Bản tin Biển Đông ngày 15/03/2017.
Bất chấp dư luận, Trung Quốc tiếp tục triển khai xây dựng trái phép một công trình mới ở Biển Đông
Ngày 14/3, hãng Reuters cho biết, dựa trên một số hình ảnh vệ tinh mới được cung cấp bởi công ty vệ tinh tư nhân Planet Labs, Trung Quốc đang bắt đầu xây dựng một công trình hoàn toàn mới trên Biển Đông nhằm tăng cường kiểm soát đối với toàn bộ khu vực,. Những hình ảnh này mới được công bố sau khi một số báo cáo được đưa ra hồi tháng 1 chứng minh Trung Quốc đang tiến hành xây dựng ở gần Đảo Cây và một số cấu trúc khác ở Hoàng Sa của Việt Nam. Reuters nhận định, đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ráo riết củng cố sức mạnh quân sự của họ trên tuyến thương mại hàng hải quan trọng của khu vực.
Liên quan đến động thái ngang ngược này của Bắc Kinh, các chuyên gia và quan chức quân sự trong khu vực tin chắc rằng Trung Quốc đang thể hiện rõ quyết tâm xây dựng mạng lưới các đảo đá ở Biển Đông, trong khi đó vẫn cố gắng nhẫn nhịn, tránh làm phát sinh một cuộc xung đột mới với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thậm chí, các nhà ngoại giao đã đánh giá rằng Bắc Kinh đang nỗ lực kiểm soát “sân sau” trên biển của họ dù có phải điều chỉnh thời gian hành động nhằm tránh việc khiêu khích quá mức. Ông Carl Thayer, chuyên gia Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia lý giải, Trung Quốc vẫn duy trì quyết tâm của mình để quân sự hoá khu vực là vì “Quần đảo Hoàng Sa có vị trí quan trọng đối với mọi nỗ lực của Trung Quốc trong việc thống trị Biển Đông”. Ngoài ra, ông Zhang Baohui, chuyên gia an ninh tại Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông cho hay chính quyền Trung Quốc cũng đang “yên tâm” rằng chính quyền Tổng thống Trump không dám phản ứng quá mạnh vì đang theo đuổi những mục tiêu ưu tiên khác. Ông Zhang cũng đồng tình rằng Trung Quốc kiên trì theo đuổi các mục tiêu dài hạn để củng cố các sự hiện diện tại Hoàng Sa là vì “Hoàng Sa có ý nghĩa quan trọng đối với người Trung Quốc trong việc bảo vệ đảo Hải Nam, khu vực phòng thủ hạt nhân trọng yếu của nước này”.
Động thái của Trung Quốc tại Hoàng Sa trong thời gian qua đang đặt một dấu hỏi lớn về mức độ đáng tin cậy trong lời phát biểu trước dư luận quốc tế chỉ vài ngày trước của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng “căng thẳng ở Biển Đông đã được hạ nhiệt đáng kể”. Hành động này một lần nữa nhắc nhở cộng đồng quốc tế về sự bất nhất giữa lời nói và hành động của Trung Quốc. Chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết không quân sự hóa Biển Đông song thực tế diễn ra lại hoàn toàn khác. Điều này càng khẳng định tham vọng độc chiếm Biển Đông của nước này sẽ không bao giờ có thể thay đổi.
Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản “có trách nhiệm” khi đưa tàu chiến lớn nhất đi qua Biển Đông
Hãng Reuters đưa tin, ngày 14/3, liên quan đến sự kiện tàu mẫu hạm trực thăng Izumo của Nhật Bản sẽ đi qua Biển Đông để tham gia cuộc diễn tập Malabar với lực lượng hải quân Mỹ và Ấn Độ vào tháng 7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết phía Trung Quốc đang “chờ một lý giải chính thức cho việc Nhật Bản đưa tàu chiến lớn nhất của mình đi qua Biển Đông”, mặt khác ngang ngược đòi hỏi Tokyo phải “có trách nhiệm”. Cụ thể, bà Hoa đặt ra nghi ngờ rằng “không biết liệu tàu chiến sẽ tới các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á với mục đích ghé thăm hay liệu còn có mục đích khác”. Kỳ lạ là, bà khẳng định “Nếu đây chỉ là hành trình thông thường đến một vài quốc gia và đi qua Biển Đông một cách bình thường, Trung Quốc sẽ cho qua”, mặt khác lại đưa ra giả thuyết “nếu tàu Nhật Bản đến Biển Đông vì ý định khác thì đó lại là một vấn đề khác” nhằm cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ có một phản ứng nhất định trước động thái của Nhật Bản. Đồng thời, bà Hoa cũng lớn tiếng chỉ trích Nhật Bản từ trước đến nay luôn “gây rối ở Biển Đông” và yêu cầu “Nhật Bản đóng góp cho hoà bình và ổn định”. Liên quan đến phát biểu này của bà Hoa, Reuters đã chỉ ra rằng, những hành