Mặc dù Philippines yếu hơn Trung Quốc về quân sự, nhưng theo ông, Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ hiến định của mình.
CNN ngày 20/3 đưa tin, xung quanh phát biểu của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về việc ông không thể ngăn Trung Quốc “làm điều họ muốn” trên Biển Đông, Thẩm phán – Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đã có những bình luận nóng đáng chú ý.
Thẩm phán Antonio Carpio tin rằng, bất kỳ phát biểu nào từ ông chủ Điện Manacanang rằng Philippines không thể ngăn chặn Trung Quốc xây dựng ở bãi cạn Scarborough, thực sự đều khuyến khích Bắc Kinh xây dựng ở Scarborough.
Tổng thống Cộng hòa Philippines là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, có nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước, theo quy định của Hiến pháp.
Theo Đạo luật Cộng hòa 9522, Scarborough là một phần lãnh thổ Philippines, Thẩm phán Antonio Carpio khẳng định.
Mặc dù Philippines yếu hơn Trung Quốc về quân sự, nhưng theo ông, Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ hiến định của mình bằng bất kỳ, một số hoặc tất cả các giải pháp sau:
1. Có tuyên bố phản đối chính thức một cách mạnh mẽ, chống lại các hoạt động xây dựng Trung Quốc tiến hành ở Scarborough.
Thẩm phán Antonio Carpio nói, đây là điều tốt nhất Tổng thống Rodrigo Duterte nên làm.
Ông lưu ý, đây cũng chính là những gì Việt Nam đã làm khi Trung Quốc đưa tàu du lịch bất hợp pháp đến quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).
2. Điều động hải quân Philippines tuần tra Scarborough.
Thẩm phán Antonio Carpio giải thích, nếu Trung Quốc tấn công tàu hải quân Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte có thể kêu gọi Mỹ thực hiện Hiệp ước An ninh, trong đó Mỹ sẽ can thiệp nếu có bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào tàu hải quân Philippines hoạt động ở Biển Đông.
3. Yêu cầu Hoa Kỳ tuyên bố rằng, bãi cạn Scarborough là một phần lãnh thổ của Philippines ngay cả khi quốc gia này còn là thuộc địa của Hoa Kỳ.
Đồng thời Scarborough cũng nằm trong phạm vi hiệu lực của Hiệp ước An ninh Mỹ – Philippines, giống như những gì Washington cam kết với Nhật Bản đối với nhóm đảo Senkaku.
4. Chấp nhận yêu cầu của Hoa Kỳ về việc tuần tra hải quân chung ở Biển Đông, trong đó bao gồm cả bãi cạn Scarborough.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: AP. |
Điều này sẽ chứng tỏ quyết tâm chung của Manila và Washington cùng nỗ lực ngăn cản Trung Quốc xây dựng trên bãi cạn này.
5. Tránh bất kỳ hành động, tuyên bố rõ ràng hay ngụ ý nào có thể dẫn đến cách hiểu Philippines từ bỏ chủ quyền hay bất kỳ yêu sách nào ở Biển Đông.
Một vài nhận xét
Cá nhân người viết cho rằng, về mặt cảm xúc những phát biểu của Tổng thống Rodrigo Duterte có thể khiến không ít quan điểm trong dư luận tin rằng ông “đầu hàng” Trung Quốc.
Tuy nhiên, những giải pháp Thẩm phán Antonio Carpio đề xuất tính khả thi của nó đến đâu cũng là câu chuyện cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi lẽ, năm 2014 Mỹ cũng không làm gì để ngăn Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này.
Trong khi hiện nay, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vừa có chuyến công du Trung Quốc. Nhà Trắng và Trung Nam Hải đã đã bàn bạc, thỏa thuận những gì về Biển Đông chưa ai biết được.
Những tuyên bố mạnh mẽ của ông Rex Tillerson hay ngay cả Tổng thống Donald Trump về Biển Đông mới chỉ là những chiến thuật “làm giá” của họ trong đàm phán với Bắc Kinh.
