Mồi lửa từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan có thể thiêu trụi cả tương lai của một dân tộc, trong đó có chính những kẻ châm lửa, nhóm mồi, hà hơi tiếp sức.
Hình ảnh một chiếc xe hơi trở thành nạn nhân cho những thanh niên Trung Quốc đập phá trong một cuộc
biểu tình chống Nhật Bản năm 2012 có thể tái diễn với Hàn Quốc vì vụ THAAD, ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.
The Economist ngày 16/3 cho biết, Trung Quốc đang reo rắc sự tức giận cho công chúng nước này đối với Hàn Quốc vì Seoul chấp thuận để Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa (THAAD) trên lãnh thổ nước mình.
Đầu tuần này, trung tâm thương mại Lotte tại phố Vọng Kinh quận Triều Dương, Bắc Kinh vắng hoe. Lotte vắng khách kể từ khi Hàn Quốc cho Mỹ đặt THAAD trên lãnh thổ nước mình hôm 28/2.
Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng bằng cách khuyến khích một làn sóng giận dữ trong dân chúng, tẩy chay không chỉ Lotte mà bất cứ sản phẩm hay doanh nghiệp nào của Hàn Quốc.
Tờ báo bình luận: chủ nghĩa dân tộc cực đoan là một vũ khí ngoại giao quen thuộc của Trung Quốc.
Lần gần đây nhất Bắc Kinh dùng đến nó là năm 2012, trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, tạo ra các cuộc biểu tình chống Nhật Bản trên toàn Trung Quốc đại lục.
Thời báo Hoàn Cầu kêu gọi dân Trung Quốc: phải dạy cho Hàn Quốc một bài học!
Xã luận Thời báo Hoàn Cầu bản tiếng Anh ngày 1/3 kêu gọi cho Seoul nếm mùi thuốc đắng bằng câu hỏi mở đầu: Trung Quốc cần phải có chế tài trừng phạt Hàn Quốc vì vụ THAAD, nhưng bằng cách nào?
Tờ báo kêu gọi:
“Xã hội và dân chúng Trung Quốc phải học cách đối phó với Hàn Quốc trong vụ triển khai THAAD, vì điều này là chuyện “bình thường trong chính trị quốc tế”.
Tuy nhiên không nên đánh dập đầu, mà dùng biện pháp “hòa bình và nghiêm khắc” để khiến Hàn Quốc bị nội thương.
Người tiêu dùng Trung Quốc nên trở thành lực lượng chính để dạy cho Seoul một bài học, trừng phạt quốc gia này bằng sức mạnh của thị trường.
Trong khi đó chúng ta phải tránh các biện pháp có thể làm tổn thương cả hai phía, trừng phạt Hàn Quốc trên nguyên tắc phải ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế Trung Quốc.”
Trước đó hôm 28/2, Thời báo Hoàn Cầu bản tiếng Trung Quốc có bài xã luận: “Không cần để Hàn Quốc sứt đầu mẻ trán, mà cần làm nó bị nội thương”. Xã luận viết:
“Trung Quốc không thể không trừng phạt Hàn Quốc, nhưng trừng phạt như thế nào thì phải bàn kỹ.
Đầu tiên, xã hội Trung Quốc nên chuẩn bị tốt tâm thái:
Đây là xung đột bình thường trong quan hệ quốc tế, hành động đáp trả việc Hàn Quốc lắp đặt THAAD cần triển khai một cách kiên quyết, có tổ chức, nhưng chúng ta không cần phải nóng vội.
Chúng ta không nhất định phải làm cái này làm cái kia với Hàn Quốc hay thề chừng nào chưa áp đảo họ thì chưa nghỉ.
Chúng ta chỉ cần làm những gì chúng ta nên làm và có thể làm được.
Làm sao để các hành động trừng phạt của chúng ta vừa bình tĩnh, vừa nghiêm khắc, không nhất thiết phải làm Hàn Quốc vỡ đầu chảy máu, mà tốt nhất là khiến họ bị nội thương, đau đớn thực sự.
Thứ hai, việc trừng phạt Hàn Quốc tốt nhất không nên để chính phủ xuất đầu lộ diện, vì còn có quy định của WTO hay ràng buộc từ hiệp định thương mại tự do Hàn – Trung.
