Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngTQ cưỡng chiếm Gạc Ma và quân sự hóa ở Trường Sa...

TQ cưỡng chiếm Gạc Ma và quân sự hóa ở Trường Sa là vi phạm chủ quyền của Việt Nam

Quần đảo Trường Sa của Việt Nam có vị trí quan trọng chiến lược, nằm án ngữ trên tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp bậc nhất nhì thế giới trên Biển Đông, nơi được coi là “yết hầu” nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các chiến lược gia quốc tế nhận định nếu quốc gia nào kiểm soát được quần đảo Trường Sa sẽ  khống chế cả Biển Đông. Do đó, giới cầm quyền Bắc Kinh nhen nhóm âm mưu và tìm mọi cách để chiếm đoạt quần đảo này.

Tháng 1/1988, nhân lúc Liên Xô và Đông Âu rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, trong khi Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn và đang phải chia sẻ nguồn lực để giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, Trung Quốc huy động lực lượng hải quân gồm nhiều tàu khu trục và tàu tên lửaa xuất phát từ Hải Nam tiến xuống phía Nam trong đó có 4 chiếc tiến xuống phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa khiêu khích các lực lượng của Việt Nam. Đến tháng 3/1988, số lượng tàu hoạt động ở đây thường xuyên lên đến 9-12 chiếc.

Trước tình hình đó, ngày 4/3/1988, xác định Trung Quốc có thể chiếm thêm các bãi cạn ở Trường Sa, trong đó Gạc Ma giữ vị trí trọng yếu, hải quân Việt Nam đã điều tàu HQ604, HQ505 và HQ605 đến trấn giữ ở Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, quyết tử để bảo vệ chủ quyền hải đảo của Việt Nam. Trong các ngày từ 12-14/3/1988, trận chiến diễn ra ác liệt.

Tại Gạc Ma, Trung Quốc điều tàu hộ vệ trang bị pháo 100 ly bắn phá làm thủng và đánh chìm tàu của hải quân Việt Nam. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông cùng nhiều binh lính hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ604.

Tại Cô Lin, tàu HQ505 cắm cờ lên đảo liền bị hai tàu hộ vệ của Trung Quốc tấn công. Tàu HQ505 bất chấp hiểm nguy trườn lên và bốc cháy. Binh lính trên tàu HQ505 vừa dập lửa cứu tàu, vừa đưa xuồng cứu vớt đồng đội của mình trên tàu HQ604 bị Trung Quốc đánh chìm, và thành công trong việc bảo vệ chủ quyền ở Cô Lin.

Tại Len Đao, tàu HQ605 do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy từ Đá Đông đến cắm cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ đảo. Tàu hộ vệ của Trung Quốc liền vây bủa và bắn chìm tàu HQ605, binh lính của tàu phải dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn.

Trong trận chiến ngày 14/3/1988, mặc dù tương quan lực lượng chênh lệnh rất nhiều, các binh lính hải quân Việt Nam đã dũng cảm, quyết tử để bảo vệ chủ quyền biển đảo.Ba người đã anh dũng hy sinh, 11 người bị thương, 70 người bị mất tích (Trung Quốc sau đó trao trả 9 người, 61 người mất tích), 3 tàu HQ604, HQ505 và HQ605 bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy và chìm. Mặc dù không giữ được Gạc Ma, Chữ Thập, Xu Bi, Ga Ven, Tư Nghĩa, Châu Viên, nhưng hải quân Việt Nam đã chặn đứng đà tiến công của Trung Quốc mở rộng sang các đảo đá khác. Hải quân Việt Nam đã giữ vững và quản lý hiệu quả 21 đảo và 33 điểm đóng quân cho đến ngày nay.

