triều Tiên khi chỉ trong một thời gian ngắn, Bình Nhưỡng vừa triển khai vừa đảm bảo tính bí mật cho vụ phóng để không bị các hệ thống tình báo nước ngoài phát hiện và ngăn chặn.

Vụ phóng 4 tên lửa đạn đạo hôm 6/3 chứng minh năng lực tên lửa của Triều Tiên ngày càng vượt trội.

Bình Nhưỡng đã cho phóng 4 quả tên lửa đạn đạo về khu vực bờ biển phía tây nước này vào lúc 7 giờ sáng (giờ địa phương) hôm 6/3. Trong đó, 3 quả tên lửa của Triều Tiên rơi xuống khu vực nằm cách đất liền Nhật Bản từ 300 – 350 km. Ngay sau đó, Thủ tướng Nhật Bản đã gọi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là “mối đe dọa mới”.

Hôm 7/3, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA nhấn mạnh vụ phóng hôm 6/3 thực chất là nhắm vào “các lực lượng thù địch Mỹ” ở Nhật Bản. Nói cách khác, mục tiêu của vụ phóng trên là nhằm vào 50.000 binh sĩ Mỹ hiện đang đóng quân ở Nhật Bản. KCNA còn gọi đây là hành động dằn mặt Washington trong bối cảnh quân đội Mỹ – Hàn tiến hành tập trận chung.

Về phần mình, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Abe hôm 7/3, Tổng thống Donald Trump khẳng định “Mỹ ủng hộ Nhật Bản 100%”. Cùng ngày, các binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc cũng bắt đầu triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) bất chấp Trung Quốc và Nga phản đối mạnh mẽ. 

Washington cho rằng THAAD là thiết bị bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa từ Triều Tiên. Nhưng Trung Quốc và Nga luôn coi sự xuất hiện của THAAD sẽ làm thay đổi thế cân bằng chiến lược trong khu vực.

Trước đó, hồi đầu năm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un còn ra tuyên bố Bình Nhưỡng đang trong giai đoạn cuối cùng chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ. Song giới chuyên gia cho rằng ngay cả loại tên lửa có tầm bắn xa nhất mà Triều Tiên từng bắn thử là Scud cũng chỉ có thể bay xa khoảng 1.000 km.

Tuy nhiên, những vụ phóng liên tiếp trong thời gian gần đây mà không hề bị giới tình báo nước ngoài phát hiện trước thời điểm xảy ra vụ phóng đã cho thấy, năng lực tên lửa của Triều Tiên vượt qua những gì mà giới chuyên gia từng đánh giá.

Chia sẻ với tạp chí The Diplomat, nhà phân tích Nathan Hunt tại Công ty Tư vấn chính sách và chiến lược Sentinel ở Washington cho rằng, Triều Tiên đang phát triển “năng lực hoạt động của tên lửa tương đương giai đoạn thời chiến”.

“Đây là bước tiến lớn trong quá trình phát triển tên lửa. Điều này được thể hiện ở khả năng di chuyển tên lửa, nạp nhiên liệu và cho phóng chỉ trong một thời gian ngắn”, ông Hunt chia sẻ.

Cũng theo ông Hunt, 3 trong 4 quả tên lửa mà Triều Tiên phóng hôm 6/3 được cho đã phóng đúng hướng dự kiến và rơi gần nhau trên biển Nhật Bản.

“Vụ phóng 4 quả tên lửa của Triều Tiên quả là ấn tượng bởi Bình Nhưỡng đã làm chủ được vụ phóng để 3 quả tên lửa rơi xuống biển Nhật Bản nằm gần nhau”, ông Hunt nói thêm.

Ông Hunt cho rằng hiện tại, Bình Nhưỡng có thể đang tập trung vào phát triển các loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn. Bởi loại tên lửa này có khả năng triển khai nhanh hơn và không tốn thời gian tiếp nhiên liệu. 

Hồi tháng Tư năm ngoái, Triều Tiên được cho đã cho thử nghiệm hoạt động của loại động cơ sử dụng nhiên liệu rắn gắn trên tên lửa. Và tên lửa đạn đạo tầm trung mà Bình Nhưỡng cho phóng thử hồi tháng trước, cũng được cho là sử dụng nhiên liệu rắn.

“Triều Tiên đang chuyển sang phát triển tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn bởi quốc gia này có thể nhanh chóng triển khai các vụ phóng bất ngờ mà đối phương dường như không nhận được bất kỳ dấu hiệu cảnh báo trước”, ông Hunt nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới