Sau khi Mỹ và Hàn Quốc khởi động cuộc tập trận quân sự thường niên, đặc biệt lần này có sự góp mặt của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson, Triều Tiên đã lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Các chiến đấu cơ F-18 trên tàu sân bay USS Carl Vinson. Nguồn: Morung Express.
Theo KCNA, “những kẻ điên cuồng vì chiến tranh” đang hành động một cách “liều lĩnh” khi tiến hành những cuộc tập trận quân sự trên máy cũng như thực địa. Theo đó, Bình Nhưỡng lớn tiếng cảnh báo, nếu như các cuộc tập trận ở phía Nam này xâm phạm chủ quyền của Triều Tiên thì CHDCNHD Triều Tiên sẽ đáp trả bằng “một cuộc tấn công cực kỳ chính xác và không khoan nhượng”, nhằm thẳng vào các thiết bị quân sự và chiến lược của Hoa Kỳ.
Cuộc tập trận mang tên “Đại bàng non” gần đây có sự kết hợp với tàu sân bay lớp Nimitz, USS Carl Vinson, được mệnh danh là siêu hàng không mẫu hạm, thuộc Đội tàu sân bay tấn công số 1 của Hoa Kỳ. Với chiều dài 333 m và nặng hơn 100.000 tấn, “quái vật” biển chạy bằng năng lượng hạt nhân này có thể mang theo 6.000 thủy thủ đoàn và 90 chiến đấu cơ. Hộ tống USS Carl Vinson còn có tàu khu trục USS Wayne E Meyer, được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, dự kiến sẽ thả neo tại cảng Busan, Hàn Quốc trong hôm nay (15/4).
Các binh lính Mỹ đã bắt đầu tập trận tại bãi tập ở thành phố biên giới Paju từ ngày 7/3. Trước đó, quân đội Hoa Kỳ cũng bắt đầu triển khai các bộ phận đầu tiên trong hệ thống phòng vệ tên lửa THAAD tới Hàn Quốc để bảo vệ đồng minh trước các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Cuộc tập trận lần này còn có sự tham gia của Nhật Bản. Theo Hải quân Mỹ, hai ngày tập trận cùng Tokyo hoàn toàn là về các biện pháp phòng vệ và gọi đây là “cuộc diễn tập không chính thức trước cảnh báo tên lửa của bộ ba chiến lược”. Các nhà lập pháp của Nhật Bản trước đó đã cho phép áp dụng biện pháp tấn công trước nếu có nguy cơ tấn công hạt nhân từ Bình Nhưỡng.
Ông Kim In Ryong, đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc, đã lên tiếng cảnh báo: “Các cuộc tập trận chiến tranh ngay trước mặt Bình Nhưỡng này đã buộc các lãnh đạo Triều Tiên phải thúc đẩy phát triển năng lực tấn công hạt nhân”.
Cũng trong ngày hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng về cuộc diễn tập của bộ ba Mỹ – Hàn – Nhật. Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh cho rằng: “Triều Tiên đã bi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về việc cấm phóng tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, Hàn Quốc, Mỹ và giờ là cả Nhật Bản lại khăng khăng tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn. Hành động này không khác gì một vòng tròn luẩn quẩn, khiến tình hình ngày càng xấu đi và vượt khỏi tầm kiểm soát”.
Trong một diễn biến khác, Trung Quốc ngày 14/3 cho biết đang chờ Nhật Bản giải thích lý do đưa tàu chiến lớn nhất đến Biển Đông trong hành trình kéo dài 3 tháng, đồng thời cũng bày tỏ hy vọng Tokyo hành xử có trách nhiệm.
Trước đó, Reuters cho hay khu trục hạm chở trực thăng Izumo của Nhật, vốn được biên chế chỉ mới cách đây hai năm, sẽ cập cảng ở Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia cuộc tập trận chung Malabar với hải quân Ấn Độ và Mỹ tại Ấn Độ Dương vào tháng 7.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng bà không biết liệu chiếc tàu chiến Nhật có ghé thăm các nước Đông Nam Á hay không, hay có một mục đích nào đó khác.
“Chúng tôi chưa nghe Nhật Bản phát biểu chính thức gì. Nếu đó chỉ là một chuyến thăm bình thường, đi đến nhiều nước và di chuyển bình thường ngang qua Biển Đông, chúng tôi sẽ không phản đối. Chúng tôi hy vọng kiểu giao lưu bình thường này giữa các nước liên quan có thể đóng vai trò thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực”, bà Hoa nói tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh.
“Nhưng nếu đi ngang Biển Đông với những ý định khác, đó lại là vấn đề khác”, bà Hoa nhấn mạnh. Theo bà Hoa, gần đây Nhật “đang gây rắc rối” về vấn đề Biển Đông và Trung Quốc hy vọng Tokyo “có thể đóng vai trò mang tính xây dựng đối với hòa bình và ổn định khu vực”.
Nhật không có bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào đối với Biển Đông, nhưng Nhật và Trung Quốc có tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Tokyo quản lý ở biển Hoa Đông.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông và sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của nước này đã gây lo ngại ở Nhật và phương Tây. Washington nhiều lần tổ chức các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông với sự tham gia của các tàu chiến hiện đại.