Bản tin Biển Đông ngày 16/03/2017.
Đằng sau cuộc tập trận chung của cảnh sát biển Trung Quốc – Philippines
Ngày 15/3, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Đằng sau cuộc tập trận chung của cảnh sát biển Trung Quốc – Philippines” của Prashanth Parameswaran, khẳng định những cam kết mới giữa hai nước đang dần manh nha dù vẫn còn nhiều thách thức đang tồn tại. Liên quan đến phát biểu của Người Phát ngôn Lực lượng Cảnh sát biển Philippines (PCG) Armando Balilo về việc cảnh sát biển của hai quốc gia sẽ tiến tới thúc đẩy mối quan hệ, tác giả thận trọng cho rằng đây mới chỉ là dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ này mới đang bắt đầu tan băng dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte dù những căng thẳng trên Biển Đông vẫn đang tiếp diễn, cụ thể là những căng thẳng ở Biển Đông gần đây liên quan đến sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở Benham Rise. Bình luận của ông Balilo chỉ đơn thuần là sự xác nhận lại rằng hai bên sẽ tiếp tục theo đuổi các hoạt động trao đổi song phương đã có, bước đầu triển khai nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào mối quan hệ mới giữa hai lực lượng như thế nào. Một trong những thoả thuận quan trọng được ký nhân chuyến thăm của ông Duterte đến Trung Quốc hồi tháng 10 năm 2016 là Bản ghi nhớ về hợp tác cảnh sát biển. Dù câu chữ trong Biên bản không rõ ràng nhưng hai bên thực sự đã tuân thủ Biên bản này và đã có được những bước đi cụ thể, thiết thực, bắt đầu bằng cuộc họp đầu tiên giữa hai bên nhằm thảo luận về việc xây dựng uỷ ban liên hợp của cảnh sát biển về hợp tác trên biển (JCGC) tổ chức ở Manila vào tháng 12/2016. Trung Quốc và Philippines cũng đã triển khai các thoả thuận về hoạt động tìm kiếm cứu nạn và đang chuẩn bị thông qua một thoả thuận chung về việc giải quyết vấn đề buôn bán ma tuý và cướp biển ở khu vực Biển cả.
Đài Loan đang theo dõi sát sao các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 15/3, trang Focus Taiwan cho biết, Người Phát ngôn Văn phòng Tổng thống Đài Loan Alex Huang khẳng định Đài Loan đang theo dõi sát sao mọi động thái của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi có các báo cáo nói rằng Trung Quốc đang triển khai xây dựng công trình mới ở khu vực, đồng thời kêu gọi các bên liên quan gác lại các bất đồng và cùng phát triển Biển Đông nhằm thúc đẩy hoà bình và ổn định vùng biển này.
Chuyên gia Quân sự Trung Quốc ngang ngược đòi “đặt ranh giới đỏ” đối với các hoạt động của Nhật Bản ở Biển Đông
Ngày 15/3, Mạng Quân sự Trung Quốc đưa tin, một chuyên gia quân sự của nước này đã kêu gọi Chính phủ cần “đặt ra một giới hạn đỏ” đối với các hoạt động của Nhật Bản ở Biển Đông. Thêm vào đó, chuyên gia giấu tên này khẳng định rằng từ góc độ quân sự, việc Nhật Bản đưa tàu mẫu hạm trực thăng Izumo không chỉ tạo ra nguy cơ quân sự “vừa phải” ở Biển Đông mà không cần sự hỗ trợ từ không quân và hải quân mà còn nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực, đồng thời chỉ trích hành động này của Nhật Bản là “không thể chấp nhận nổi”. Ông này cũng cáo buộc chuyến hải trình của tàu Izumo qua Biển Đông có thể trở thành phương thức tổ chức hải trình chính của Nhật Bản, “lấy cớ quyền qua lại để nấn ná” ở khu vực. Thậm chí, ông này còn đưa ra một loạt những lý lẽ thiếu cơ sở rằng Nhật bản sẽ tiến hành tập trận để “theo dõi các tàu hải quân của Trung Quốc và tăng cường hiện diện ở Biển Đông, ép buộc Trung Quốc phải chấp nhận