Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao Pháp điều tàu Mistral đến châu Á-Thái Bình Dương?

Vì sao Pháp điều tàu Mistral đến châu Á-Thái Bình Dương?

Chuyên gia Nga đang nỗ lực giải đáp câu hỏi: “Vì sao Pháp phô diễn sức mạnh quân sự trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương?”

Tàu sân bay Pháp “cõng” máy bay Anh đi Thái Bình Dương tập trận

Theo tin từ Bộ quốc phòng Pháp, hải quân nước này sẽ điều tàu sân bay trực thăng Mistral tham gia cuộc tập trận với Mỹ và Nhật Bản gần đảo Tinian ở Thái Bình Dương. Trên đường tới tham gia cuộc tập trận chung với Mỹ, Mistral sẽ đi qua Biển Đông.

Tàu sân bay trực thăng lớp Mistral là một trong những tàu đổ bộ lớn nhất thế giới, có khả năng vận chuyển và triển khai 16 trực thăng NH90 hoặc Tiger, 4 xuồng đổ bộ, 70 phương tiện chiến đấu, trong đó có 13 xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc, hoặc một tiểu đoàn tăng Leclerc 40 chiếc, cùng 450 binh sĩ.

Pháp đã từng tích cực hiện diện trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và trực tiếp là Đông Nam Á. Nhưng, 63 năm trước đây, nước này đã buộc phải rút khỏi đây, sau thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các quan chức cao cấp của Pháp đã đưa ra những tuyên bố về ý định tăng cường sự hiện diện trong khu vực, bao gồm cả tham gia bảo vệ quyền tự do hàng hải ờ vùng Biển Đông. Điều này làm dấy lên câu hỏi là tại sao bây giờ Paris tỏ ý muốn này?

Trong bài bình luận dành cho Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho rằng, có vẻ như Liên minh châu Âu đang phô diễn mô hình hành vi tiêu biểu là thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề quốc tế bằng những “hoạt động sôi nổi” nhưng “không dựa trên bất kỳ khả năng thực tế nào”.

Mistral là tàu tốt nhất mà châu Âu có thể gửi đến vùng biển này. Anh hiện không có tàu sân bay, còn tàu sân bay thực thụ duy nhất của Pháp là “Charles de Gaulle” đang được sửa chữa sau chiến dịch quân sự ở Trung Đông. Do đó, Pháp cử tàu Mistral và “tiện đường” chở theo hai trực thăng chở quân của Anh.

Không thể phủ nhận là nếu đối phương là một đất nước nhỏ bé không sở hữu hạm đội mạnh mẽ, luôn sẵn sàng chiến đấu, thì tàu sân bay trực thăng Mistral là một tàu chiến có giá trị.

Nhưng nếu “đối thủ tiềm năng” là một cường quốc với những tham vọng lớn sở hữu hải quân đang mạnh lên từng ngày thì việc sử dụng tàu Mistral trong trận hải chiến có thể dẫn đến thất bại.

Trung Quốc đang đẩy mạnh tiến độ hoàn thiện tàu sân bay nội địa đầu tiên thuộc Type 001A dự kiến ra mắt trong nửa đầu năm nay, trong khi việc phát triển tàu sân bay thứ hai 002 cũng đang được chuẩn bị. Theo các chuyên gia, Bắc Kinh có thể đóng tới 6 tàu sân bay, trong đó sẽ có ít nhất là 2 tàu sân bay hạt nhân.

Nếu bùng nổ một cuộc xung đột nghiêm trọng trên biển thì tàu như Mistral không thể sống sót trong thực chiến. So với tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất, tàu sân bay trực thăng lớp Mistral có giá trị cực kỳ nhỏ.

Vì sao châu Ấu tăng cường can dự vào châu Á?

Đảo Tinian là một phần của quần đảo Bắc Mariana do Mỹ kiểm soát, nằm cách thủ đô Tokyo của Nhật khoảng 2.500 km về phía nam. Để tham dự cuộc tập trận ở quần đảo này, Hải quân Pháp sẽ điều động một trong ba tàu sân bay trực thăng lớp Mistral của mình.

Cuộc tập trận đổ bộ ở Tinian diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân biển xanh để vươn ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Động thái này không chỉ khiến Mỹ và Nhật lo ngại, bởi Pháp cũng đang kiểm soát một số hòn đảo ở khu vực này.

Theo các chuyên gia, mục đích của cuộc tập trận này là nhằm vào Trung Quốc. “Thay vì chỉ tập trận trên biển, cuộc tập trận đổ bộ này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc”, nguồn tin tuyên bố, đồng thời tiết lộ cuộc tập trận sẽ diễn ra vào tuần thứ hai và thứ ba của tháng 5.

Vị chuyên gia Nga nhấn mạnh rằng, cần phải chú ý đến việc, các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa các nước châu Á là rất phức tạp và có lịch sử lâu dài, tác động đến tình cảm dân tộc, và đôi khi có vẻ như không thể giải quyết nổi.

Những người không tham gia vào các cuộc xung đột đó nên biết ơn ông Trời vì mình có thể tránh xa được. Nhưng, tại sao Liên minh châu Âu thường xuyên tỏ ý can thiệp vào các tranh chấp và xung đột ở Thái Bình Dương?

Ông Vasily Kashin cho rằng, có hai lý do để giải thích điều đó.

Trước hết là EU phô trương tầm quan trọng của mình trong bối cảnh chính sách đối ngoại của châu Âu đã thất bại. Lý do thứ hai là EU hy vọng rằng, sự tham gia trong chiến lược của Mỹ “kiềm chế Trung Quốc” sẽ tác động tích cực đến sự hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực an ninh.

Sau “chiến tranh lạnh”, châu Âu phụ thuộc vào Hoa Kỳ về mặt quốc phòng, bởi vì quân đội các nước của Liên minh này đang trong thời kỳ suy thoái, không đủ sức đảm bảo an ninh của mình, bất kể đó là các cường quốc hàng đầu như Đức Pháp hay các quốc gia nhỏ bé khác.

Trong khi đó, xu hướng mới của Mỹ là muốn các đồng minh phải tự cáng đáng một phần ngân sách và thể hiện trách nhiệm của mình đối với các sự vụ trên thế giới.

Do đó, châu Âu sẽ phải chi rất nhiều tiền để tăng phần đóng góp cho ngân sách NATO, đồng thời cũng mất không ít cho sự hiện diện quân sự ở một khu vực xa xôi nào đó, vì họ hy vọng rằng nhờ đó họ sẽ nhận được “tình cảm đáp trả” từ phía Hoa Kỳ.

RELATED ARTICLES

Tin mới