Sau cú tẩy chay thực phẩm của Nhật, Trung Quốc đang tẩy chay Hàn Quốc, trả đũa trên rất nhiều lĩnh vực đối với nền kinh tế xứ sở Kim Chi, từ du lịch, mỹ phẩm, các ban nhạc cho đến từng doanh nghiệp cụ thể như Lotte. Thế giới một lần nữa lo lắng về cách phản ứng của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc kinh tế.
Cửa hàng Lotte tại Hàng Châu, Trung Quốc bị đóng cửa. (Ảnh VOA)
Đóng cửa Lotte, cấm cửa du lich
Đánh trực tiếp vào ngành du lịch – như một đòn trừng phạt kinh tế xứ sở Kim Chi, Chính phủ Trung Quốc vừa yêu cầu các đại lý lữ hành ngừng bán các tour du lịch theo gói cho người dân từ Bắc Kinh sang Hàn Quốc. Du khách Trung Quốc chỉ được tự đặt tour du lịch Hàn với tư cách từng cá nhân, chứ không thông qua đại lý lữ hành hay tour theo đoàn.
Đây là một động thái mà theo Forbes, chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng đè nát nền kinh tế Hàn Quốc sau khi nước này đồng ý để Mỹ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất nước mình, một động thái mà Trung Quốc trước đó phản ứng kịch liệt.
Ngoài ra, Trung Quốc đã trục xuất những người truyền giáo Hàn Quốc, từ chối các ngôi sao K-pop đến từ Hàn Quốc và hoãn triển lãm kỷ niệm 25 quan hệ giữa 2 nước.
Sự việc trở nên căng thẳng hơn sau khi các nhà chức trách Trung Quốc đóng cửa các cửa hàng bán lẻ thuộc chuỗi Lotte Mart của Tập đoàn Lotte. Số lượng của hàng Lotte bị đóng cửa đến nay, theo VOA, đã lên tới 55 (trong tổng số 115 cửa hàng trên lãnh thổ Trung Quốc), ảnh hưởng tới 7.000 trong tổng số 20.000 người Trung Quốc mà Lotte đang thuê.
Trung Quốc lý giải, việc đóng cửa các cửa hàng của Lotte là “liên quan đến vấn đề cháy nổ”. Tuy nhiên, dưới con mắt của các tờ báo phương Tây, áp lực mà Bắc Kinh đè nén lên tập đoàn bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc trong bối cảnh bế tắc ngoại giao khiến mối quan hệ kinh doanh giữa hai nước càng nguội lạnh.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc thực hiện chiến dịch tẩy chay. Trước đó, hồi 2011, nền kinh tế hàng đầu thế giới này cũng đã cấm du lịch theo đoàn tới Nhật Bản gần một năm sau khi tranh chấp vấn đề chủ quyền biển đảo mà Tokyo gọi là Senkaku, Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, lên cao.
Trong cuộc xung đột lần này với Hàn Quốc, Trung Quốc có lẽ không thể đưa ra các lệnh trừng phạt chính thức vì phải tuân theo các quy định thương mại tự do. Song, thay vào đó, hàng loạt các lệnh cấm được đưa ra dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật và mệnh lệnh hành chính.
Cuối 2016, cũng vì những trục trặc nói trên giữa hai bên, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu một loạt các loại mỹ phẩm Hàn Quốc với cáo buộc cho rằng các sản phẩm này không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn.
Chiêu bài tẩy chay: Khó có thể kéo dài
Trước đó, sau phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện liên quan đến yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông, một số thương hiệu hàng hóa của phương Tây, trong đó có thương hiệu gà rán đình đám của Mỹ KFC, đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch tẩy chay tại Trung Quốc.
Theo New York Times, Trung Quốc cho rằng Mỹ đã xúi giục Philippines nộp đơn kiện Trung Quốc và người Trung Quốc không chọn KFC vì cho rằng nó tượng trưng cho những lợi ích của Mỹ.
Với sức mạnh tỷ dân, Trung Quốc đã từng tẩy chay hàng Nhật sau vụ sách giáo khoa lịch sử Nhật, rồi tẩy chay tập đoàn bán lẻ Carrefour của Pháp năm 2008.
Tuy nhiên, VOA nhận định, cho tới thời điểm này, báo chí Trung Quốc đã thúc đẩy trên diện rộng các lệnh trừng phạt đối với Hàn Quốc. Chính phủ Trung Quốc cảnh báo đám đông có thể đáp trả nhưng một mặt cũng nhấn mạnh luật các DN nước ngoài được chào đón ở Trung Quốc và sẽ được bảo vệ.
Cũng theo VOA, rất nhiều người hoài nghi các lời kêu gọi tẩy chay Hàn Quốc có thể kéo dài được lâu, với lập luận cho rằng, trước đó người Trung Quốc cũng rầm rộ tẩy chay hàng hóa Nhật Bản nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo một báo cáo, số lượng đặt phòng khách sạn tại Hàn Quốc giảm 30%, một con số không quá lớn. Câu hỏi được đặt ra: tại sao vẫn còn nhiều người du lịch tới Hàn Quốc? Và một trong số các câu trả lời là bởi Hàn Quốc là một địa điểm du lịch an toàn, con người ở đây có văn hóa, lịch sự và hàng hóa ở đây hấp dẫn.
Một lý do khác cũng khiến việc tẩy chay đối với hàng hóa và doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc khó có thể kéo dài là việc tẩy chay gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Môi trường kinh doanh của Trung Quốc có thể kém đi và dòng vốn ngoại có thể tiếp tục ồ ạt tháo chạy sau cơn sốc đồng Nhân dân tệ mất giá kéo dài từ tháng 8/2015.