Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ toan tính điều gì trong vụ "mớm tin" về Scarborough và...

TQ toan tính điều gì trong vụ “mớm tin” về Scarborough và COC?

Một ngày nào đó một công trình xây dựng mọc lên ở bãi cạn Scarborough, Manila có phản đối hay quốc tế lên án, thì Bắc Kinh sẽ bảo, đấy là lãnh thổ của họ.

Ngày 22/3, bà Hoa Xuân Oánh – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chủ trì họp báo hàng ngày đã lên tiếng về thông tin: Bắc Kinh chuẩn bị xây dựng một trạm quan trắc môi trường tại Scarborough trong năm 2017.

Trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, câu hỏi và câu trả lời của bà Hoa Xuân Oánh về Scarborough được thể hiện như sau:

– Hỏi: “Một quan chức của (cái gọi là) thành phố Tam Sa nói rằng, họ có kế hoạch xây dựng một trạm quan trắc môi trường trên Scarborough (trong câu hỏi, bãi cạn này được gọi là đảo Hoàng Nham). 

Bà có thể xác nhận thông tin này không? Philippines đã gửi yêu cầu chính thức (đến Trung Quốc đòi) làm rõ điều này. Câu trả lời của bà là gì?”

– Bà Hoa Xuân Oánh trả lời:

“Trung Quốc rất coi trọng việc bảo vệ môi trường, sinh thái biển trên Biển Đông. Điều này là chắc chắn. 

Chúng tôi đã kiểm tra (thông tin từ) các cơ quan có liên quan, và báo cáo gần đây về việc xây dựng một trạm quan trắc môi trường ở Scarborough (bà Oánh gọi là đảo Hoàng Nham) là sai. Không có chuyện như vậy.

Về Scarborough, lập trường của Trung Quốc là nhất quán và rõ ràng.

Trong khi đó Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ với Philippines, trân trọng đà quan hệ song phương hiện nay.

Chúng tôi sẽ vẫn cam kết theo đuổi một mối quan hệ phát triển ổn định và nhanh chóng giữa Trung Quốc với Philippines”. [1]

Trung Quốc chủ động “mớm tin” cho báo chí 

Hãng thông tấn AP ngày 17/3 cho biết, thông tin Trung Quốc sẽ xây dựng trạm quan trắc môi trường (bất hợp pháp) tại bãi cạn Scarborough được Tiêu Kiệt, người đứng đầu cái gọi là “thành phố Tam Sa” phát biểu trên tờ Nhật báo Hải Nam bản giấy ngày 13/3.

Sau đó đến ngày 17/3, thông tin này mới xuất hiện trên các phương tiện truyền thông ấn bản điện tử tại Bắc Kinh, AP lưu ý [2]. 

Xin nhắc lại rằng, ngày hôm sau 18/3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đặt chân đến Bắc Kinh. 

Và cũng chính ông Tillerson trong buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ đã từng nói, Mỹ phải phong tỏa các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa.

Bản tin của AP cũng nói rằng, ngoài thông tin trên không có chi tiết nào được cung cấp thêm. 

Trong khi Nhật báo Hải Nam bản giấy, tiếng Trung Quốc xuất bản hôm 13/3 đăng bài phỏng vấn Tiêu Kiệt được thực hiện ngày11/3 bên lề kỳ họp Quốc hội nói rằng:

Năm 2017 ngoài Scarborough, Trung Quốc còn xây dựng cơ sở hạ tầng (bất hợp pháp) trên 5 cấu trúc ở Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).

Ngày 14/3 tờ báo điện tử Người Quan Sát đăng lại nội dung phỏng vấn Tiêu Kiệt trên Nhật báo Hải Nam nói trên, trong đó đoạn nội dung nói rằng năm 2017 Trung Quốc sẽ xây dựng ở Scarborough và 5 cấu trúc ở Hoàng Sa được in đậm để nhấn mạnh.

