Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiĐiều gì bất thường ở hội nghị thượng đỉnh Trump-Tập Cận Bình?

Điều gì bất thường ở hội nghị thượng đỉnh Trump-Tập Cận Bình?

Các quan chức thạo tin cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày 6, 7/4 tới.

Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe chơi golf tại khu nghỉ Mar-a-Lago hồi tháng 2/2017 (Ảnh: Reuters/VCG)

Ngày 13/3, CNN dẫn lời “một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ” cho hay, cuộc gặp thượng đỉnh sẽ diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của tỷ phú này tại Palm Beach, bang Florida. Theo nguồn tin, không có trận giao lưu golf nào được lên kế hoạch trong chương trình cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói hôm 13 rằng Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ-Trung nhưng “chưa sẵn sàng để thông báo thời gian cụ thể”. Còn người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói hai bên “vẫn duy trì trao đổi chặt chẽ” và sẽ đưa ra thông báo kịp thời đến dư luận.

Trước đó, truyền thông quốc tế từng dự đoán Trump và Tập Cận Bình có thể tiến hành cuộc gặp chính thức đầu tiên khi hai ông cùng tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức vào tháng 7, hoặc hội nghị APEC ở Việt Nam tháng 11 tới.

Nếu thông tin như CNN đã đưa được chính phủ hai nước xác nhận, ông Tập Cận Bình sẽ trở thành lãnh đạo nước ngoài thứ 5 thăm Mỹ kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, sau Thủ tướng 4 nước Anh, Canada, Israel và Nhật Bản.

Ngoài ra, ông Tập cũng là người thứ hai được Trump tiếp đón ở khu nghỉ tư nhân Mar-a-Lago. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cùng phu nhân đã ở đây 2 ngày trong chuyến công du Mỹ hồi tháng trước.

Tờ New York Times ngày 14/3 đăng bài bình luận, nói rằng dù phong cảnh ở Mar-a-Lago rất đẹp, nhưng chương trình nghị sự giữa Trump và Tập Cận Bình sẽ rất gai góc.

Giáo sư về quan hệ quốc tế ở Đại học nhân dân, Trung Quốc, ông Pang Zhongying nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) rằng hội nghị thượng đỉnh Trum-Tập được sắp đặt một cách đường đột và bất thường.

“Chắc hẳn phải có các vấn đề cấp bách mà hai lãnh đạo cần dàn xếp. Nếu không, Trung Quốc sẽ không vội vàng thu xếp cuộc gặp như vậy,” ông phân tích.

Theo giáo sư Pang, quan hệ Mỹ-Trung đã bị thử thách nhiều kể từ khi ông Trump thắng cử hồi tháng 11/2016. Trong vai trò Tổng thống đắc cử Mỹ, Trump tuyên bố sẽ định danh Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ”, đồng thời nghi ngờ tính hợp lý của chính sách “Một Trung Quốc” mà Bắc Kinh xem là nền tảng chính trị cho quan hệ song phương.

Sợi dây liên kết hai nước đã được củng cố trong những tuần gần đây, sau khi Trump-Tập có cuộc điện đàm quan trọng hôm 9/2 để xoa dịu căng thẳng. Tổng thống Mỹ đã tái khẳng định với Chủ tịch Trung Quốc rằng Mỹ cam kết tôn trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc”.

Trung Quốc chiếm thế chủ động, hay Mỹ sẽ gây sức ép?

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ lần đầu tiên công du Trung Quốc vào ngày 18-19/3 tới. Một trong những nghị trình quan trọng của ông với đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị được dự đoán là đi đến thỏa thuận tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trump-Tập.

Quyền Trợ lý ngoại trưởng Mỹ, bà Susan Thornton thông tin trong cuộc họp báo hôm 13/3 về chuyến đi của ông Tillerson: “Chúng tôi muốn tìm kiếm một cuộc thảo luận mang tính xây dựng với phía Trung Quốc, mở ra hướng giải quyết các vấn đề và đạt được tiến triển.”

Bà nói thêm, chuyến công du của Ngoại trưởng Tillerson sẽ tập trung vào “mối quan hệ mang lại hiệu quả với Trung Quốc”.

Bà Thornton đồng thời tuyên bố, chiến lược “xoay trục”, hay “tái cân bằng” châu Á-Thái Bình Dương được biết đến dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, đã chính thức kết thúc. Chính quyền Trump sẽ xây dựng một cách tiếp cận mới của riêng mình để bảo đảm cam kết với các đồng minh châu Á.

Tiến sĩ Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế thuộc Viện Lowy về nghiên cứu chính sách quốc tế (Australia), cảnh báo phát ngôn này sẽ gây bất lợi cho chính quyền Mỹ.

Theo ông, cả Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng Mỹ hiện chưa bổ nhiệm quan chức phụ trách chính sách châu Á-Thái Bình Dương, tạo ra “khoảng trống chính sách” có thể đem tới nhân tố bất ổn.

Việc chính quyền Trump nhanh chóng phủ nhận chính sách “xoay trục châu Á” của Obama có thể dẫn đến tác động tiêu cực, khiến Trung Quốc có cơ hội giành thế chủ động trong các sự vụ ở châu Á – ông Graham trả lời tờ Defense News (Mỹ).

Yuan Zheng, nhà nghiên cứu thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) đánh giá hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung sẽ “có lợi cho quan hệ song phương, ngay cả khi hai lãnh đạo chỉ thiết lập một mối quan hệ công việc”.

Nhưng chuyên gia Huang Jing ở Đại học quốc gia Singapore cho rằng rất có khả năng cuộc gặp cấp cao sẽ là nơi “ngửa bài” tất cả các vấn đề khúc mắc giữa hai nước.

“Tôi vẫn nghĩ rằng Trump sẽ rất cứng rắn với Trung Quốc”, ông Huang nói với SCMP. “Trong khi hai bên không muốn chứng kiến rạn nứt hay xung đột, Bắc Kinh cần phải sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, đó là cuộc chiến thương mại đã được đoán trước.”

“Sẽ chỉ là suy nghĩ một chiều nếu cho rằng giao lưu cấp cao Mỹ-Trung, kể cả gặp gỡ thượng đỉnh, là có thể gây ảnh hưởng lên chính sách ngoại giao vẫn chưa định hình của Washington,” Huang Jing nhận xét.

RELATED ARTICLES

Tin mới