Bài học trận chiến Gạc Ma cho thấy Việt Nam cần đề cao cảnh giác. Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không đổi nhưng biện pháp và cách thức thực hiện thì ngày một tinh vi hơn. Hiện nay, Trung Quốc không cưỡng chiếm bằng vũ lực nhưng đẩy mạnh cải tạo và xây dựng trái phép các cơ sở quân sự trên Gạc Ma và các thực thể chiếm đóng từ trận chiến năm 1988, mang đến những hệ lụy nghiêm trọng cho hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Tại Gạc Ma, Trung Quốc đã cải tạo hơn 109.000 m2 ở Gạc Ma, xây dựng cầu cảng, ra-đa, cơ sở quân sự, hệ thống phòng không. Tại các thực thể khác ở Trường Sa, đặc biệt là Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, Trung Quốc đã xây dựng các đường băng đủ dài để máy bay chiến đấu lớn nhất của Trung Quốc cất hạ cánh, cầu cảng đủ lớn để tàu khu trục cỡ lớn của Trung Quốc ra vào neo đậu, nhà chứa máy bay có thể chứa các máy bay ném bom cỡ lớn của Trung Quốc. Diện tích xây dựng ở Vành Khăn tương đương với quận Columbia của Mỹ, còn cảng nước sâu ở Subi tương đương với Chân Châu cảng ở Hawaii. Tháng 12/2016, Sáng kiến minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ công bố hình ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây cấu trúc sử dụng cho các hệ thống tên lửa đất đối không như HQ-9 – loại tên lửa có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ Patriot của Mỹ. Việc làm này của Trung Quốc đi ngược lại với cam kết của Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Obama năm 2015 rằng các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Trường Sa không ảnh hưởng đến nước nào, rằng Trung Quốc không quân sự hóa Trường Sa.

Không những thế, các hoạt động quân sự của Trung Quốc không bó hẹp ở các đảo nhân tạo. Hải quân của Trung Quốc đã mở rộng hoạt động xuống phía nam Biển Đông, thậm chí tổ chức tập trận và tuyên thệ bảo vệ chủ quyền ở bãi cạn James của Malaysia năm 2014. Song song với đó, hải quân Trung Quốc tăng cường đầu tư hiện đại hóa các thiết bị. Khu trục hạm Type-052D mới của Trung Quốc có sức mạnh tương đương với khu trục hạm DDG-51 lớp Arleigh Burke của Mỹ. Tàu khu trục Type-054A của Trung Quốc mạnh hơn bất cứ tàu tuần duyên nào của Mỹ. Trung Quốc cũng đóng mới các tàu ngầm mới đa mục tiêu và tàu sân bay mới để phục vụ hoạt động ở biển xa. Trong khi đó, không quân Trung Quốc đang chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 và J-31 trang bị tên lửa hành trình chống hạm tầm xa và tấn công đất liền. TS. Dean Cheng từ Quỹ Heritage, Mỹ cho rằng tất cả các hạng mục hiện đại hóa quân sự này của Trung Quốc không chỉ phục vụ mục đích ở Biển Đông mà còn tạo bước chuyển trong chiến lược quân sự của Trung Quốc từ phòng vệ bờ biển những năm 1960 đến phòng vệ biển gần những năm 1990 và tới phòng vệ biển xa như ngày nay. Với sự xuất hiện và tần suất hoạt động thường xuyên của tàu chiến và các thiết bị quân sự của Trung Quốc ở khu vực Trường Sa và phía Nam Biển Đông, nguy cơ đụng độ quân sự luôn thường trực, đe dọa đến an ninh của các nước khác ở ven Biển Đông nói riêng và hòa bình và an ninh khu vực nói chung.

Tóm lại, trận chiến Gạc Ma cho thế giới thấy rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc diễn ra ở khu vực Trường Sa. Các binh lính hải quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, góp công chặn đứng thế tiến công quân sự của Trung Quốc mở rộng chiếm đóng ở Trường Sa. Chưa dừng lại, Trung Quốc còn đẩy mạnh cải tạo và xây dựng các thực thể chiếm đóng từ trận chiến Gạc Ma thành các tiền đồn quân sự vững chắc nhằm phát huy sức mạnh ở khu vực Nam Biển Đông. Tuy nhiên, tất cả các hành vi cưỡng chiếm năm 1988 và cải tạo, xây dựng của Trung Quốc là phi pháp vì không phải trên phần lãnh thổ của Trung Quốc mà trên đất của Việt Nam. Trung Quốc không hề có danh nghĩa chủ quyền đối với Gạc Ma và các thực thể nước này chiếm đóng ở Trường Sa. Việt Nam mới là nước có đủ chứng cứ lịch sử về chủ quyền với Gạc Ma nói riêng và toàn bộ quần đảo Trường Sa nói chung.

RELATED ARTICLES

Tin mới