Thực tế lựa chọn và hành động của Mỹ trên Biển Đông như thế nào, cần có thời gian nghiên cứu thêm.
Đến thời điểm hiện tại, các bên liên quan ở Biển Đông đều đang tìm hiểu và nóng lòng muốn biết quan điểm, chiến lược thực sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ như thế nào, nhưng chưa ai dám chắc.
Cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc, Hoa Kỳ và Philippines có thể ngầm đạt được một thỏa thuận nào đó về việc hợp tác tạm thời trên bãi cạn Scarborough mà không ảnh hưởng đến yêu sách mỗi bên trong lúc chờ giải pháp cuối cùng.
Bởi vậy cho dù Tổng thống Philippines đang áp dụng đối sách nào với Bắc Kinh và Washington, thì người viết vẫn tin rằng Điện Manacanang đều phải nghiên cứu, nắm chắc và dựa trên cơ sở Phán quyết Trọng tài để có những bảo lưu cần thiết.
Đồng thời cũng xin được lưu ý, nguồn vốn và các hoạt động hợp tác đầu tư từ Trung Quốc luôn luôn chứa đựng rủi ro gắn liền với quan hệ chính trị song phương, nhất là tình hình Biển Đông.
Philippines cần rút ra bài học từ chính cuộc khủng hoảng Scarborough năm 2012, cũng như những gì doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp phải trong làm ăn với Trung Quốc để tính cho mình đường lùi.
Tự lực cánh sinh vẫn là yếu tố quyết định làm nên sức mạnh quốc gia, mà muốn như vậy thì quốc nạn tham nhũng – lãng phí phải được đẩy lùi, trân trọng và phát huy tối đa hiệu quả từng đồng vốn đi vay để phát triển kinh tế đất nước.
Nói như vậy để thấy rằng, những gì Tổng thống Rodrigo Duterte đang phải đối mặt không chỉ đơn giản là chuyện Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, còn rất nhiều khó khăn thách thức về đối nội cần có sự đoàn kết, đồng lòng của quốc gia, dân tộc để vượt qua.
Trong thời gian vượt qua các thử thách đối nội, phát triển kinh tế, nâng cao tiềm lực quốc phòng, một môi trường hòa bình và ổn định ở Biển Đông là yếu tố không thể thiếu.
Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hay quyền lợi hợp pháp của quốc gia dân tộc không thể chỉ dựa vào cảm xúc. Không phải chỉ cần có tinh thần, lòng yêu nước là đủ.
Có thực mới vực được đạo, lòng yêu nước và các giải pháp bảo vệ chủ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước sự xâm lấn của ngoại bang hùng mạnh trong bối cảnh mình còn yếu cả về kinh tế và quân sự, cần hết sức khéo léo, khôn ngoan và đầu óc tỉnh táo.
Ngoài ra, phát biểu của Thẩm phán Antonio Carpio còn cho thấy một giải pháp tưởng như “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, nhưng thật sự rất quan trọng.
Đó là những tuyên bố ngoại giao phản đối các hành vi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền hay quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc.
Bởi lẽ trên bình diện pháp lý quốc tế, hành động này chính là một cách sự thực thi chủ quyền hay quyền tài phán của một quốc gia đối với lãnh thổ hay lợi ích hợp pháp của mình đang bị một quốc gia khác chiếm đóng, kiểm soát hay xâm phạm bất hợp pháp.
Vì thế trong bối cảnh hiện nay, những quan điểm khác nhau về việc bảo vệ chủ quyền, quyền lợi hợp pháp của Philippines trên Biển Đông cần được thảo luận trên cơ sở khánh quan, cầu thị và bình tĩnh để tìm giải pháp hợp lý nhất mà không gây chia rẽ.
Mọi sự chia rẽ nội bộ chỉ càng làm suy yếu sức mạnh quốc gia, và tạo điều kiện cho những kẻ đang tìm cách nhòm ngó lãnh thổ, tài nguyên, lợi ích hợp pháp của đất nước mình đục nước béo cò.