Nếu để chính phủ Trung Quốc đứng sau các biện pháp trừng phạt Hàn Quốc, chắc chắn sẽ gặp trở ngại.
Người tiêu dùng Trung Quốc nên trở thành đội quân chủ lực trừng phạt Trung Quốc.
Hãy để thị trường tự phát và các lực lượng nội tại tiến hành trừng phạt Hàn Quốc.
Thứ ba, trừng phạt Hàn Quốc không thể bất chấp tất cả. Không thể để “giết địch một ngàn ta chết tám trăm”. Chúng ta không thể làm như thế.
Các biện pháp trừng phạt Hàn Quốc phải được tính toán sao cho có thể gây tổn thương, tổn thất ở mức lớn nhất chỉ cho riêng Hàn Quốc, hoặc làm sao tổn hại của Hàn Quốc lớn hơn Trung Quốc.
Tóm lại là trừng phạt Hàn Quốc thế nào thì trừng phạt, đừng để kinh tế Trung Quốc bị tổn thất nghiêm trọng. Đó là nguyên tắc cơ bản”.
Xúi giục chủ nghĩa cực đoan, tham mưu thủ đoạn
Thời báo Hoàn Cầu viết tiếp:
“Qua trao đổi giữa Ban Biên tập Thời báo Hoàn Cầu với nhiều học giả Trung Quốc, chúng tôi chủ trương các biện pháp trừng phạt Hàn Quốc đầu tiên nên triển khai toàn diện trên 5 lĩnh vực / đối tượng dưới đây, lấy các tổ chức quần chúng làm lực lượng chủ đạo:
Thứ nhất là du lịch.
Năm 2016 ngành du lịch Hàn Quốc đón 17,418 triệu lượt khách nước ngoài. Cho dù nửa cuối năm lượng khách Trung Quốc sang Hàn Quốc sụt giảm nhanh chóng mà vẫn chiếm tới 8,268 triệu, cống hiến 47,5%.
Chỉ cần “các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã thị trường hóa” tăng cường tuyên truyền về xung đột Trung – Hàn xung quanh vụ THAAD, các doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc điều chỉnh một chút, số du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc cả năm nay sẽ sụt giảm nhanh chóng.
Thậm chí có thể tạo thành một sự sụt giảm quy mô lớn khách du lịch Trung Quốc sang Hàn Quốc, nó sẽ làm ngành du lịch Hàn Quốc bị ảnh hưởng toàn diện, chưa từng có.
Thứ hai là các dịch vụ giải trí.
Nửa cuối năm ngoái, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giải trí Hàn Quốc tại thị trường Trung Quốc đã bắt đầu cảm nhận ảnh hưởng rõ rệt từ sự kiện THAAD.
Xuất khẩu các sản phẩm giải trí là một trong những kênh ưu tiên hàng đầu trong chiến lược quốc gia Hàn Quốc. Trung Quốc là thị trường chủ yếu của trào lưu phim / ca nhạc Hàn Quốc, hay còn gọi là “làn sóng Hàn Quốc”.
Phim Hàn, “sao” Hàn được người xem Trung Quốc hy vọng là đối tượng để làm tổn thương nghiêm trọng lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người dân và xã hội Hàn Quốc.
Nếu THAAD vẫn tiếp tục, tâm lý ghét Hàn, bài Hàn ở thị trường Trung Quốc sẽ trở thành “lệnh cấm vận mồm” đối với các sản phẩm giải trí Hàn Quốc.
Đó sẽ là một trái đắng Seoul tự chuốc lấy.
Thứ ba là Samsung và Hyundai.
Các sản phẩm điện tử của Samsung hay các dòng xe hơi của Hyundai là mặt hàng có tính biểu tượng của ngành công nghiệp, chế tạo Hàn Quốc, trong khi Trung Quốc lại là thị trường số 1 của cả 2 thương hiệu này.
Tuy nhiên do cả 2 tập đoàn đều có chi nhánh nhà máy tại Trung Quốc, sản phẩm của họ tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc đều là “made in China”, lấy sản phẩm của 2 hãng này khai đao, xung đột lợi ích sẽ càng phức tạp.
