Mọi mưu đồ chính trị sử dụng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi cho các hoạt động ngoại giao ngày càng trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh: Baidu.
Yan Gu, một nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trường Nghiên cứu quốc tế Henry M. Jackson, Đại học Washington đồng thời là một nữ nhà báo, biên tập viên của một công ty internet hàng đầu Trung Quốc Tencent (QQ News), ngày 25/3 có bài viết trên The Diplomat đặt câu hỏi:
Tại sao cộng đồng mạng Trung Quốc lại yêu thích Donald Trump?
Vấn đề được đặt ra trong bối cảnh cuộc họp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ diễn ra trong tháng Tư tới ở Florida. Các nhà quan sát bắt đầu dự đoán về những nội dung chính sẽ được đưa vào chương trình nghị sự cuộc họp này.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tới đây giữa 2 nhà lãnh đạo rất có thể sẽ bàn đến vấn đề Triều Tiên, Biển Đông và sự mất cân bằng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn thứ nhất, thứ hai thế giới.
Trump chỉ trích Trung Quốc, cư dân mạng nước này vẫn ủng hộ
Yan Gu viết: “Thật không dễ dàng gì để quên đi những lời chỉ trích mạnh mẽ của Trump nhằm vào Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử. Ông cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ và ăn cắp công ăn việc làm của người Mỹ.
Ông đe dọa sẽ áp đặt mức thuế 45% với hàng hóa Trung Quốc. Khi kết thúc cuộc bầu cử, chính sách của Trump với Trung Quốc phát triển theo hướng không thể đoán trước.
Cuộc điện đàm bất ngờ của Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan đã phá vỡ nguyên tắc ngoại giao, phát thông điệp lẫn lộn và kích hoạt rất nhiều rủi ro. Nó cũng dẫn đến một khiếu nại chính thức từ chính phủ Trung Quốc.
Sau đó, Trump giảm bớt căng thẳng bằng cách cam kết tôn trọng chính sách lâu dài “một nước Trung Quốc” trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong bối cảnh ấy, xu hướng chào đón Donald Trump từ cư dân mạng Trung Quốc gợi lên nhiều điều tò mò, hấp dẫn. Cả ở Mỹ và Trung Quốc, Trump được chú ý nhiều bởi hành vi không chính thống của ông kể từ khi tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên trong khi truyền thông Hoa Kỳ đánh đập ông Donald Trump tơi bời, công kích ông như một trò đùa thì các cuộc thảo luận trên truyền thông mạng xã hội Trung Quốc lại ghi nhận ông một cách nghiêm túc.
Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trên diễn đàn trực tuyến Zhihu, một trang web tự do đặt câu hỏi và tự do trả lời, khuyến khích chia sẻ ý kiến phổ biến ở Trung Quốc (tương tự Yahoo Answers), cư dân mạng Trung Quốc đã tranh luận khá sôi nổi những câu hỏi đại loại như: làm thế nào Donald Trump có thể trở thành Tổng thống Hoa Kỳ?
Sau khi ông trở thành Tổng thống đắc cử, cư dân mạng Trung Quốc tiếp tục thảo luận những câu hỏi như: Theo bạn, Trump sẽ điều hành nước Mỹ như thế nào? Chúng ta có thể học hỏi từ Trump những gì?…
Số lượng người theo dõi các chủ đề về Trump trên các diễn đàn trực tuyến Trung Quốc lớn gấp bảy lần số người theo dõi đối thủ của ông, bà Hillary Clinton.
Tất nhiên, sự chú ý này không (hoàn toàn) có nghĩa là ủng hộ. Nhưng cũng có một số lượng lớn cư dân mạng Trung Quốc đã công khai bày tỏ sự đánh giá cao và tôn trọng của họ đối với Donald Trump.
Trên Baidu Tieba hoặc Baidu Post Bar, một trong những cộng đồng trực tuyến nóng nhất ở Trung Quốc có những dòng trạng thái công khai ủng hộ Trump: “Đây là nơi dành cho những ai ủng hộ Trump”, với 653.524 ý kiến bình luận được viết.
Ngược lại, các dòng trạng thái ủng hộ bà Hillary Clinton chỉ bằng 1/3 con số này”.