5 cấu trúc địa lý Trung Quốc sẽ xây dựng ở Hoàng Sa gồm Đá Bông Bay thuộc cụm An Vĩnh; đảo Đá Bắc, Đá Lồi, Đá Chim Én và đảo Bạch Quy thuộc nhóm Lưỡi Liềm. [3]

Hãng thông tấn Reuters ngày 15/3 cũng đưa ra hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động chuẩn bị xây dựng một bến cảng trên đảo Đá Bắc. [4]

Tiêu Kiệt, một quan chức cấp huyện đứng đầu cái gọi là “thành phố Tam Sa”, ảnh: China News.

Cũng theo Tiêu Kiệt, Trung Quốc đã thành lập xong bộ máy chính quyền (bất hợp pháp) xuống từng đảo, từng cấu trúc, từ Hoàng Sa xuống 7 đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa, quản lý đến từng tàu cá.

Bên cạnh hệ thống chính quyền cơ sở, Trung Quốc cũng đã xây dựng hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, nhà máy xử lý rác…trên các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng (trái phép) ở Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). [3]

“Làm giá” với Mỹ, thăm dò phản ứng Philippines và Việt Nam

Đọc kỹ phần tuyên bố của bà Hoa Xuân Oánh bác thông tin Trung Quốc xây trạm quan trắc khi tượng ở Scarborough mà chúng tôi nêu ra ở phần đầu bài viết có thể thấy:

Thứ nhất, bà Oánh nói Trung Quốc rất coi trọng việc bảo vệ môi trường, sinh thái biển trên Biển Đông hoàn toàn trái với thực tế.

Bởi lẽ nước này đã hủy hoại toàn bộ các rặng san hô và môi trường sinh thái biển trên 7 cấu trúc họ xây đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa.

Thứ hai, bà chỉ bác bỏ thông tin “Trung Quốc sẽ xây trạm quan trắc môi trường ở Scarborough trong năm nay”. Điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không có hành động nào làm thay đổi diện mạo cấu trúc địa lý này.

Thứ ba, về bãi cạn Scarborough lập trường của Trung Quốc là nhất quán và rõ ràng. Câu này của bà Oánh rất nhiều ẩn ý, nhất quán và rõ ràng như thế nào?

Lập trường của Bắc Kinh với Scarborough là:

“Đảo Hoàng Nham là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc mà Trung Quốc đã thực thi chủ quyền, quyền tài phán một cách liên tục, hòa bình và hiệu quả.

Philippines có tham vọng lãnh thổ và cố gắng chiếm trái phép đảo Hoàng Nham của Trung Quốc”, trích một phần tuyên bố của Trung Quốc về lập trường với vụ kiện Biển Đông ngay sau ngày có Phán quyết Trọng tài, theo Tân Hoa Xã ngày 13/7/2016. [5]

Nói theo kiểu này, một ngày nào đó một công trình xây dựng mọc lên ở bãi cạn Scarborough, Manila có phản đối hay quốc tế lên án, thì Bắc Kinh sẽ bảo, đấy là lãnh thổ của họ, nên xây dựng trên lãnh thổ của mình là hợp tình, hợp lý và hợp pháp.

Điều này đã từng xảy ra và đã từng lặp lại, chứ không phải chưa có tiền lệ.

Trung Quốc tìm cách chiếm quyền kiểm soát đá Vành Khăn từ năm 1995 và bắt đầu xây dựng công sự trái phép ở đây từ năm 1998.

Khi hiện nguyên hình thành một pháo đài quân sự kiên cố, năm 2013 Trung Quốc chính thức cho binh lính đồn trú ở Vành Khăn cởi bỏ đồng phục kiểm ngư của Bộ Nông nghiệp, khoác đúng áo lính hải quân, thay đổi hoàn toàn các phiên hiệu đơn vị đóng quân trái phép tại đây. [6]

Hoặc theo dõi câu trả lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước chất vấn của truyền thông quốc tế về việc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa có thể rút ra quy luật:

Giai đoạn đầu người phát ngôn nói không biết thông tin hoặc phủ nhận việc xây đảo.

Giai đoạn hai người phát ngôn nói nước đôi, đó là “lãnh thổ chủ quyền không tranh cãi” của Trung Quốc và nước này có quyền làm gì thì làm.

