Theo Nhân dân nhật báo, Mao Trạch Đông hiểu rằng, khi Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình đã bị đấu tố, nếu Chu Ân Lai cũng bị “đả đảo” thì sẽ không một ai có đủ năng lực thay thế.
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972. Ảnh: Tư liệu
Từ sự kiện “phá đường sắt”
Theo Nhân dân nhật báo, từ hạ tuần tháng 11/1966, Mao Trạch Đông đã gặp mặt hơn 11 triệu Hồng vệ binh và các giáo viên học sinh từ các địa phương tới Bắc Kinh.
Con số khổng lồ như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vấn đề giao thông, đó cũng là điều mà Thủ tướng Chu Ân Lai sớm đã dự đoán được.
Nhằm đảm bảo mạng lưới giao thông đường sắt không bị gián đoạn, Chu Ân Lai đã đích thân thị sát đồng thời theo dõi sát sao tình hình giao thông hàng ngày.
Theo lời kể của Bộ trưởng Bộ đường sắt Trung Quốc khi ấy là Lữ Chính Thao thì Chu Ân Lai lo lắng cho công việc đến nỗi không cả ăn cơm, từng toa tàu đều được ông xem xét kỹ càng mới được xuất bến. Tuy nhiên, hành động của Chu Ân Lai lại gặp phải sự phản đối của nhóm Hồng vệ binh.
Trước đó vào tháng 10/1966, Chu Ân Lai đã đề ra phương án hạn chế số lượng cán bộ đào tạo tư tưởng cách mạng tại các tỉnh, thành trên cả nước tới Bắc Kinh. Tuy nhiên, quyết định này của Chu lại vấp phải rất nhiều khó khăn.
Có thể kể tới, sự kiện “phá đường tàu” nổ ra tại Thượng Hải vào tháng 11/1966.
Cụ thể, “Bộ tư lệnh phản cách mạng công nhân Thượng Hải” do Vương Hồng Văn – người thuộc nhóm “bè lũ bốn tên” cùng Giang Thanh – đứng đầu đầu đã bất chấp sự phản đối của thành ủy Thượng Hải, biểu tình chặn tàu hỏa tại ga An Đình nằm ở ngoại ô thành phố.
Sự việc này đã khiến cho giao thông đường sắt Trung Quốc bị ngưng trệ trong hơn 30 tiếng đồng hồ.
Nhận được tin, Chu Ân Lai rất tức giận do vai trò của đường sắt đối với mọi mặt của đời sống kinh tế – sản xuất khi ấy rất quan trọng. Ông lập tức yêu cầu các cấp chính quyền Thượng Hải kiên quyết không công nhận tính hợp pháp của cái gọi là Bộ tư lệnh này.
Đồng thời, đích thân gọi điện nhắc nhở nhóm Vương Hồng Văn kiềm chế không để ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia.
Cách giải quyết này của Chu lại vấp phải sự phản đối ngầm của Tiểu tổ Cách mạng văn hóa Trung ương. Một trong số đó là Trương Xuân Kiều – người cũng thuộc “bè lũ bốn tên” cùng Giang Thanh.
Trương đã tới Thượng Hải để khẳng định tính hợp pháp của “Bộ tư lệnh”, thậm chí còn cho rằng “sự kiện An Đình” vừa qua chính là một hành động cách mạng. Điều khiến Chu Ân Lai khó xử là cách xử lý của Trương Xuân Kiều lại được Mao đồng tình.
Một thời gian sau sự kiệc trên, tháng 1/1967, nhóm của Vương Hồng Văn được Trương Xuân Kiều và đồng bọn hậu thuẫn đã giành được ghế lãnh đạo thành ủy Thượng Hải. Thậm chí, cuộc “Cách mạng tháng 1” này còn được Mao ủng hộ.
Trong bài viết trên tạp chí Hồng kỳ, Mao chỉ ra: “Phải đoạt quyền từ tay những bè lũ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa trong nội bộ đảng”. Đồng thời kêu gọi triển khai đấu tranh toàn diện giành lại quyền lợi trên toàn quốc.