Sự “hào phóng” bất thường
Yan Gu nhận định: “Sự hào phóng đáng kinh ngạc mà cư dân mạng Trung Quốc dành cho Donald Trump là một điều bất thường. Ví dụ như chuyện Trump thách thức chính sách “một nước Trung Quốc”.
Từ lâu, chính sách này không chỉ là nền tảng của quan hệ Trung – Mỹ, mà còn là một vấn đề nhạy cảm rất dễ động chạm tình cảm của công chúng Trung Quốc.
Đối với chính quyền Trung Quốc, (duy trì) chủ nghĩa dân tộc là một nguồn (đảm bảo tính) hợp pháp. Chính phủ luôn tuyên truyền rộng rãi và quản lý công luận bằng cách duy trì tính toàn vẹn lãnh thổ, ngăn chặn Đài Loan độc lập luôn luôn được nhấn mạnh.
Kết quả là bất cứ bài phát biểu nào đi ngược lại điều này luôn luôn châm ngòi cho những phản ứng của chủ nghĩa dân tộc và tức giận, tẩy chay trong cộng đồng cư dân mạng Trung Quốc.
Tuy nhiên họ đã không phản ứng một cách giận dữ khi Donald Trump có một số phát biểu chống Trung Quốc, và ngay cả khi ông điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Những lý do họ đưa ra để giải thích cho thái độ này của mình và tranh luận trên mạng: Trump chỉ đơn giản là chính trị gia thiếu kinh nghiệm, hoặc mỗi động thái của ông có thể là một tính toán chiến lược để thương lượng của một doanh nhân khôn ngoan.
Những người hâm mộ Donald Trump rất thích quan điểm thứ hai.
Với câu hỏi đặt ra trên Zhihu, những người ủng hộ Trump có hối hận sau khi ông tỏ ra cứng rắn trong chính sách với Trung Quốc hay không, đã có những câu trả lời đại loại như:
“Những gì ông ấy làm chính xác là những gì tôi mong đợi ông sẽ làm với tư cách Tổng thống Hoa Kỳ”.
Trong tâm trí những người này, Trump là người bảo vệ trung thành lợi ích của nước Mỹ và đó là điều rất đáng trân trọng, ngay cả khi nó đi ngược lại Trung Quốc.
Tại sao Trump nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cư dân mạng Trung Quốc như vậy? Tổng hợp những góc nhìn, bài viết hay dòng trạng thái về Trump trên mạng xã hội, có thể tìm ra 3 lý do.
Đầu tiên, không giống như sự sợ hãi của người Mỹ về phong cách độc đoán của Trump, cư dân mạng Trung Quốc đánh giá cao nó, hoặc ít nhất là không ghét ông ấy.
Thomas Jefferson (người viết bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ) đã từng nói đại ý, nhân dân bầu ra chính phủ mà họ thấy xứng đáng. Nhưng áp dụng câu nói này vào trường hợp Trung Quốc không hoàn toàn hợp lý.
Người dân Trung Quốc không lựa chọn chính phủ của họ, và dư luận Trung Quốc bị kiểm duyệt, chế tác, thậm chí là bịa đặt. Ngay cả khi công nhận những yếu tố này, vẫn có những trường hợp cá biệt thu hút nhất định ở Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực của mình một phần bằng cách nuôi dưỡng sự sùng bái cá nhân. Bài hát ca ngợi “Cha Tập và mẹ Bành” (tác giả bài hát này gọi ông Tập Cận Bình là cha, vợ ông – bà Bành Lệ Viện là mẹ) đã lan truyền trên mạng như một cơn lốc.
Tương tự như vậy, Donald Trump cũng có hai biệt danh nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc Baidu Tieba, một là “Trump Dad”, hai là “hoàng đế Trump”.
Thứ hai là sở thích bảo thủ của một số cư dân mạng Trung Quốc về các vấn đề nhất định, cũng như sự ác cảm của họ với chính trị truyền thống.
Điều thú vị là, Trung Quốc nổi tiếng với kiểm duyệt thông tin trên internet, nhưng không có lực lượng cảnh sát mạng để ngăn chặn những người bày tỏ ý kiến trái ngược về chính trị truyền thống.
