Malaysia không công nhận yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo Today Online, trả lời trước Quốc hội nước này khi được hỏi về quan điểm của chính phủ Malaysia trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho biết Malaysia và các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, không công nhận “đường 9 đoạn” vì yêu sách này của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Cũng theo giải thích của Ngoại trưởng Malaysia, nước này có quan điểm là không tồn tại việc chồng lấn tuyên bố hay tranh chấp lãnh thổ giữa Malaysia và Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông Anifah, tất cả các cấu trúc địa lý
Nhận xét về sự hiện diện của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông, ông Anifah cho hay sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới không bao gồm các khu vực biển của Malaysia.
“Do đó, theo tôi hiểu, điều này không tạo ra tác động trực tiếp tới lợi ích (quốc gia) hay an ninh quốc gia”, ông Anifah khẳng định.
Tuy nhiên, ông Anifah cho rằng, hành động của Trung Quốc có khả năng làm gia tăng căng thẳng khu vực và thay đổi cấu trúc địa lý ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Anifah cũng khẳng định: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ không bao giờ thỏa hiệp với các vấn đề có thể ảnh hưởng đển sức mạnh lãnh thổ và chủ quyền quốc gia”.
Trung Quốc tuyên bố bãi ngầm James ở Biển Đông là lãnh thổ cực nam của nước này. Bãi ngầm James cách thành phố Bintulu của Malaysia chỉ 80 km về phía tây bắc, trong khi cách đất liền Trung Quốc tới 1.800 km.
Hồi tháng 1/2014, Tân Hoa xã đưa tin 2 khu trục hạm và một tàu đổ bộ Trung Quốc trở lại bãi ngầm James để tiến hành tập trận và tổ chức lễ tuyên thệ. Tuy nhiên, Tư lệnh hải quân Malaysia Abdul Aziz Jaafar đã bác bỏ thông tin đó, nói rằng cuộc tập trận của Trung Quốc diễn ra ở vùng biển quốc tế và cách xa bãi ngầm James hàng trăm dặm về phía bắc.
Bên cạnh đó, hồi tháng 3/2016, có tin cho biết 100 tàu cá và tàu của lực lượng hải giám Trung Quốc bị phát hiện xâm phạm vùng biển của Malaysia. Sau đó, Bộ Ngoại giao Malaysia đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại nước này là ông Huang Huikang tới để xác nhận thông tin và bày tỏ quan ngại của Kuala Lumpur trong vụ việc này.
Trung Quốc, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền các khu vực ở Biển Đông. Những tuyên bố chủ quyền về các khu vực chồng lấn này đã dẫn tới việc các bên ký DOC vào năm 2002 và mở đường cho việc đàm phán COC, bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra va chạm.