Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMalaysia được và mất gì sau khi 'ăn miếng trả miếng' với...

Malaysia được và mất gì sau khi ‘ăn miếng trả miếng’ với Triều Tiên?

Dù “ăn miếng trả miếng” với Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng vì nghi án Kim Jong Nam, Malaysia có thể cũng không muốn đẩy tình hình hiện tại đi xa hơn.

Phó Thủ tướng Datuk Seri Dr Ahmad Zahid thông báo du khách từ Triều Tiên sang Malaysia sẽ được yêu cầu nộp đơn xin thị thực bắt đầu từ 6/3. Cuối tuần trước, Malaysia tuyên bố trục xuất đại sứ Triều Tiên. Chưa đầy 48 tiếng sau, Triều Tiên làm điều tương tự với đại sứ Malaysia.

Triều Tiên sau đó đã cấm công dân của Malaysia xuất cảnh. Ngày 7/3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã yêu cầu Bình Nhưỡng bỏ ngay lệnh cấm này và gọi đây là “hành động đáng ghê tởm”.

Trước khi tình hình trở nên căng thẳng như hiện tại, Triều Tiên và Malaysia từng duy trì mối quan hệ thân cận từ những năm 1970, khi cựu Thủ tướng Tun Dr Mahathir Mohamad mở rộng vòng tay với đất nước bị cô lập này, một phần để phản đối Mỹ.

Dầu cọ và cao su của Malaysia được xuất khẩu sang Triều Tiên. Các xe sản xuất bởi nhà sản xuất ôtô Proton của Malaysia được bán cho Triều Tiên để dùng làm xe taxi.

Các chuyên gia nhận định những động thái của phía Malaysia có thể chỉ là một biện pháp phòng ngừa và bản thân nước này cũng không muốn đẩy căng thẳng với Triều Tiên đi xa hơn.

Phòng ngừa rủi ro ngoại giao

Trả lời trên Malaysian Digest, Tiến sĩ Mohamad Faisol Keling, giảng viên khoa Luật, Chính phủ và Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Phương Bắc (UUM), nói rằng việc ngừng miễn thị thực thực chất chỉ là một biện pháp phòng ngừa. Đây cũng là lập trường của Malaysia từ những năm 1990.

“Mối quan hệ giữa Malaysia và Triều Tiên là rất tốt … Malaysia không có vấn đề với Triều Tiên”, ông nói. Đồng thời, ông phủ nhận tuyên bố Malaysia có thể sắp cắt đứt quan hệ với Triều Tiên.

“Người Malaysia vẫn có thể đến Triều Tiên. Không có vấn đề gì cả. Chỉ là ở thời điểm hiện tại điều này không được khuyến khích. Điều này nhằm đảm bảo không có sự cố rắc rối nào phát sinh có thể gây ra căng thẳng ngoại giao”, ông nói.

Thông báo của Phó Thủ tướng Zahid về vấn đề thị thực có thể ảnh hưởng tới các du khách Triều Tiên đang có kế hoạch tới Malaysia.

Theo ông Zahid, vấn đề này đã được quyết định trong khi Triều Tiên được khuyến cáo tôn trọng chủ quyền của Malaysia liên quan đến việc điều tra vụ giết hại người nghi là Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

“Đây là vụ án được dư luận đặc biệt chú ý và Malaysia một lần nữa lại trở thành tâm điểm của thế giới. Nhưng khi chúng ta thấy các nhà ngoại giao nước ngoài, đặc biệt là Triều Tiên, không tôn trọng Malaysia và gây thiệt hại cho đất nước này, tôi muốn cho họ thấy rằng ở đây họ không thể muốn làm gì thì làm”, ông Zahid nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Mohamad Faisol, mặc dù Triều Tiên bị Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt, Malaysia không có bất kỳ vấn đề nào với nước này về mặt chính sách. “Thực tế, công dân Trung Quốc có thể nhập cảnh vào Malaysia mà không cần xin visa trong khi các nước như Israel lại bị cấm”, ông nói.

Kinh nghiệm của Malaysia

Tiến sĩ Mohamad Faisol cho biết Malaysia từng đối mặt vấn đề tương tự trong cuộc xung đột ở miền nam Thái Lan và các vụ đánh bom ở Ai Cập.

Là một trong những thành viên của Phong trào Không liên kết (NAM) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Malaysia không can thiệp vào chính trị nội bộ của các quốc gia nước ngoài.

Cũng giống như các biện pháp phòng ngừa được chính phủ thực hiện trong các vụ đánh bom ở miền nam Thái Lan, cảnh báo sẽ được ban hành để đảm bảo an toàn cho những người Malaysia có kế hoạch tới khu vực bị ảnh hưởng.

Malaysia duoc va mat gi sau khi 'an mieng tra mieng' voi Trieu Tien? hinh anh 2
Cảnh sát Malaysia đứng gác bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên. Ảnh: MyPanhandle.

“Đại sứ quán Malaysia tại Thái Lan sẽ thông báo cho chính quyền Thái Lan về những người Malaysia vượt qua biên giới và cho phép họ theo dõi những người này nhằm giữ mối quan hệ ổn định giữa 2 nước và thắt chặt an ninh tại biên giới một cách nhanh chóng. 

Điều này cũng được áp dụng ở Ai Cập. Khi có xung đột, Đại sứ quán Malaysia sẽ liên lạc với các sinh viên và công dân ở đó. Bằng cách này, chúng tôi có thể phát hiện và theo dõi những người Malaysia tham gia các nhóm chiến binh như IS và các mạng lưới khủng bố tương tự”, ông cho biết.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại thương và Công nghiệp Datuk Seri Mustapa Mohamed nói với các phóng viên rằng Malaysia sẽ không áp đặt bất kỳ hạn chế thương mại nào với Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ căng thẳng sau nghi án Kim Jong Nam.

“Thương mại giữa Malaysia và Triều Tiên là nhỏ. (Nhưng thương mại với) Hàn Quốc là lớn. Không có lệnh cấm vận thương mại hoặc bất cứ điều gì,” Channel NewsAsia dẫn phát biểu của bộ trưởng.

“Chúng tôi không nói là đừng giao thương với Triều Tiên. Các công ty tư nhân sẽ tự đưa ra quyết định có nên tìm kiếm lợi nhuận từ những giao dịch rủi ro hay không vì có thể sẽ có một số rủi ro”, ông nói.

Trước đó, Reuters chỉ ra rằng Malaysia từ lâu đã trở thành một “vùng thân thiện”, nơi các nhà ngoại giao Mỹ và các quan chức Bình Nhưỡng có thể gặp mặt chính thức và hội đàm kín ở Kuala Lumpur về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

“Ở giai đoạn này, thật khó để nói liệu sẽ có hậu quả về ngoại giao từ vụ việc này hay không”, Wan Wan Saiful Jan, chủ tịch Viện Dân chủ và Kinh tế tại Kuala Lumpur, nói với Wall Street Journal.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có vẻ như chính phủ Malaysia sẽ không để điều này phát triển thành tranh cãi ngoại giao”, ông nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới