Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhát dao đâm vào "trái tim của nền dân chủ" và cơn...

Nhát dao đâm vào “trái tim của nền dân chủ” và cơn ớn lạnh ở nước Anh

Mức độ và quy mô vụ khủng bố hôm 22.3 trước nhà Quốc hội Anh không bằng vụ khủng bố cách đây 12 năm, nhưng tác động chính trị và tâm lý của nó lại nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Kể từ sau vụ khủng bố ngày 7.7.2005, thủ đô London nói riêng và mọi nơi khác ở nước Anh nói chung luôn phải tính đến khả năng lại bị tấn công. Đảo quốc này đã tốn rất nhiều công, chi rất nhiều tiền để ngăn ngừa nguy cơ khủng bố.

Theo Scotland Yard, chỉ riêng trong 4 năm qua đã có 13 âm mưu khủng bố bị phát giác và ngăn chặn. Vậy mà vụ tấn công ngày 22.3 vừa qua ở khu trung tâm chính trị quyền lực giữa thủ đô London vẫn gây bất ngờ.

Mọi so sánh luôn khập khiễng. Dù vậy ở đây vẫn phải nói rằng mức độ và quy mô khủng bố không bằng vụ khủng bố cách đây 12 năm, nhưng tác động chính trị và tâm lý của nó lại lớn hơn và nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nó nhằm thẳng vào nơi được coi là “Trái tim của nền dân chủ” ở nước Anh.

Có thể chỉ tình cờ, nhưng cũng có thể là chủ ý, nó xảy ra đúng vào thời điểm Bỉ tưởng niệm những nạn nhân của vụ khủng bố cách đó một năm, ở Mỹ diễn ra hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của 68 nước thành viên trong liên minh do Mỹ thành lập tiến hành chiến tranh với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Sỷia, lại chỉ 1 tuần trước thời điểm Thủ tướng Anh Theresa May chính thức đề nghị EU áp dụng Điều 50 trong Hiệp ước về EU để khởi động tiến trình nước Anh rút ra khỏi EU (Brexit).

Trong số những nguyên do khiến đa số (dù chỉ mong manh) cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ngày 23.6 năm ngoái bỏ phiếu ủng hộ Brexit có lý do lo ngại về bị tấn công khủng bố do các phần tử và tổ chức Hồi giáo cực đoan. Họ cho rằng tách khỏi EU thì sẽ được an toàn và yên tâm hơn trước nguy cơ này.

Tây Ban Nha, Anh, Bỉ, Pháp, Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ…, châu Âu đã từ khá lâu rồi không còn được “miễn trừ” trước khủng bố nữa. Cụm từ “tấn công khủng bố” vẫn là khái niệm cũ, nhưng mối nguy hiểm đi cùng lại khác trước rất cơ bản.

Khủng bố đã làm thay đổi rất rõ rệt chính trị và luật pháp, hoạt động của xã hội và cuộc sống của người dân ở châu Âu. Điều rõ ràng là các nước ở châu Âu có thể phòng ngừa và giảm thiểu được nguy cơ bị tấn công khủng bố, nhưng không loại trừ được hoàn toàn nguy cơ này. Khủng bố trở lại với London sau 12 năm là bằng chứng mới nhất.

Cái nguy hiểm mới dưới danh cũ là kẻ khủng bố dùng ít người và công cụ thô sơ mà vẫn gây ra tác hại lớn. Một chiếc ô tô con và con dao thay thế cho máy bay hay xe tải, thuốc nổ hay súng đạn. Một con sói đơn độc thay cho đội quân nhiều người. Một phần tử sinh ra và lớn lên ở các nước châu Âu và tự cực đoan hoá tại chỗ thay thế cho kẻ khủng bố từ bên ngoài thâm nhập vào.

Ở thời thịnh trị của Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh thì việc tiếp cận và bị tiêm nhiễm những ý thức hệ bạo lực cực đoan để trở thành phần tử khủng bố đâu có khó khăn gì.

Các cơ quan an ninh và cảnh sát Anh dù đã được đầu tư rất nhiều về nhân lực và vật lực nhưng chắc chắn không thể kiểm soát được tất cả những kẻ bị nghi là phần tử khủng bố. Thủ phạm khủng bố ngày 22.3 vừa qua đâu có lạ lẫm gì đối với các cơ quan an ninh của Anh. Ở Anh và khắp châu Âu hiện có biết bao những “quả bom khủng bố nổ chậm” như thế.

Sự trở lại của khủng bố làm cho chuyện Brexit thêm thời sự và nhạy cảm về chính trị nội bộ ở Anh và về đối ngoại giữa Anh và EU. Nó sẽ làm cho nội bộ chính trường và xã hội nước Anh thêm phân hoá vì càng khó biết được liệu Brexit sẽ giúp đất nước này an toàn hơn hay dễ bị tổn thương hơn bởi khủng bố.

Nó cũng sẽ buộc chính phủ Anh và EU phải vất vả hơn trong đàm phán về Brexit bởi thật ra an ninh của nước Anh không thể tách rời an ninh của EU và ngược lại. Ở London, nước Anh và châu Âu, cuộc sống vẫn phải tiếp tục sau vụ tấn công và bất chấp nguy cơ khủng bố, nhưng nó đòi hỏi phải có quyết tâm mới, nỗ lực mới và biện pháp mới để chống khủng bố.

RELATED ARTICLES

Tin mới