điều đó là thực tế”. Thế nhưng, dù đưa ra những cảnh báo và chỉ trích gay gắt như vậy song chuyên gia này lại nói rằng Trung Quốc không cần phải “quá quan tâm về chuyến hải trình thông thường của các tàu Nhật Bản, ngược lại Trung Quốc chỉ cần tăng cường theo dõi và kiểm soát, nếu làm điều gì “bất thường”, Trung Quốc cần đáp trả lại”. Ngoài ra, ông này còn đề xuất Chính phủ theo dõi sát sao hoạt động diễn tập chống ngầm của tàu Izumo và có biện pháp để ngăn chặn “sự đe doạ của tàu này đối với các tàu ngầm của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc”. Có thể nhận thấy rõ ràng rằng, mặc dù vẫn thường trực mối lo ngại bị các quốc gia bên ngoài can thiệp vào tranh chấp Biển Đông, thách thức ảnh hưởng của mình ở khu vực nhưng Trung Quốc luôn tìm mọi cách tranh thủ thời cơ khi các nước triển khai quân sự ở Biển Đông. Thời gian qua, thường xuyên nước này một mặt chỉ trích mạnh mẽ nhằm gạt bỏ sự can thiệp của các quốc gia vào tình hình Biển Đông, mặt khác đẩy mạnh tuyên truyền sai trái nhằm nguỵ biện cho những hoạt động quân sự rộng khắp ở khu vực, qua đó hiện thực hoá tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Về mưu đồ của Trung Quốc khi ngang nhiên xây dựng công trình mới trên Đảo Bắc thuộc Hoàng Sa của Việt Nam
Ngày 16/3, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Biển Đông: Trung Quốc tiếp tục xây dựng trên Đảo Bắc thuộc Hoàng Sa” của Ankit Panda phân tích về việc các hình ảnh vệ tinh mới đây đã tố cáo các công trình mới của Trung Quốc ở Đảo Bắc, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tác giả cho biết, công trình hiện nay của Trung Quốc trên Đảo Bắc cho thấy Bắc Kinh đang lên kế hoạch bổ sung một công trình cảng ở đây, nhưng không rõ liệu phía nước này có đang chuẩn bị thiết lập các căn cứ phòng thủ trọng điểm ở Đảo Bắc như đang triển khai ở các cấu trúc thuộc Trường Sa gần đây hay không.
Trong những năm gần đây, dù việc xây dựng trái phép bảy đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa đã gây quan ngại sâu sắc cho dư luận quốc tế nhưng từ lâu, Trung Quốc vẫn coi Hoàng Sa là “pháo đài chiến lược mạnh hơn” ở Biển Đông, thể hiện rõ ràng qua việc Bắc Kinh đã dùng vũ lực để chiếm đoạt Đảo Phú Lâm, đồng thời đưa hơn 1400 nhân viên và lực lượng thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lên đảo, lắp đặt các hệ thống vũ khí nhằm kiểm soát bất hợp pháp khu vực có diện tích lớn nhất ở Biển Đông, tạo nền móng cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Như vậy, giữa các cấu trúc chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa có một khoảng cách đủ lớn để Trung Quốc triển khai sức mạnh quân sự ở cả phía Bắc và phía Nam Biển Đông.
Hiện không hề đưa ra bất cứ bình luận nào từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc về việc nước này bồi đắp hay công trình trên Đảo Bắc, thay vào đó chỉ quanh co rằng Trung Quốc “không hay biết gì” về bất cứ dự án nào như vậy đang được tiến hành. Không những thế, Bộ này chỉ lặp lại luận điệu sai trái “Quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc”.
Cần nhớ rằng, cái mà Trung Quốc luôn tuyên truyền về “chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển” thực chất chỉ là giọng điệu của kẻ xâm lăng hèn nhát. Việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 là hoàn toàn đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế, gây ra sự phẫn nộ sâu rộng trong dư luận và cộng đồng các nước trong cũng như ngoài khu vực.