Trong chuyến công du Bắc Kinh cuối tuần qua, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã xác định lập trường của Mỹ khi tiếp xúc Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức ngoại giao Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Rex W. Tillerson (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh hôm Chủ nhật, 19/3 (Ảnh: Lintao Zhang)
Ngoại trưởng Mỹ “nói theo cách của Trung Quốc”
Tờ Tin tức tham khảo (Trung Quốc) ngày 21/3 đưa tin, Ngoại trưởng Tillerson khẳng định tại Bắc Kinh rằng nước Mỹ sẵn sàng phát triển quan hệ với Trung Quốc trên tinh thần “không xung đột; không đối đầu; tôn trọng lẫn nhau; hợp tác cùng thắng lợi”.
4 tinh thần mà ông Tillerson đề cập nhanh chóng được chỉ ra là các nội dung cơ bản trong mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới” giữa Mỹ-Trung mà Bắc Kinh khởi xướng và thúc đẩy từ năm 2012, nhưng sau đó bị chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obamam phớt lờ.
Theo Tin tức tham khảo, cách nói rất rõ ràng của ông Tillerson là một tín hiệu tích cực về chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, phát biểu của tân Ngoại trưởng Mỹ vấp phải phản ứng mạnh trong nước từ truyền thông và giới nghiên cứu về Trung Quốc.
Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Mỹ và Chiến lược (CSIS), một chuyên gia về Trung Quốc, bình luận trên Twitter rằng “Tillerson trên thực tế đã công nhận mô hình ‘quan hệ nước lớn kiểu mới’ do Trung Quốc đề ra”.
“Đó là một sai lầm lớn,” bà viết.
Trong khi đó, báo Washington Post đăng bài phân tích với tiêu đề “Trong lần ra mắt ở Trung Quốc, Tillerson đã trao cho Bắc Kinh một thắng lợi ngoại giao”.
Tờ Daily Caller thì đặt nghi vấn “Có phải Tillerson đã rơi vào cái bẫy ngoại giao của Trung Quốc?”
Theo tờ này, nhiều khả năng tuyên bố của Tillerson là để đáp lại việc Trung Quốc đã nhượng bộ Mỹ trong các cuộc đàm phán kín, có thể là về vấn đề Triều Tiên hoặc thương mại. Hiện chưa rõ Ngoại trưởng Mỹ “đã rơi vào cái bẫy ngoại giao hay cố tình bước vào đó” để đổi lại những nhượng bộ khác trong các lĩnh vực quan trọng với lợi ích của Mỹ.
Ely Ratner, từng là phó Cố vấn an ninh quốc gia của cựu Phó tổng thống Joe Biden, cho rằng thái độ của Tillerson sẽ cho phép Bắc Kinh cứng rắn hơn trong đối ngoại và làm dấy lên mối lo ngại của các đối tác ở châu Á vào vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Cụm từ “tôn trọng lẫn nhau” mà Tilerson nói với phía Trung Quốc được cho là chi tiết gây tranh cãi. Theo bà Glaser, điều này có nghĩa Mỹ thể hiện sự chấp nhận “trích dẫn những vấn đề mà Trung Quốc coi là không thể thỏa hiệp”. Với Bắc Kinh, nó có nghĩa rằng hai nước sẽ tôn trọng “lợi ích cốt lõi” của nhau.
Trung Quốc chưa tin tuyên bố của Tillerson
Học giả Lý Thần từ Viện nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc gia, thuộc Đại học nhân dân Trung Quốc, nhận định chính quyền Obama không muốn tiếp cận Bắc Kinh theo “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” bởi họ rất chú trọng giá trị của tiếng nói ngoại giao, nghĩa là không để Trung Quốc nắm quyền chủ động định nghĩa lại quan hệ song phương.
Theo ông Lý, Washington lo ngại việc chấp nhận cơ sở “tôn trọng lẫn nhau” do Trung Quốc đề ra sẽ gây xung đột với các mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, bao gồm duy trì khối đồng minh vững chắc.
“Chính quyền Trump nhấn mạnh ‘hướng đến hiệu quả’ trong quan hệ với Trung Quốc, trong khi sức nặng của phát ngôn chỉ là nghị trình thứ yếu. Hiện nay Mỹ rất cần sự hợp tác và ủng hộ của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay thương mại… Việc làm mờ nhạt bớt các phát ngôn, thay vào đó là mưu cầu lợi ích thực, sẽ phù hợp với việc hướng về hiệu quả thực tế,” ông Lý nói.
Có khả năng, Trump và Tillerson có nhận thức khác về tuyên bố “tôn trọng lẫn nhau” với Bắc Kinh và cho rằng cam kết này không có mâu thuẫn với các chính sách khác của Mỹ. Ví dụ, ông Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tái khẳng định Mỹ ủng hộ Nhật trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư; hay ông Tillerson cũng không thay đổi lập trường về triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.
Lý Thần phân tích, diễn biến các vấn đề nóng ở châu Á sẽ liên tục thách thức chính sách với Trung Quốc vừa được định hình qua chuyến công du của Tillerson, và do đó Bắc Kinh dù hoan nghênh thái độ tích cực vừa qua nhưng vẫn phải “mở to hai mắt” để quan sát hành động thực tế của Mỹ.
“Không ai ấu trĩ để cho rằng vài câu nói của Tillerson thì quan hệ Mỹ-Trung đã hết vấn đề. Do niềm tin giữa hai bên chưa đủ, cùng với nhiều kinh nghiệm đối đầu phức tạp trong lịch sử, khiến cho phát ngôn ‘ôn hòa và tích cực’ của Tillerson còn cần phải được kiểm chứng qua thời gian,” ông Lý bình luận.
Bên cạnh đó, còn nhiều vị trí trong nhóm phụ trách chính sách đối ngoại của Trump vẫn chưa được bổ nhiệm. Chiến lược của Mỹ ở châu Á, cụ thể là với Trung Quốc, vẫn trong giai đoạn định hình.
Chuyên gia về các vấn đề quốc tế ở Đại học tài chính kinh tế chính pháp Trung Nam (Trung Quốc), ông Trần Phi cho rằng sự “linh hoạt” của chính quyền Trump rất nổi trội so với chính quyền tiền nhiệm khi tích cực hơn trong việc tạo dựng môi trường hợp tác, tìm ra “mẫu số chung” cho quan hệ song phương.
Giám đốc phòng Hoa Kỳ thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc Đạt Nguy thì cho rằng Bắc Kinh cần tỉnh táo và đề phòng khả năng phát ngôn của Tillerson chỉ là “tiểu xảo đàm phán” của Mỹ.
“Chính phủ Trung Quốc giữ thái độ cởi mở, sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới ở Mỹ, nhưng đồng thời cần sẵn sàng cho cuộc đối đầu khó khăn, ứng phó các kịch bản có thể xảy ra,” ông Đạt nhận xét.