Giai đoạn ba khi có đủ bằng chứng ảnh chụp từ vệ tinh, thông thường người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ nói, đó chỉ là các công trình dân sự, phục vụ mục đích công cộng.

Nếu nước ngoài phát hiện súng ống và tên lửa, thì nói đó chỉ là “phòng thủ cần thiết”. Thông thường đây là giai đoạn cuối của chiến dịch thay đổi diện mạo một cấu trúc địa lý ở Biển Đông và quân sự hóa chúng.

Như vậy có thể thấy, chờ thời cơ và tìm cớ, tạo cớ để xây dựng ở Scarborough sẽ là mục tiêu lâu dài và xuyên suốt của Bắc Kinh nhằm độc chiếm Biển Đông.

Thời điểm trước chuyến đi Bắc Kinh của ông Rex Tillerson, Bắc Kinh để một quan chức cấp huyện đứng ra phát biểu về xây dựng tại Scarborough cũng như Hoàng Sa, chỉ là đòn ngoại giao thăm dò thái độ Hoa Kỳ, cũng như thủ đoạn “nâng giá trước đàm phán”.

Có thể khi ông Rex Tillerson ngồi vào bàn hội đàm ở Trung Nam Hải, Bắc Kinh lại rút lại tuyên bố này và xem đó là một kiểu “nhượng bộ”, bởi Hoa Kỳ từng xác định Scarborough là giới hạn đỏ cấm Trung Quốc vượt qua ở Biển Đông.

Và đương nhiên khi Trung Quốc gọi động thái này là “nhượng bộ”, thì đối phương có thể cũng sẽ phải đối mặt với một yêu cầu “nhượng bộ” nào đó.

Tàu chiến Mỹ cũng đã thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Với Philippines, thông tin mà Tiêu Kiệt đưa ra sẽ kiểm tra thái độ và phản ứng của Nội các Tổng thống Rodrigo Duterte đối với bãi cạn này như thế nào, trên cơ sở đó sẽ tính tiếp. 

Trong bối cảnh cả hai bên đều muốn hòa hoãn, Manacanang thì mong giữ nguyên hiện trạng Scarborough, Trung Nam Hải thì tính kéo Philippines vào sâu hơn vòng ảnh hưởng của mình, cho Tiêu Kiệt ném đá dò đường, để thấy Manila mềm thì “nắn” tiếp, rắn thì tạm để đấy sau này tính.

Với Việt Nam, động thái Trung Quốc cho viên quan cấp huyện đứng ra tuyên bố sẽ xây dựng trên 5 cấu trúc ở quần đảo này trong năm nay, rất có thể họ sẽ làm trong thực tế.

Bởi thực tế Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp hoàn toàn quần đảo này từ năm 1974. Công trình xây dựng, cải tạo trái phép Trung Quốc tiến hành trên 5 cấu trúc ở Hoàng Sa là dân sự hay quân sự sẽ cần phải tìm hiểu thêm.

Nhưng rất có thể trong toan tính của Bắc Kinh, Hoàng Sa sẽ là bước đệm đầu tiên của ý tưởng con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, thống trị Biển Đông làm bàn đạp thống trị khu vực và toàn cầu.

Những hoạt động tăng cường đưa khách du lịch trái phép ra Hoàng Sa, tuyên bố phát triển du lịch bất hợp pháp xuống Trường Sa năm 2020 có thể cho thấy phần nào ý định này.

Tại sao chỉ mình Trung Quốc nhắc đến “tiến bộ” về COC?

Theo Tân Hoa Xã ngày 8/3, trong khi chủ trì cuộc họp báo bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc cùng ngày, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố: 

Cuối tháng Hai vừa qua, nhóm (chuyên gia) làm việc chung giữa Trung Quốc và ASEAN đã đạt được tiến bộ rõ rệt trong việc tham vấn và đưa ra dự thảo khung của bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (dự thảo khung COC). [7]

Thông báo này đi kèm một thông điệp với Hoa Kỳ mà Tiến sĩ Trần Công Trục đã có bài bình luận trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong phiên họp báo ngày 8/3. Ảnh: Reuters.

