Trước ông Tillerson, đại diện chính phủ Mỹ không loại trừ biện pháp quân sự, nhưng không nói rõ và mạnh như thế, cũng chưa từng đề cập đến khả năng đánh đòn phủ đầu Triều Tiên.
Tên lửa Triều Tiên đồng loạt rời bệ phóng.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc, Triều Tiên lại vừa phóng tên lửa, nhưng vụ thử này thất bại. Dù có đúng như thế thì đó chỉ là thất bại về phương diện công nghệ và kỹ thuật tên lửa chứ ý nghĩa và tác động chính trị của nó không phải không có.
Vụ thử động cơ tên lửa mới và vụ phóng tên lửa này là phản ứng của Triều Tiên về những chuyển biến mới trong các mối quan hệ song phương giữa các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc kể từ sau khi Triều Tiên phóng đồng thời 4 quả tên lửa về phía Nhật Bản.
Thông điệp của Triều Tiên là dù các đối tác kia có cùng nhau làm gì thì Triều Tiên cũng sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, vẫn sẵn sàng leo thang đối đầu với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng không vì Trung Quốc điều chỉnh chính sách hay thay đổi thái độ mà nhượng bộ trong vấn đề tên lửa và hạt nhân.
Triều Tiên nhằm trước hết vào Mỹ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson thể hiện thái độ của chính quyền mới ở Mỹ cứng rắn chưa từng thấy đối với Triều Tiên, để ngỏ khả năng sử dụng biện pháp quân sự và cả đánh đòn phủ đầu. Trước ông Tillerson, đại diện chính phủ Mỹ không loại trừ biện pháp quân sự, nhưng không nói rõ và mạnh như thế, cũng chưa từng đề cập đến khả năng đánh đòn phủ đầu Triều Tiên.
Triều Tiên nhằm vào Trung Quốc khi thấy chính quyền mới ở Mỹ và Trung Quốc đã qua thời kỳ dò xét và thử nhau để chuyển sang giai đoạn tranh thủ lẫn nhau.
Triều Tiên cũng còn nhằm tác động vào cuộc bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc. Bình Nhưỡng phô trương tiềm lực quân sự và công nghệ cũng như thể hiện quyết tâm không nhượng bộ trong vấn đề tên lửa và hạt nhân vì đã nhận ra rằng chính quyền mới ở Mỹ không còn “kiên nhẫn chiến lược” nữa và đang tìm kiếm đối sách mới.
Qua chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như chuyến thăm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc của ông Tillerson, có thể nhận diện hình hài sơ bộ của đối sách mà chính quyền mới ở Mỹ áp dụng với Triều Tiên.
Đó là tăng cường liên minh quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời với tăng cường vũ trang ở khu vực – mà mới đây nhất là triển khai những khẩu đội đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc; cứng rắn và quyết liệt hơn đối với Triều Tiên bằng cảnh báo và răn đe; thuyết phục Trung Quốc gia tăng áp lực và siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thông qua LHQ hay song phương.
Nước cờ song phương trong ván cờ khu vực
Trong ván cờ chính trị an ninh khu vực mới này, Mỹ và Trung Quốc đều có những khó xử nhất định. Mỹ và Triều Tiên xô đẩy nhau vào vòng xoáy leo thang căng thẳng mới ở khu vực.
Với hệ thống THAAD, Mỹ có thể làm thay đổi tương quan lực lượng quân sự và cục diện chính trị an ninh ở khu vực. Triều Tiên sẽ đối phó và Trung Quốc có lý do để thật sự lo ngại. Cũng vì THAAD mà Hàn Quốc bị Trung Quốc tiến hành những biện pháp trừng phạt về kinh tế và thương mại. Vì thế, Mỹ phải tranh thủ Trung Quốc để Trung Quốc vừa găng thêm với Triều Tiên vừa dịu bớt với Hàn Quốc.
Trung Quốc bị Mỹ biến chuyện giữa Mỹ và Triều Tiên thành chuyện giữa Trung Quốc và Triều Tiên, bị ảnh hưởng an ninh thực sự bởi hệ thống THAAD. Căng thẳng, đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên càng gia tăng thì càng nguy hại cho Trung Quốc.
Cho nên Trung Quốc vừa đổ trách nhiệm sang cho Mỹ, vừa phê trách Triều Tiên nhưng đồng thời cũng tận dụng cơ hội để tranh thủ chính quyền mới ở Mỹ.
Trung Quốc tới đây với Triều Tiên như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ của Trung Quốc với chính quyền mới ở Mỹ ra sao. Trung Quốc trừng phạt Hàn Quốc nhằm vừa duy trì ảnh hưởng đối với Triều Tiên vừa thông qua Hàn Quốc gia tăng áp lực đối với Mỹ, để có thêm cái mặc cả với Mỹ.
Trung Quốc khuyến nghị Mỹ đối thoại trực tiếp với Triều Tiên để cho Triều Tiên thấy Trung Quốc không cùng hội cùng thuyền với Mỹ chứ thừa biết làm gì có chuyện Mỹ chấp nhận đề nghị ấy.
Ông Tillerson tung chiêu về đòn phủ đầu nhằm vào Triều Tiên cũng còn để gia tăng áp lực chính trị với Trung Quốc chứ làm gì có chuyện đó bởi ở khu vực này và với Triều Tiên, Mỹ không dám hành động như thế. Những nước cờ song phương hiện đang xoay vần ván cờ chính trị an ninh và quan hệ quốc tế ở khu vực này.