Nếu Hà Nội không muốn sống chung cảnh ngập úng như TP.HCM thì phải có định hướng quy hoạch cụ thể, thận trọng…
Sông Hồng mùa nước cạn.
Xung quanh sự ồn ào về câu chuyện mời đơn vị tư vấn thiết kế hai bên sông Hồng của Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Anh Trí ĐBQH đoàn Hà Nội, cho rằng không thể thích ai là mời làm.
Nhân dân họ phản ứng lắm
Ông nói rõ, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng là quy hoạch cả một vùng rộng lớn với tổng vốn đầu tư có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nó khác hoàn toàn với việc quy hoạch một căn nhà hay một khu chung cư. Do đó, vấn đề ở đây không chỉ đơn giản là thấy bạn bè hay người quen biết thiết kế nhà một chút là có thể nhờ vả, mời tham gia.
“Không phải cứ thích ai là gọi người đó làm. Không thể làm như vậy được”, vị ĐBQH đoàn Hà Nội nhắc lại.
Theo đó, ông Trí cho rằng Hà Nội nên tổ chức thi tuyển, đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn cho được đơn vị tư vấn có đủ điều kiện, đủ năng lực để thực hiện dự án đó.
Trong quá trình tổ chức đấu thầu Hà Nội phải thực hiện thật tốt ngay từ khâu chuẩn bị tổ chức. Đầu tiên là phải xác định được mục tiêu, mục đích, phải biết được mình muốn gì và muốn nó ra như thế nào? Từ việc xác định được mục tiêu, mục đích rồi thì mới đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để đạt được mục tiêu, mục đích đó. Những tiêu chí, tiêu chuẩn đó phải được lấy ý kiến rộng rãi từ phía các cơ quan chuyên môn, phía các hội đồng thẩm định, và phải được sự thông qua của các cấp lãnh đạo thành phố.
Việc xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể chính là mục tiêu để lựa chọn ra đơn vị tư vấn có tiềm năng, có năng lực cả về chuyên môn và năng lực tầm nhìn.
“Tôi đặc biệt nhấn mạnh yếu tố năng lực tầm nhìn của nhà tư vấn, vì một dự án quy hoạch viết ra không phải chỉ để dành cho 10 năm, 20 năm mà nó còn tồn tại tới cả hàng trăm năm sau nữa”, vị đại biểu nói.
Đề cập tới sự tham gia của nhà tư vấn Trung Quốc, ông Trí cho hay, đối với bất kỳ nhà thầu nào dù là Trung Quốc, Mỹ hay Nhật thì khâu tổ chức, thực hiện đấu thầu phải thật công khai, minh bạch, công bằng và trách nhiệm. Nhất là trong quá trình thẩm định, đánh giá, lựa chọn nhà tư vấn.
Như vậy, về bản chất lựa chọn nhà tư vấn nào cũng không quan trọng bằng việc có chọn được nhà tư vấn thật sự xuất sắc và có tầm nhìn hay không.
Việc dư luận phản ứng mạnh mẽ mấy ngày qua, theo ông Trí là có liên quan tới sự góp mặt của nhà tư vấn là Viện Thiết kế và quy hoạch thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.
“Người dân phản ứng ghê lắm. Họ phản ứng vì lo ngại sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn, an nguy của cả khu vực vùng hạ lưu nằm dọc hai bên bờ sông Hồng. Họ lo ngại vì đã có quá nhiều những vấn đề trục trặc đã xảy ra với các dự án của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu…”, ông Trí nói.
Theo đó, vị ĐBQH đoàn Hà Nội cho rằng Hà Nội nên cân nhắc lựa chọn một nhà thầu thật sự giỏi, có tầm nhìn xa tham gia vào dự án sẽ tạo được tâm lý yên tâm hơn. Có thể điểm mặt một số nhà thầu ở các nước như Mỹ, Nhật, Úc đều được đánh giá là những đơn vị có uy tín, có năng lực.
“Viện tôi xây dựng có sự tham gia của nhà thầu Úc, chúng tôi nhận thấy ngay sự khác biệt từ về chất lượng và cả tầm nhìn”, ông Trí chia sẻ.
Tuy nhiên, ông đặc biệt lưu ý tình trạng mời nhà đầu tư là những doanh nghiệp xây dựng tham gia thực hiện các quy hoạch.
“Tôi nghe cử tri, dư luận phản ánh nhiều, họ không hài lòng với nhiều dự án quy hoạch được giao cho các chủ đầu tư là những doanh nghiệp xây dựng. Họ có nói với tôi, giao cho họ quy hoạch rồi lại giao luôn cho họ xây dựng thì không khác nào tự vẽ, tự làm, “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, như vậy cũng không thể minh bạch được ngay từ khâu quản lý đất đai cho tới khâu đầu tư vốn rồi…”, ông Trí nói.
Chốt lại vấn đề, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng việc thiết kế, quy hoạch sông Hồng là rất cần thiết, tuy nhiên, Hà Nội phải thận trọng, cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng để tránh những hệ lụy về sau.
Không nên giao tư nhân thực hiện
ĐBQH Trần Văn Tiến – đoàn Vĩnh Phúc thì cho rằng, dự án quy hoạch hai bên sông Hồng không thể giao cho tư nhân, mà phải là Hà Nội đứng ra làm dưới sự tham mưu của các cơ quan bộ, ban ngành từ trung ương tới địa phương.
Hơn nữa, đối với một dự án có vai trò rất quan trọng cả về quy hoạch, cảnh quan lẫn cả mục tiêu chính trị xã hội như vậy mà lại giao giao cho một đơn vị tư nhân đứng ra làm sẽ không tránh khỏi những nghi ngại về “lợi ích nhóm” đằng sau dự án này.
Giải thích rõ hơn, ông Tiến nói, dự án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng khác với những dự án quy hoạch thông thường khác vì nó còn liên quan tới nhiều vấn đề khác. Đặc biệt là vai trò thoát lũ. Vì vậy, nếu giao cho tư nhân làm họ sẽ phải đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trước và như vậy rất khó có thể đảm bảo được lợi ích chung, lợi ích xã hội. Cũng không loại trừ những thỏa thuận, trao đổi khác, kể cả việc định hướng quy hoạch theo hướng phục vụ lợi ích của doanh nghiệp. Sự ồn ào của dư luận có một phần từ lý do đó.
“Nếu Hà Nội không muốn sống chung cảnh ngập úng như TP.HCM thì phải có định hướng quy hoạch cụ thể, thận trọng và phải có sự tham gia của các cơ quan quản lý trung ương. Hà Nội cũng không nên vội, cần chờ đợi Luật quy hoạch ra đời hãy làm cũng chưa muộn”, vị đại biểu đoàn Vĩnh Phúc nhấn mạnh.