Nhưng điều đáng chú ý ở đây là, thông tin về một “dự thảo khung COC” chỉ được đưa ra từ phía Trung Quốc mà không quốc gia thành viên ASEAN nào chủ động đề cập đến nó như một thành tựu theo cách nói của Ngoại trưởng Vương Nghị.

Ngày 16/3, Quyền Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo lên tiếng giải thích với báo giới:

“Đây (dự thảo khung COC mà ông Nghị nhắc đến) không phải là dự thảo COC. Đó là dự thảo các khuôn khổ cho COC, đó chỉ là bản thảo đầu tiên. 

Tầm quan trọng của nó là, nếu chúng ta có được một bộ khung quy tắc ứng xử, đó sẽ là cơ sở tiến hành các cuộc đàm phán trên thực tế về quy tắc ứng xử sau đó”. [8]

Nói cách khác, vẫn chưa có tiến bộ nào đáng kể về COC, bởi lẽ như chúng tôi nhiều lần phân tích, vướng mắc lớn nhất của COC là phạm vi áp dụng quy tắc trên Biển Đông đến đâu.

Nếu trong phạm vi đường lưỡi bò thì không thể chấp nhận, vì đó là sự mặc nhiên thừa nhận yêu sách vô lý và phi pháp này. 

Nếu phạm vi áp dụng là các vùng biển tranh chấp do việc áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 thì Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 sẽ là một cơ sở quan trọng, liệu Trung Quốc có chấp nhận hay không? 

Bởi chấp nhận nó, tức là thừa nhận Phán quyết Trọng tài, điều mà cho tới hiện nay Bắc Kinh vẫn né tránh hoặc bác bỏ.

Trong khi Quyền Ngoại trưởng Philippines phủ nhận rằng, Phán quyết Trọng tài sẽ được xem xét trong quá trình làm việc về COC giữa ASEAN và Trung Quốc.

Hơn nữa, trong bản tin của Tân Hoa Xã, ông Vương Nghị vẫn dùng từ “tham vấn” thay vì “đàm phán”, tức Bắc Kinh vẫn chỉ nói chuyện chơi vậy thôi.

Xem ra Trung Quốc dường như vẫn chỉ muốn kéo dài thời gian chứ không thực tâm muốn có COC.

Vậy Trung Quốc chủ động và cố ý nhấn mạnh “dự thảo khung / khuôn khổ cho COC” như một thành quả là nhằm mục đích gì?

Theo cá nhân người viết, COC sẽ vẫn là con bài để Trung Quốc tìm cách lèo lái cục diện Biển Đông theo ý họ, một mặt hòa hoãn với Hoa Kỳ và các bên tranh chấp, mặt khác tiếp tục xúc tiến các thủ đoạn bành trướng mềm bằng con đường kinh tế, nghiên cứu khoa học…trên Biển Đông.

Do đó về đối ngoại, việc Trung Quốc chủ động tuyên truyền về “dự thảo khung” của COC như một thành tựu trong khi ASEAN không nói gì, là thủ thuật ngoại giao quen thuộc của họ nhằm “chiếm quyền phát ngôn” về Biển Đông.

Ông Nghị cũng đã thể hiện rõ điều này: Biển Đông vẫn hòa bình!

Khi ông Rex Tillerson đặt chân đến Bắc Kinh có phàn nàn hay gây sức ép, Trung Quốc lại lôi chuyện này ra nói: đấy, Biển Đông “vẫn ổn”. Rồi họ đổ tội cho Hoa Kỳ gây rối hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Còn về đối nội, tuyên bố như vậy giúp họ tuyên truyền cho dân chúng Trung Quốc rằng, Bắc Kinh đang giữ vững cái gọi là “trạng thái bình thường mới” được họ tạo ra bằng cách quân sự hóa Biển Đông.

Trên cơ sở đó họ thúc đẩy cái gọi là “sáng kiến một vành đai, một con đường” có thể được xem như thành tích chính trị của một vài nhà lãnh đạo Trung Quốc trước thềm Đại hội 19 sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới