Nga đã trở thành “vết thương chưa lành” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi họ không dám thừa nhận điều mà mọi người đã biết. Tệ hơn, họ còn không biết rằng mình đang không biết điều gì. Một loạt các cáo buộc quan chức và cố vấn của ông Trump “đi đêm” với Nga vừa qua phải chăng chỉ là những quân cờ đầu tiên trong bộ bài domino đang được sắp đặt?
Sau vụ lùm xùm dẫn tới sự ra đi của Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn, đã có thêm ít nhất hai quan chức trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump (gồm J.D. Gordon – người từng là giám đốc an ninh quốc gia trong chiến dịch của ông Trump, và ông Carter Page – một thành viên khác trong ủy ban cố vấn an ninh quốc gia trong chiến dịch này) thừa nhận đã nói chuyện với Đại sứ Nga Sergei Kislyak tại một hội nghị bên lề của Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa hồi tháng 7/2016.
Nhưng khi tất cả những chuyện này còn chưa “nguội”, truyền thông đưa Mỹ lại tin Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions từng bí mật liên lạc với Đại sứ Nga Kislyak khi còn là cố vấn trong đội ngũ tranh cử của ông Trump hồi năm 2016. Tiết lộ này làm dấy lên một loạt lời kêu gọi ông Sessions từ chức. Các nghị sĩ phe Dân chủ thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện còn yêu cầu Cục Điều tra Liên bang (FBI) tiến hành một cuộc điều tra hình sự đối với ông Sessions, liên quan đến những tuyên bố không thành thật của ông trước Quốc hội Mỹ về những cuộc tiếp xúc với giới chức Nga.
Các quân bài domino đang nối nhau nghiêng đổ. E rằng 4 nhân vật Cộng hòa bị “dính chàm” chưa phải là con số cuối cùng. Rất có thể chúng sẽ chẳng đáng kể gì, nhưng cũng hoàn toàn có thể sẽ dẫn tới một kết cục quan trọng.
Những tranh cãi liên quan đến tân Bộ trưởng Tư pháp là bằng chứng mới nhất cho thấy tại sao vấn đề này sẽ chưa thể sớm kết thúc. Ông Sessions đã không nói sự thật trước các Nghị sĩ trong cuộc điều trần tại Thượng viện trước khi ông nhậm chức. Đến khi The Washington Post tiết lộ vụ việc, ông tuyên bố rút khỏi cuộc điều tra về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Khi ông Sessions ở trong “tầm ngắm” và ngày càng nhiều báo cáo mới cho thấy các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức của ông Trump với người Nga, Tổng thống đã gọi các cuộc điều tra về vấn đề Nga là một cuộc “săn phù thủy”. Vừa rồi, trên tài khoản Twitter của mình, ông cáo buộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama âm mưu nghe lén Tháp Trump. Câu chuyện này lại làm dấy lên tranh cãi.
Trong thực tế chính trường thế giới, đại sứ các nước thường xuyên chủ động gặp các quan chức đắc cử Mỹ. Họ luôn tìm cách hiểu nhiều nhất về nhân vật có thể trở thành tổng thống và về những người xung quanh nhân vật này. Cuộc gặp của ông Sessions với Đại sứ Kislyak tháng 9/2016 có thể đơn giản là một cuộc gặp kiểu đó.
Tương tự, các cuộc gặp gần đây hơn giữa ông Kislyak với Tướng về hưu Michael Flynn và cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Jared Kushner cũng có thể được xem là một kiểu như vậy, hoặc là một nỗ lực trong quá trình chuyển tiếp nhằm phát triển các mối quan hệ cần thiết. Nhưng ông Flynn đã không thừa nhận chỉ cho đến khi báo chí phanh phui, và ông buộc phải từ chức. Việc ông Sessions không muốn tự thừa nhận các cuộc tiếp xúc của mình với Đại sứ Nga trong cuộc điều trần tại Thượng viện càng gây thêm nghi ngại và dẫn tới những lời kêu gọi điều tra, trong bối cảnh “thổi bùng ngọn lửa giận dữ bằng cách om sòm phủ nhận” đang làm cho chính trường nước Mỹ thêm nặng nề.
Trong một cuộc thăm dò dư luận mới nhất, 65% người được hỏi nói rằng cần một cuộc truy tố đặc biệt, 32% cho rằng Quốc hội có thể làm việc này. Sự khác biệt giữa các đảng còn lớn hơn: trong khi chỉ 42% người Cộng hòa được hỏi muốn một người ngoài cuộc tiến hành điều tra quan hệ của ông Trump với Nga, có tới 82% người Dân chủ và 67% người độc lập muốn một cuộc truy tố đặc biệt, không phải trước nghị trường lưỡng viện.
Người có tiếng nói quyết định cuối cùng để xử lý những tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ hiện nay không ai khác chính là ông Trump. Ông từng viết trên trang mạng của mình, “Ai từng bí mật đánh tiếng với Tổng thống Nga là ‘Hãy nói với ông Putin rằng sau khi đắc cử tôi sẽ mềm dẻo hơn’ vậy nhỉ?”.
Câu hỏi này đưa dư luận trở về tâm điểm thời sự hồi tháng 3/2012, khi ông Obama đã lỡ mồm nói với vị Tổng thống sắp mãn nhiệm của Nga khi đó, Dmitry Medvedev, rằng ông Putin nên tạo cho ông “không gian… trong những vấn đề khác, nhất là phòng thủ tên lửa” vì “sau khi đắc cử tôi sẽ mềm dẻo hơn”.
Có lẽ chưa bao giờ kể cả trong thời Chiến tranh Lạnh, chính trường Mỹ lại quay ra mắng mỏ lẫn nhau dữ dội như lúc này. Trên các diễn đàn chính thống và trên các trang mạng xã hội đầy ắp những lời tố cáo lẫn nhau liên quan đến người Nga và Tổng thống Putin.
Dù người Mỹ rất muốn mọi chuyện qua nhanh, nhưng không thể. Thực tế là các cuộc điều tra mới đang ở giai đoạn khởi đầu. Quốc hội vẫn chưa bắt đầu gọi các nhân chứng. Và để có thể đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại thì không có cách nào hay hơn một chiến lược mới nhằm xử lý những mâu thuận nội tại ngay trong lòng nước Mỹ. Bởi như tiền nhân đã đúc kết từ ngàn đời, khi mà nội bộ nước Mỹ lục đục thì “ngư ông đắc lợi” sẽ là nước Nga và Trung Quốc, những quốc gia vốn là đối thủ và đang nung nấu tham vọng trỗi dậy vượt lên.