Nhưng nếu như xung đột Trung – Hàn không leo thang, việc trừng phạt Samsung và Hyundai hãy tạm để chờ đó.
Thứ tư, trừng phạt Lotte thì khỏi cần nói rồi, các doanh nghiệp và mặt hàng thời thượng khác của Hàn Quốc cũng nên được liệt vào danh sách trừng phạt.
Hơn nữa, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc là nơi đặt trụ sở Samsung, đang là “tỉnh kết nghĩa” với tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Tỉnh Hà Nam nên cân nhắc hủy quan hệ kết nghĩa này đi, chắc chắn sẽ làm rúng động Hàn Quốc.
Thứ năm, nên cắt giảm quy mô lớn các hoạt động giao lưu chính thức và bán chính thức Trung – Hàn, đóng băng quan hệ song phương.
Tuy nhiên việc này chủ yếu do nhà nước tính toán.
Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân đã bị Trung Quốc trừng phạt nghiêm khắc thông qua kênh Liên Hợp Quốc. Hàn Quốc bố trí THAAD, sức mạnh trừng phạt tổng thể của Trung Quốc không nên kém hơn Bắc Triều Tiên.
Hàn Quốc đã thể hiện thái độ gần như đối địch với Trung Quốc, chúng ta đương nhiên không thể khoanh tay ngồi nhìn.
Xã hội Trung Quốc cần phải chuẩn bị cho thời kỳ cứng rắn với Hàn Quốc lâu dài.
Những năm tháng hữu hảo Trung – Hàn trước đây, chúng ta đã rất coi trọng nước láng giềng này. Nhưng thái độ của họ đã thay đổi, chúng ta cũng cần phải xem lại láng giềng này.
Ta và họ không có chung biên giới đất liền, họ cũng không có công nghệ kỹ thuật tiên tiến nào đặc biệt có thể làm tài nguyên cho ta, họ không có vai trò gì đặc biệt với chúng ta.
Đối với sự phát triển của Trung Quốc, Hàn Quốc là một quốc gia có cũng được mà không cũng chẳng sao.
Hãy cứ để Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng trông nom họ.
Theo thời gian, những yếu tố Hàn Quốc đã dần xâm nhập vào đời sống thường ngày của chúng ta, đã đến lúc chúng ta có thể quên sự tồn tại của quốc gia này đi.
Một số người Hàn Quốc luôn ảo tưởng rằng, THAAD chỉ là sự kiện rùm beng một chút rồi thôi.
Cũng có thể, nhưng điều kiện tiền đề là Tổng thống mới của Hàn Quốc tới đây sẽ phải lật ngược kế hoạch THAAD.
Trung – Hàn đối đầu trong bối cảnh tương quan lực lượng chênh lệch như thế mà cuối cùng Trung Quốc sẽ vui vẻ chấp nhận rút lui sao, hỡi người Hàn Quốc “đáng yêu” kia, các người đang nghĩ cái gì thế?”
Thời báo Hoàn Cầu tự bôi gio trát trấu lên mặt Trung Quốc
Cá nhân người viết thực sự sốc trước bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu, cùng nhiều bài xã luận, bình luận khác của tờ báo này đang công kích Hàn Quốc và xúi giục dân chúng Trung Quốc, đẩy họ ra tuyến đầu trận địa bài Hàn mà tờ báo này đang giăng ra.
Và điều đáng nói, nó không phải quan điểm cá nhân của một nhà báo, hay ông Tổng biên tập Hồ Tích Tiến, mà là quan điểm của Ban biên tập tờ báo này, sau khi đã bàn bạc với nhiều học giả Trung Quốc.
Những gì tờ báo này đang xúi giục dân chúng Trung Quốc, đặc biệt là những người ít thông tin, thiếu hiểu biết trong xã hội để biến họ thành công cụ chính trị, lực lượng chính trị hòng thực hiện các mục đích chính trị có lẽ cũng không còn gì để bàn thêm, vì tự nó đã phơi bày tất cả.
Chỉ tiếc rằng, nền văn minh hàng ngàn năm của dân tộc Trung Hoa có thể một lần nữa lại đối mặt với nguy cơ bị chủ nghĩa dân tộc cực đoan hủy hoại, nếu thiếu một sự ngăn chặn kịp thời.
