Monday, January 13, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 23/03

Bản tin Biển Đông ngày 23/03

Bản tin Biển Đông ngày 23/03/2017.

Hải quân Nhật Bản giới thiệu tàu sân bay trực thăng Kaga nhằm ngăn chặn mưu đồ bành trướng của Trung Quốc ở Châu Á

Tờ The Economic Times đưa tin, ngày 22/3, tàu sân bay trực thăng lớn thứ hai của Nhật Bản – Kaga – đã đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi hơn để triển khai hoạt động ngoài khơi của quân đội Nhật Bản nhằm ngăn chặn mưu đồ bành trướng của Trung Quốc ở Châu Á. Tại một buổi lễ với sự tham dự của hơn 500 người, ông Takayuki Kobayashi, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cảnh báo “Trung Quốc đang ráo riết thay đổi tình hình ở Biển Đông bằng các căn cứ và những hành động gây sức ép nhằm thay đổi hiện trạng, làm gia tăng quan ngại về an ninh trong cộng đồng quốc tế”. Các chỉ huy thuộc Lực lượng Phòng vệ biển (MSDF) của Nhật Bản đã tiếp nhận con tàu sân bay dài 248 m này tại xưởng đóng tàu của tập đoàn Japan Marine United ở Yokohama, gần Tokyo. Tàu sân bay trực thăng Kaga được neo cạnh tàu sân bay trực thăng đầu tiên Izumo.Việc bổ sung tàu Kaga cũng cho thấy rằng Nhật Bản có thể sẽ đẩy mạnh các hoạt động ngoài khơi thường xuyên hơn trong tương lai.

Bộ Ngoại giao Philippines: Philippines đang chờ Trung QUốc làm rõ thông tin về vấn đề bãi cạn Scarborough trước khi có bất cứ động thái nào

Ngày 22/3, hãng CNN Philippines cho biết Chính phủ Philippines sẽ không có bất cứ động thái nào trước việc Trung Quốc xây dựng trên bãi cạn Scarborough cho đến khi Chính phủ Trung Quốc đưa ra giải thích chính thức từ phía mình. Trong cuộc họp báo tại Bangkok, Thái Lan, ông Enrique Manalo, Quyền Ngoại trưởng Philippines phát biểu rằng “Philippines đang chờ phản hồi của Trung Quốc trước khi cân nhắc cần phải làm gì tiếp…”. Ông Manalo cho hay Chính phủ Philippines “đang tiếp tục duy trì cơ chế theo dõi thường xuyên và sát sao” đối với bãi cạn Scarborough. Bên cạnh đó, ông Manalo tiết lộ Trung Quốc sẽ có cuộc gặp với các quốc gia ASEAN để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh “mục đích của Bộ Quy tắc là để xem quản lý các tranh chấp một cách thận trọng, ngăn ngừa việc làm gia tăng quan ngại, leo thang căng thẳng”.

Malaysia tăng cường chi tiêu quân sự trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông

Hãng UPI đưa tin, ngày 22/3, báo The Star và một số nguồn tin địa phương của Malaysia cho biết Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết Chính phủ Malaysia đang lên kế hoạch phân bổ 5,87 tỉ đô-la nhằm đẩy mạnh quốc phòng. Ông Najib khẳng định, quốc phòng và an ninh có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của Malaysia đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cấp các trang thiết bị quân sự dù ngân sách quốc phòng đang bị giảm đi 12,7 % do suy thoái kinh tế. Theo các nguồn tin, chương trình hiện đại hoá của Hải quân Hoàng gia Malaysia, hay còn gọi là “15 đến 5” sẽ được đặt lên ưu tiên hàng đầu, bao gồm các kế hoạch tái cơ cấu triển khai 15 nhóm tàu, bao gồm tàu tác chiến van biển, tàu tuần tra ngoài khơi, tàu công vụ ven biển, tàu hậu cần đa nhiệm và năm loại tàu ngầm.

Trung Quốc chối bỏ tin xây trạm quan sát ở bãi cạn Scarborough

Ngày 22/3, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã chối bỏ thông tin về việc xây dựng trạm quan sát trên bãi cạn Scarborough ở Biển Đông và cương quyết bảo vệ lập trường của nước này đối với bãi cạn, dù thông tin này đã được đăng tải trên tờ Hải Nam Nhật báo.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã cảnh báo Bắc Kinh cần cân nhắc giữa việc xây dựng trên các vùng biển tranh chấp với nguy cơ làm tổn hại mối quan hệ với Manila. Ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore dự đoán việc xây dựng trạm quan sát sẽ gây hoài nghi cho Philippines vì trạm này có thể sẽ là “một mũi tên trúng hai con chim”, “dữ liệu về độ mặn của nước biển và các điều kiện khí quyển ở biển không chỉ nhằm phục vụ nghiên cứu mà còn có thể sử dụng để chuẩn bị và triển khai các hoạt động quân sự”. Ông Dai Fan, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á, Đại học Jinan, Quảng Châu cho rằng “quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines mới chỉ khởi sắc nhưng chưa thật sự ổn định”, do đó “Bắc Kinh cần phải hết sức thận trọng về lời nói và hành động của mình”.

Đồng minh thân cận của Tổng thống Duterte khẳng định không có chuyện Philippines không thể ngăn cản Trung Quốc

Ngày 22/3, hãng ABS-CBN đưa tin, Thượng Nghị sỹ Sherwin Gatchalian, đồng minh thân cận của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang kêu gọi Tổng thống thay đổi cách tiếp cận “dễ dãi” khi giải quyết vấn đề Biển Đông, sau khi ông Duterte bị chỉ trích vì phát biểu “không ngăn được Trung Quốc biến đổi bãi cạn Scarborough”. Ông Gatchalian cho rằng “không phải Philippines không thể ngăn chặn Trung Quốc. Philippines vẫn có nhiều lựa chọn ngoại giao và pháp lý và tận dụng tất cả các giải pháp này để bảo vệ lãnh thổ Philippines khỏi sự xâm lược từ bên ngoài”. Ông cũng khẳng định “Philippines sẽ không bao giờ cho phép ai chèn ép mình, dù kẻ đó có lớn và quyền lực thế nào đi chăng nữa”. Ông Gatchalian đề xuất Tổng thống cũng cần nêu cao chiến thắng pháp lý của Philippines, “công cụ Philippines có thể sử dụng để thúc đẩy các quyền chủ quyền của mình ở Biển Đông” trong bối cảnh Bắc Kinh đang ráo riết đẩy nhanh quá trình thâu tóm của mình ở khu vực. Ông cho rằng “Philippines có nghĩa vụ nêu cao Phán quyết và có động thái trước các thể chế pháp lý quốc tế để phản đối mọi hành động xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Trước đó, ngày 19/3, phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Duterte cho rằng Philippines không thể buộc Trung Quốc dừng việc xây dựng và phát động chiến tranh chống Trung Quốc do “sẽ phải chịu nhiều mất mát hơn là chỉ đánh mất yêu sách chủ quyền đối với khu vực tranh chấp”, Philippines có thể sẽ trở thành “một quốc gia bị hủy diệt”.

RELATED ARTICLES

Tin mới