Dự luật đề xuất trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia hoạt động bất hợp pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Dự luật này do Thượng nghị sỹ Marco Rubio của đảng Cộng hòa và Ben Cardin của đảng Dân chủ đề xuất.
Trong một thông cáo báo chí ngày 16/3, ông Rubio, thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nhấn mạnh: “Hành động bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông đe dọa an ninh và thương mại khu vực. Những vụ vi phạm trắng trợn các tiêu chuẩn quốc tế đang diễn ra và không thể được bỏ qua, và các biện pháp trừng phạt được ghi trong dự luật này là một lời cảnh báo đối với Bắc Kinh rằng Mỹ thật sự nghiêm túc và có ý định buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của mình”.
Cũng trong thông cáo trên, Thượng nghị sỹ Cardin nêu rõ: “Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy một Trung Quốc ngày càng gây hấn trên biển, trấn áp và đe dọa các nước láng giềng ở cả Biển Hoa Đông lẫn Biển Đông, đồng thời sử dụng mối đe dọa về sức mạnh quân sự để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn thực hiện chiến dịch xây dựng và quân sự hóa các đảo, đe dọa đến sự ổn định trong khu vực”.
Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến Bắc Kinh vào ngày 18/3 trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một thành viên cao cấp nội các Donald Trump kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.
Hồi tháng 1/2017, trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Rex Tillerson cũng đã bày tỏ thái độ mạnh mẽ cho rằng Trung Quốc nên bị cấm tới các đảo mà nước này xây ở Biển Đông. Ông xem hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là “cực kỳ đáng lo ngại” và nó có thể là mối đe dọa “nền kinh tế toàn cầu” nếu Bắc Kinh có thể ra lệnh cho việc ra vào ở vùng biển này, vốn có tầm quan trọng quân sự chiến lược và là tuyến thương mại lớn.
Bên cạnh đó, đội tàu tác chiến của Mỹ, tàu sân bay USS Carl Vinson hoạt động trên Biển Đông từ ngày 18/2 và nhận lệnh trực tiếp từ bộ chỉ huy Hạm đội 3 đặt tại San Diego, bang California.
Hạm đội 3 đảm nhiệm bảo vệ lãnh thổ Mỹ, gồm đội tàu hơn 100 chiếc, trong đó có 4 tàu sân bay. Trong khi đó, Hạm đội 7 có khoảng 80 tàu, và chỉ có 1 tàu sân bay. Lần đầu tiên từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, Mỹ có hai hạm đội hoạt động tại Tây Thái Bình Dương.
Động thái này là dấu hiệu phản ánh cách tiếp cận cứng rắn hơn của Washington. Sự phô trương uy lực này của Hải quân Mỹ diễn ra trong bối cảnh chính quyền Donald Trump đang cân nhắc các biện pháp trấn an đồng minh trong khu vực, đồng thời đáp trả các hành động gây hấn của Trung Quốc.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Nước này bồi đắp, cải tạo 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở vật chất, đưa khí tài quân sự trái phép lên đó.
Tháng 6/2016, Tòa Trọng tài thường trực đã ra phán quyết khẳng định,Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò” mà nước này tự vẽ ra nhằm yêu sách chủ quyền với hầu hết Biển Đông.