Sunday, December 22, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTổng thống Donald Trump và “cuộc chiến” trong lòng nước Mỹ

Tổng thống Donald Trump và “cuộc chiến” trong lòng nước Mỹ

“Cuộc chiến” đầu tiên đối với ông Trump diễn ra ngày 14/2, khi Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn từ chức chỉ sau 3 tuần nắm quyền.

Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với những vấn đề
nghiêm trọng trong chính nội bộ Chính phủ Mỹ. Ảnh: Reuters

Cho đến nay, “cuộc chiến” này đã lan rộng sang các lĩnh vực khác như, sắc lệnh cấm người nhập cư, dự luật ngân sách chính phủ… và có thể sẽ còn nhiều vấn đề khác nữa, khiến dư luận Mỹ và thế giới quan tâm.

Từ vụ bê bối Michael Flynn

Tâm điểm chú ý của dư luận Mỹ là việc Cố vấn An ninh Quốc gia Flynn từ chức (14/2), do liên quan đến cuộc điện đàm với Đại sứ Nga tại Mỹ. Truyền thông Mỹ đăng tải nhiều bài viết với các nguồn tin ẩn danh vào thời điểm chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng.

Truyền thông Mỹ khẳng định, ông Flynn đã “sai phạm” khi đề cập đến việc xem xét dỡ bỏ các lệnh cấm vận chống Nga, và nói chuyện không trung thực với Phó Tổng thống Mike Pence. 

Một loạt các vụ rò rỉ thông tin, từ các cuộc điện đàm của ông Trump với Thủ tướng Australia, Tổng thống Mexico, và việc Mỹ có ý định triển khai tàu chiến ngăn chặn Iran, Dự thảo Sắc lệnh cấm người đồng giới làm việc trong các cơ quan Liên bang…

Việc các tờ báo lớn của Mỹ có “bằng chứng” chống lại ông Flynn cho thấy, đó là hành động “để rò rỉ thông tin có chủ đích”. Chưa thể kết luận “9 nguồn tin ẩn danh” mà tờ Washington Post nêu ra có phải là những người thuộc phe nhóm không ủng hộ ông Trump.

Trang điện tử Bloomberg (Mỹ) xem đây là vụ “ám sát chính trị”, một dạng “đảo chính mềm” nhằm vào ông Trump. Điều nguy hiểm là chúng đang sử dụng cách thức “chính trị hóa” tình báo, công khai các thông tin mật để chống lại các đối thủ chính trị của mình.

Vụ việc trên đã khoét sâu thêm mâu thuẫn chính trị nội bộ. Phe Dân chủ và một số nghị sỹ Đảng Cộng hòa yêu cầu mở cuộc điều tra về mối liên hệ giữa ông Trump với Nga, còn phe Cộng hòa lại muốn truy tìm những hành vi tiết lộ tin mật bất hợp pháp.

Tổng thống Trump đã chỉ trích cộng đồng tình báo để rò rỉ thông tin trái phép tới các tờ báo “tồi”, thuộc diện “truyền thông tin giả” như tờ New York Times và Washington Post…

Hiện chưa biết xu thế đối đầu giữa Tổng thống với các thiết chế xã hội, các nhóm lợi ích và tiếng nói đối lập sẽ đi theo hướng nào, nhưng chắc chắn đó là “cuộc chiến” đầy cam go. Trong đó, việc xử lý quan hệ với truyền thông và tình báo là thử thách lớn đối với tân Tổng thống Trump.

Đến sắc lệnh cấm người nhập cư bị vô hiệu hóa…

Chưa đầy 60 ngày, Nhà Trắng đã phải ký 2 sắc lệnh cấm nhập cảnh liên quan đến người Hồi giáo. Lần 1 vào ngày 27/1 và lần 2 vào ngày 6/3. Theo đó, tạm thời dừng cấp thị thực cho người đến từ 6 nước Hồi giáo do năng lực thông tin và rà soát của các nước này không đạt tiêu chuẩn an ninh Mỹ.

Sắc lệnh ký lần 2 được điều chỉnh so với lần 1 đó là không áp dụng với những người đã có thị thực vào Mỹ, cư dân thường trú tại Mỹ và giảm từ cấm nhập cư vô thời hạn đối với người tị nạn Syria xuống còn 120 ngày và Iraq được đưa ra khỏi danh sách.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions giải thích: “Chúng ta không thể thỏa hiệp an ninh quốc gia với việc cho du khách nhập cảnh khi mà chính phủ của họ không thể hoặc không sẵn lòng cung cấp thông tin cần thiết để kiểm tra, hoặc khi những chính phủ đó tích cực ủng hộ chủ nghĩa khủng bố”.

Hạ nghị sỹ Đảng Dân chủ Andre Carson- một trong hai người Hồi giáo đang làm việc tại Hạ viện- đã viết trên Twitter cá nhân rằng: “Lại nữa rồi… Lệnh cấm người Hồi giáo 2.0”.