Các dòng trạng thái về Trump trên mạng xã hội, người ta chưa bao giờ cố gắng che giấu thái độ phân biệt chủng tộc kỳ thị người Hồi giáo và người da đen của họ. Cụm từ “Hồi giáo cực đoan” và “khủng bố” được hoán đổi cho nhau.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thường bị gọi là “O-đen” hoặc “Obama-Donkey”.
Ở đất nước 90% dân số là người Hán, cư dân mạng Trung Quốc không có ý thức rõ ràng rằng, những phát biểu này của mình mang màu sắc phân biệt chủng tộc.
Bởi vì các chuẩn mực xã hội và chính trị khác nhau, họ không hiểu được những mặt tích cực của chính trị truyền thống, chỉ đơn giản nghĩ rằng nó là vô lý. Do đó Trump càng được ngưỡng mộ vì ông thẳng thắn và hay làm om sòm.
Cuối cùng, hình ảnh một tỷ phú thực dụng của Trump chắc chắn là lý do khiến ông có nhiều người hâm mộ ở Trung Quốc.
Tính thực dụng được người Trung Quốc đề cao nhất qua khẩu hiệu của Đặng Tiểu Bình: bất luận mèo trắng hay mèo đen, mèo nào bắt được chuột thì đó là mèo tốt.
Phép lạ của nền kinh tế Trung Quốc xảy ra dưới sự hướng dẫn của chủ nghĩa thực dụng nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình.
Đối với người Trung Quốc, khẩu hiệu “làm cho nước Mỹ mạnh trở lại” của Trump cũng giống như “giấc mộng Trung Hoa”, nó truyền cảm hứng và trong ý nghĩa này, Trump được xem như một người dũng cảm đối mặt với cuộc khủng hoảng thực sự của Hoa Kỳ.
Sau tất cả, sự nổi tiếng của Donald Trump trong cộng đồng mạng Trung Quốc nhiều hơn một sự tò mò, nó có thể gợi mở cho những người Mỹ vẫn đang băn khoăn không biết tại sao Trump thắng, để hiểu lý do nào khiến đồng bào mình bỏ phiếu cho ông ấy”.
Người viết cho rằng, bình luận của nhà báo Trung Quốc Yan Gu rất đáng chú ý và cũng khá thú vị.
Không riêng gì bà, một nhà báo Trung Quốc khác là ông Chúc Hoa Tân, Tổng biên tập Tạp chí Giám sát dư luận trực tuyến thuộc tờ Nhân Dân nhật báo cũng đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận và có những phát hiện tương tự.
Đằng sau những lời có cánh của các nhà ngoại giao Trung Quốc về quan hệ Trung – Mỹ như dư luận vẫn thường nghe, trong nội bộ Trung Quốc vẫn tuyên truyền Hoa Kỳ là “sen đầm đế quốc”.
Các giá trị của phương Tây đã bị cấm đưa vào các trường đại học tại Trung Quốc.
Phản ứng của cộng đồng mạng nước này với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và cá nhân ông Donald Trump cũng có thể xem như là một phản ứng với cách quản lý xã hội của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay.
Cách quản lý ấy thành công hay thất bại, cần điều chỉnh hay không và điều chỉnh như thế nào, có lẽ là điều họ cần suy nghĩ và đánh giá nghiêm túc.
Ngoài một bộ phận dư luận vẫn được nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan để Trung Quốc phục vụ cho một số mục đích, hoạt động đối ngoại như vụ THAAD với Hàn Quốc vừa qua, tranh chấp Senkaku / Điếu Ngư với Nhật Bản năm 2012, phản ứng của dư luận cộng đồng mạng Trung Quốc với ông Donald Trump cho thấy khả năng kiểm soát công cụ này của Bắc Kinh đã ngày càng bị thu hẹp.
Điều đó cho thấy mọi mưu đồ chính trị sử dụng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi cho các hoạt động ngoại giao ngày càng trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Ngay cả khi các công cụ giao tiếp bị Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ, người dân nước này vẫn tìm ra cách để thể hiện thái độ của mình.
Những thông tin nhào nặn như đường lưỡi bò, hay “chủ quyền từ thời cổ đại” đối với Biển Đông rồi cũng sẽ được chính những người dân Trung Quốc có suy nghĩ, tư duy độc lập đặt câu hỏi và tự tìm được câu trả lời trong thời đại thông tin toàn cầu ngày nay.