Trong lịch sử cận hiện đại, dân tộc Trung Hoa cũng đã phải trả giá bởi các trào lưu dân tộc cực đoan, các âm mưu chính trị lợi dụng danh nghĩa yêu nước để triệt hạ những người không có chung lợi ích, huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt.
Trong lịch sử hàng ngàn năm phong kiến, Trung Quốc từng bị 2 dân tộc thiểu số xâm lược và đô hộ, đó là triều đại nhà Nguyên và triều đại Mãn Thanh.
Nhưng cả hai dân tộc vốn bị người Hán xem là “man, di, mọi, rợ” ấy không có hành động bất kính nào với các bậc hiền triết Trung Hoa trên lãnh thổ họ vừa chinh phục được.
Ngược lại, họ vẫn trân trọng và tự làm giàu vốn văn hóa của mình từ văn hóa Hoa Hạ. Nhưng khi Hồng vệ binh nổi lên, mộ gia quyến Khổng Tử bị quật tung, Khổng Miếu bị kéo sập.
Thế mới thấy, một khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan được hà hơi tiếp sức bởi các âm mưu chính trị, thủ đoạn chính trị thì hôm trước còn là đồng chí anh em, cha con chồng vợ, hôm sau có thể trở thành kẻ thù không đội trời chung.
Chỉ một mồi lửa từ một que diêm có thể thiêu trụi cả một khu rừng. Nhưng rừng kia cháy rồi vẫn còn có thể mọc lại.
Còn mồi lửa từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan có thể thiêu trụi cả tương lai của một dân tộc, trong đó có chính những kẻ châm lửa, nhóm mồi, hà hơi tiếp sức.
Đấy là về đối nội, còn về đối ngoại thì những bài xã luận sặc mùi cực đoan, hẹp hòi ích kỷ như trên chỉ làm xấu thêm hình ảnh Trung Quốc trong mắt phần còn lại của nhân loại.
Đặc biệt là tháng Tư này, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ chủ trì hàng loạt hội nghị để chào hàng, quảng bá “sáng kiến Một vành đai, một con đường” với thế giới.
Nhưng chứng kiến những gì doanh nghiệp các nước Đông Á và Mỹ từng làm ăn với Trung Quốc trở thành vật tế thần cho các ý đồ chính trị của Bắc Kinh bất kỳ lúc nào, liệu còn mấy ai tin, hưởng ứng và hợp tác?
Năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm và làm việc tại Nhân Dân nhật báo, Tân Hoa Xã, đài truyền hình quốc gia CCTV để quán triệt tính đảng cho các phương tiện truyền thông.
Thời báo Hoàn Cầu cũng là một cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, không lẽ là trường hợp đặc biệt do ai đó chống lưng, nên có quyền nói khác phần còn lại của truyền thông nhà nước Trung Quốc?
Hay tờ báo này còn đang âm thầm thực hiện một “sứ mệnh chính trị” nào khác?
Tờ báo này nói đúng ở chỗ, THAAD là một mâu thuẫn và xung đột quốc tế bình thường.
Thế thì hãy xử lý nó một cách bình thường thông qua các chế tài đối ngoại, đàm phán và các giải pháp văn minh, phi bạo lực.
Từ thời phong kiến, hai nước giao tranh còn không giết sứ giả, huống hồ thời đại văn minh, tại sao lại dùng doanh nghiệp làm vật tế thần cho các vấn đề, mâu thuẫn chính trị?
Thực hiện lời kêu gọi của Thời báo Hoàn Cầu hay không là quyền của mỗi người dân Trung Quốc. Có tiếp tục sử dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan làm vũ khí ngoại giao hay không, phụ thuộc vào lựa chọn của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Nhưng dân gian vẫn nói, trạng chết chúa cũng băng hà.
Trong thế giới văn minh, nước nào bóp chết các doanh nghiệp nước ngoài mang đến công ăn việc làm, góp phần tăng trưởng kinh tế cho mình hòng uy hiếp đối thủ nhượng bộ về chính trị, sẽ là một hình thức tự sát, chí ít cũng là tự hủy hoại uy tín, danh dự của mình trong quan hệ quốc tế.