Sau khi từ bỏ đồng Hryvna của Ukraine và sử dụng đồng rúp Nga, giới lãnh đạo Donbass vừa chính thức tuyên bố thiết lập biên giới quốc gia với Ukraine.
2 nhà nước tự xưng Donbass đang ngày càng rời xa Ukraine.
Donetsk xây dựng biên giới quốc gia với Ukraine
Theo Sắc lệnh của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) là ông Alexandr Zakharchenko, tuyến giáp ranh giữa nước cộng hòa tự tuyên bố độc lập và lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của Kiev, từ nay sẽ nhận quy chế biên giới quốc gia.
Tương ứng với văn kiện được ông Zakharchenko ban hành, các trạm kiểm soát biên giới sẽ được thiết lập và việc di chuyển của các công dân nước này và nước ngoài qua tuyến biên giới chỉ được phép thông qua các trạm này và nhất thiết phải đăng ký.
Trước đó, vào ngày 03 tháng 3, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng đã công bố “kết thúc thẩm quyền pháp lý của Ukraine” trên lãnh thổ nước Cộng hòa, đồng thời quốc hữu hóa toàn bộ các doanh nghiệp Ukraine đang hoạt động ở vùng lãnh thổ do họ kiểm soát.
“Chúng tôi cắt đứt mọi quan hệ với Ukraine, đối tượng mà chúng tôi đang đánh nhau” – ông Zakharchenko đề cập đến vấn đề vào hồi cuối tháng 1, những người từng tham gia hoạt động chiến sự ở Donbass, trong đó có một số đại biểu Verkhovna Rada Ukraine, đã tiến hành chặn đường sắt vận tải vào vùng lãnh thổ Donbass, hiện Kiev không nắm kiểm soát.
Họ tuyên bố rằng mọi hoạt động thương mại với các nước cộng hòa ly khai đều là bất hợp pháp. Do đó, việc vận chuyển hàng hóa qua lại giữa hai bên đã bị cắt đứt, thậm chí là việc mua bán tham của Kiev để phục vụ cho việc phát điện cũng đã bị đình chỉ.
Ngay sau đó, Quân đội Ukraine đã huy động hàng chục ngàn quân, dàn trận trên toàn giới tuyến với hai nước Cộng hòa tự xưng này, đồng thời tấn công vào khu vực các quận nằm giáp đường ranh giới với Donetsk, khiến nhiều thường dân chết và bị thương, nhà cửa bị phá hủy nghiêm trọng.
Để đáp trả, lực lượng quân sự của DPR đã mở cuộc phản công tổng lực, đẩy lùi quân Ukraine về bên kia giới tuyến, đồng thời tuyên bố nếu chính quyền Kiev không ngừng tay, nhân dân Donbass sẽ không còn nhân nhượng và sẽ thẳng tay đáp trả cuộc tiến công xâm lược.
Đồng thời, Donbass cũng tuyên bố phong tỏa ngược thương mại đối với Kiev. Ông Alexander Zakharchenko cho biết, nhân dân Donbass đã quen sống trong sự bao vây từ phía các quan chức an ninh Ukraine, giờ đây đến lượt DPR tuyên bố phong tỏa chính quyền Kiev.
Theo giới quan sát, sau DPR thì Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) cũng sẽ ban hành những sắc lệnh tương tự. Với quy chế biên giới mới nhất này, coi như hai nước cộng hòa tự xưng này đã chính thức độc lập trên cả danh nghĩa lẫn thực tế đối với chính quyền Kiev.
Viễn cảnh Nga công nhận độc lập của DPR và LPR
Hiện nay, thực tế là chính quyền 2 nước cộng hòa tự xưng này đã không còn phụ thuộc gì vào Ukraine. Ngay từ tháng 2 năm 2015 – sau khi ký thỏa thuận Minsk 2 – chính quyền Kiev đã cắt nguồn cung khí đốt cho miền Đông, sau đó Donbass đã phải nhờ Nga cung cấp.
Sau đó, chính quyền của ông Poroshenko còn tiếp tục cắt cả nguồn ngân sách trước đây vẫn cung cấp cho Donbass để chi trả lương hưu, phúc lợi xã hội cho người già, người nghèo, người tàn tật khiến nhân dân vùng này lâm vào cảnh khó khăn.
Đáp trả lại, các nước cộng hòa tự xưng này cũng tuyên bố sẽ tự chi trả các nguồn ngân sách này bằng đồng rúp Nga, và đến hồi đầu tháng 3 vừa qua, chính quyền DPR và LPR đã chính thức từ bỏ đồng Hryvna của Ukraine và đưa đồng rúp thành đồng tiền lưu hành chính thức trong khu vực họ kiểm soát.
Giới phân tích nhận định rằng, những hành động của Ukraine nhằm cô lập và cắt tất cả mọi liên hệ với miền Đông sẽ càng đẩy DPR vả LPR ra xa tầm tay của chính quyền Kiev. Cùng với việc Thỏa thuận Minsk không được thực hiện, chính quyền Poroshenko sẽ không còn cơ hội lấy lại Donbass.
Sự việc này càng trở nên đáng ngại hơn khi mới đây, giới chức lãnh đạo Nga đã bóng gió úp mở về khả năng công nhận sự độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk.
Hôm 03/3, các nhà báo đã đặt cho thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin là ông Dmitry Peskov một câu hỏi khó về khả năng Nga công nhận sự độc lập của hai nước Cộng hòa tự xưng ở Donbas, miền Đông của Ukraine dựa trên những điều kiện nào.
Người phát ngôn của Điện Kremlin không trả lời trực tiếp vào vấn đề này mà chỉ nhấn mạnh rằng, theo qui định trong Hiến pháp đất nước, chính sách đối ngoại của Liên bang Nga do người đứng đầu nhà nước xác định và chỉ Tổng thống Nga Putin mới có thể trả lời câu hỏi này.
Sở dĩ các nhà báo đưa ra câu hỏi này là do vào hôm 18 tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký nghị định về việc thừa nhận hộ chiếu của cư dân từ một số vùng Donbass được sử dụng hợp pháp trên lãnh thổ Liên bang Nga. Ngoài ra, Nghi định còn công nhận một số giấy tờ tùy thân khác của cư dân Donbass.
Mặc dù Nga giải thích là quyết định này vận dụng những nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế, nhằm bảo vệ các quyền và tự do của con người và công dân miền Đông Ukraine nhưng giới chức lãnh đạo Kiev và các nước phương Tây đã tuyên bố rằng, đây là hành động phá vỡ thỏa thuận hòa bình ở Minsk, gây chia cắt đất nước, hợp pháp hóa hành vi xâm lược của Nga trên lãnh thổ Ukraine.