Cũng chỉ vài giờ trước khi sắc lệnh mới 2.0 bắt đầu có hiệu lực, một thẩm phán liên bang ở Hawaii ngày 15/3 ra phán quyết yêu cầu đình chỉ khẩn cấp việc thực thi sắc lệnh này. Hãng tin Reuters cho rằng động thái trên là đòn pháp lý mới nhất giáng vào nỗ lực của chính quyền Trump.

Trong phán quyết của mình, Thẩm phán Watson kết luận rằng Sắc lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của ông Trump tuy không đề cập đến tên đạo Hồi, nhưng “một người quan sát có lý lẽ và khách quan… có thể kết luận rằng sắc lệnh này được ban hành với mục đích phân biệt đối xử một tôn giáo cụ thể”.

Nhiều bang như Washington, California, Maryland, Massachusetts, New York, Oregon, cùng một nhóm gồm 58 công ty công nghệ lớn (Airbnb, Lyft, và Dropbox) đã lên tiếng ủng hộ các nguyên đơn này.

Trong bài phát biểu ở Nashville, Tennessee ông Trump tuyên bố sẽ đưa vụ này “đi xa hết mức cần thiết”, bao gồm cả lên Tòa án Tối cao. Cuộc chiến pháp lý này sẽ được đưa đến tòa phúc thẩm và cuối cùng là Tòa án Tối cao Mỹ. Khiến cuộc chiến pháp lý khó có thể đến hồi kết trong tương lai gần.

Và vấn đề dự thảo ngân sách…

Theo hãng tin Fox News ngày 16/3, Tổng thống Trump đã công bố Dự thảo mang tên “Nước Mỹ trên hết” với 53 trang. Theo đó, Bộ Quốc phòng sẽ nhận được mức tăng ngân sách cao nhất (10%) với 52 tỷ USD. Bộ An ninh nội địa tăng 7% lên 44,1 tỷ USD, trong đó dự chi 2,6 tỷ USD cho dự án xây bức tường dọc biên giới Mexico.

Ngược lại, Bộ Ngoại giao bị cắt giảm 29% bao gồm ngân sách viện trợ phát triển, mức đóng góp của Mỹ vào các quỹ của Liên Hợp Quốc và hoạt động gìn giữ hòa bình. Ngân sách cho Cơ quan Bảo vệ môi trường giảm 31% (20% số nhân viên của cơ quan này sẽ bị tinh giản.

Tổng thống Trump cho biết: “Chúng ta sẽ làm nhiều việc hơn bằng ít tiền hơn. Chính phủ sẽ gọn gàng và có trách nhiệm với người dân”. Ông nói: “Đến lúc cần ưu tiên cho an ninh và sự thịnh vượng của người Mỹ, và cần yêu cầu phần còn lại của thế giới đứng lên và trả phần tương ứng”.

Giám đốc ngân sách Nhà Trắng Mick Mulvaney nói rằng: “Đây là ngân sách quyền lực cứng, không phải ngân sách quyền lực mềm”, và “gửi một thông điệp đến các đồng minh và các đối thủ của chúng ta rằng đây là một chính phủ có quyền lực mạnh”.

Chủ tịch Hạ viện, ông Paul Ryan nói rằng: “Tôi hoan nghênh dự thảo ngân sách của Tổng thống. Đây là trang mới mở ra sau 8 năm qua. Chúng tôi quyết tâm cùng chính phủ làm giảm quy mô hành chính, tăng trưởng kinh tế, an ninh cho biên giới, và đảm bảo quân đội có các phương tiên cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ”.

Sau khi Nhà Trắng công bố chi tiết về ngân sách chính phủ, một trong số những nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã gặp Trump tỏ ra “dễ chịu” với những điều ông đã biết về ngân sách của Trump thì một số thành viên khác trong Đảng Cộng hòa từ nhóm House Freedom Caucus, nơi tập trung các thành viên Cộng hòa Bảo thủ tại Hạ viện lại cho biết họ muốn cắt giảm ngân sách mạnh hơn nữa.

Nhà lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell cho biết dự luật ngân sách mới – điều cắt giảm 30% chi phí của Bộ Ngoại giao sẽ không vượt qua được văn phòng của ông. Các đảng viên Cộng hòa cấp cao khác cũng đang đưa ra những báo động.

Hạ nghị sỹ Tom Cole cho biết, Quốc hội cuối cùng sẽ có lời giải về ngân sách. “Đến thời hạn, chúng tôi sẽ có ngân sách. Chúng tôi sẽ thông qua ngân sách”. Tuy nhiên, “ngân sách của chúng tôi không nhất thiết là ngân sách do Tổng thống Trump đưa ra”.

Như vậy, với việc triển khai chính sách “khác lạ” của mình, tân Tổng thống Donald Trump đã vấp phải sự phản ứng khác nhau của chính giới Mỹ, từ lĩnh vực tình báo, thông tin, truyền thông đến sắc lệnh cấm nhập cư và dự thảo ngân sách… Những động thái này khiến cho “cuộc chiến” trong lòng nước Mỹ có thể kéo dài, thậm chí khó có hồi kết.

RELATED ARTICLES

Tin mới