động hiếu chiến và hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông từ trước đến nay mới thực sự là mối lo ngại của không chỉ các nước láng giềng trong khu vực mà còn cả các nước bên ngoài như Nhật Bản và các nước phương Tây. Hơn nữa, điều này cũng cho thấy tính hai mặt của Trung Quốc khí “áp dụng” các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Vài ngày trước, Trung Quốc còn lớn tiếng ngụy biện về việc tiến hành khảo sát ở khu vực Benham Rise của Philippines là hoạt động “hết sức bình thường, phù hợp với UNCLOS” thì mới đây lại yêu cầu Nhật Bản phải “giải thích” cho Trung Quốc về việc cho tàu đi qua khu vực Biển Đông,
Ngoại trưởng Úc ủng hộ “quyền đi qua các vùng biển quốc tế của tất cả các quốc gia”
Ngày 15/3, trang The Sydney Morning Herald đưa tin, trong một bài phát biểu tại Singapore vào ngày 13/3, khi được hỏi về quan điểm của bà đối với các thông tin về kế hoạch đi qua biển của Nhật Bản, Ngoại trưởng Úc Julia Bishop khẳng định “Chính phủ Australia ủng hộ quyền của tất các các quốc gia và các tàu thuyền của họ trong việc đi qua các vùng biển quốc tế theo luật pháp quốc tế” đồng thời bà Bishop cho biết nhiều quốc gia Châu Á đang chờ xem liệu Mỹ có giữ cam kết với khu vực hay không đồng thời kêu gọi chính quyền Trump “đóng vai trò tích cực hơn nhằm khẳng định sức mạnh chiến lược không thể thiếu của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” . Nhiều học giả có tiếng cũng đã hoan nghênh động thái mới này của phía Nhật Bản, qua đó kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump hành động nhiều hơn ở Châu Á để làm dịu đi những lo ngại của các quốc gia trong khu vực, trong đó có Úc. Ông Ben Schreer, Trưởng khoa Nghiên cứu An ninh và Tội phạm học của trường đại học Macquarie cho rằng quyết định cử tàu Izumo tới Biển Đông của Nhật Bản đã chứng tỏ kỳ vọng của Tokyo và gửi thông điệp đến Washington rằng Nhật Bản sẽ tiến hành nhiều hoạt động quân sự hơn nữa tại Châu Á, đổi lại Úc mong “nhận được sự bảo đảm của Mỹ”. Ông Euan Graham của Viện Lowy thì khẳng định bước đi của Nhật Bản là “một bước đi dũng cảm”, nhưng dũng cảm như thế nào lại phụ thuộc vào việc liệu tàu hải quân của Nhật Bản và Mỹ đến gần hay vào hẳn trong các vùng biển tranh chấp.
Báo cáo Quốc phòng nhấn mạnh mối đe doạ quân sự từ Trung Quốc và nguy cơ tiềm ẩnh một cuộc khủng hoảng xung đột ở Biển Đông
Ngày 15/3, tạp chí The Strait Times đưa tin, Bộ Quốc phòng Đài Loan mới đây đã tiết lộ về Dự thảo Báo cáo Quốc phòng định kỳ 4 năm 1 lần của năm 2017 chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc triển khai máy bay và tàu quân sự xung quanh Đài Loan nhằm đẩy mạnh tăng cường quân sự và hoạt động gần đây đang trở thành mối đe doạ ngày càng nghiêm trọng đối với Đài Loan. Báo cáo năm 2017 đặc biệt thể hiện lo ngại của Đài Loan về hướng đi chiến lược sắp tới của Mỹ ở khu vực. Bên cạnh khả năng tiềm ẩn mối đe doạ đối với Đài Loan, Báo cáo cho rằng việc Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh tiềm lực quân sự sẽ “tác động tiêu cực đến sự ổn định của khu vực”. Ngoài ra, Theo nội dung dự thảo Báo cáo, những diễn biến ở Biển Đông gần đây, bao gồm việc Trung Quốc nhất quyết bác bỏ Phán quyết Trọng tài quốc tế vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016, bồi đắp trái phép và quân sự hoá các đảo ở Biển Đông, tranh chấp chủ quyền giữa các nước trong khu vực và các cuộc cạnh tranh chiến lược có thể làm sâu sắc thêm xung đột ở khu vực, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng xung đột tiềm ẩn.
Báo cáo Quốc phòng định kỳ 4 năm 1 lần của năm nay là bản báo cáo đầu tiên từ khi Tổng thống Thái Anh Văn nhậm chức. Dự kiến, Báo cáo sẽ được ông Phùng Thế Khoan, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan trình lên Quốc hội vào ngày 16/3.Theo The Strait Times, Báo cáo được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc đang ráo riết đẩy nhanh các cuộc tập trận quân sự trên không và trên biển tại các khu vực xung quanh lãnh thổ Đài Loan, một phần của chiến dịch hiện đại hoá các lực lượng vũ trang của nước này.