Vì thế, một cuộc đấu tranh với khẩu hiệu “Đả đảo tất cả” đã lan rộng trên toàn Trung Quốc, xã hội rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Tới sự ủng hộ của Mao Trạch Đông
Theo Nhân dân nhật báo, lúc này đối thủ của Chu Ân Lai không chỉ là Giang Thanh hay Lâm Bưu mà còn là cục diện chính trị, kinh tế, văn hóa hỗn loạn. Chu hiểu rằng để ngăn chặn cuộc chiến này ông phải có được sự ủng hộ của Mao Trạch Đông.
Trước tình hình giao thông ngưng trệ, mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội bị đình đốn, Chu Ân Lai đã tổ chức cuộc họp và thẳng thắn chỉ ra: “Công nhân nghỉ làm để tới Bắc Kinh thì không sản xuất được, đó không phải là cách mạng.”
Ông kêu gọi mọi người quay trở lại làm việc, cũng không ít lần phê phán trực tiếp những hành vi tranh đoạt quyền vị của “phe tạo phản” ngay tại Trung Nam Hải.
Song song với đó, Chu Ân Lai cũng đưa công tác quản lý giao thông đường sắt trở lại quy củ thông qua việc thành lập các tổ chuyên trách và trực ban thâu đêm.
Tuy nhiên, chính vào lúc Chu Ân Lai kêu gọi toàn dân tăng cường sản xuất cũng là lúc Cách mạng văn hóa ở giai đoạn cao trào. Lo lắng trước tình hình hỗn loạn, Mao Trạch Đông đã tán thành phương án thiết quân luật và chỉ thị Chu phải khẩn trương ổn định tình hình sản xuất và an ninh.
Phương án của Chu Ân Lai lại vấp phải sự phản đối của Lâm Bưu – Phó Thủ tướng thứ hai và ông bị coi là trở ngại lớn nhất của nhóm này. Lâm Bưu hiểu rằng, không thể trực tiếp “hạ gục” Chu Ân Lai nên đã loại bỏ trước những trợ thủ đắc lực của ông.
Trước tình thế này, Chu Ân Lai rất tức giận, ông càng kiên quyết triển khai thiết quân luật tại các cơ quan quan trọng. Tuy nhiên, những chỉ trích của Lâm Bưu nhằm vào Chu Ân Lai đã gây ra luồng dư luận xấu lan rộng trong xã hội.
Song Mao Trạch Đông đánh giá tài năng của Chu không ai có thể sánh được và cho rằng, lúc này lần lượt Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình đã bị đấu tố, nếu Chu Ân Lai cũng bị “đả đảo” thì sẽ không một ai có đủ năng lực thay thế.
Nhờ sự đảm bảo của Mao mà Chu Ân Lai có thể “chống trọi trước cơn bão” Cách mạng văn hóa.
Mùa thu năm 1967, Trung Quốc ngập chìm trong cơn lạc loạn, khi cách mạng văn hóa đã chuyển sang giai đoạn mới – “giai đoạn đoạt quyền”, giao thông đường sắt khi ấy liên tục bị đứt mạch.
Chu Ân Lai luôn tỏ ra khéo léo khi không phê bình trực tiếp những sai lầm trong cuộc cách mạng văn hóa, thay vào đó, ông thể hiện thái độ không hài lòng với Tiểu tổ cách mạng văn hóa Trung ương.
Tuy nhiên, sau một lần sinh hoạt kiểm điểm, Chu Ân Lai không tới báo cáo tình hình với Mao Trạch Đông như mọi khi, Trương Xuân Kiều đã nhân cơ hội chỉ trích Chu khiến cho Mao Trạch Đông rất tức giận buộc ông phải làm kiểm điểm.
Sau sự kiện ngày 23/8, Văn phòng đại diện chính quyền Anh bị đốt phá, ngay lập tức, Chu Ân Lai đã gặp mặt, lên án những sai lầm trong chủ trương hoạt động của do nhóm Tiểu tổ cách mạng văn hóa do Vương Lực đứng đầu tạo ra.
Mao Trạch Đông sau khi lắng nghe ý kiến của Chu Ân Lai về những hành vi kích động “tạo phản” của Vương Lực, đã khẳng định hành vi của nhóm Vương mang tính chất phá hoại cách mạng văn hóa, đồng thời quyết định bắt giam Vương Lực chờ xử lý.
“Trong cuộc đấu tranh lần này, Chu Ân Lai đã giành được một thắng lợi quan trọng”, báo đảng Trung Quốc bình luận.