Bộ Ngoại giao Nga ngày 26/3 cho rằng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ là đi ngược lại các cam kết ưu tiên cho cuộc chiến chống khủng bố.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 26/3 cho rằng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ
là đi ngược lại các cam kết ưu tiên cho cuộc chiến chống khủng bố.
Trước đó, một đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 25/3 cho biết nước này sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với 8 công ty của Nga vì vi phạm Đạo luật Không phổ biến vũ khí hạt nhân đối với Iran, CHDCND Triều Tiên và Syria (INKSNA) của Mỹ.
Đạo luật INKSNA cho phép chính phủ Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với cá nhân, tổ chức tư nhân và cơ quan chính phủ có liên quan tới hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng lệnh trừng phạt mới này của Mỹ là “khó hiểu và đáng thất vọng”. Bà chỉ ra rằng Mỹ thậm chí không đưa ra lý do cụ thể mà chỉ dẫn luật của nước này trong đó cấm các tổ chức và cá nhân hợp tác với Iran và Syria.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh các lệnh trừng phạt mới đi ngược lại cam kết của Mỹ về chống khủng bố và làm giảm triển vọng thiết lập hợp tác đa phương rộng mở nhằm đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như các nhóm khủng bố khác.
Bà Zakharova cũng khẳng định các lệnh trừng phạt này sẽ không gây ra bất cứ vấn đề nào nghiêm trọng cho Nga.
Nga đã quá quen với các lệnh trừng phạt
Các công ty Nga bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ là Nhà máy sửa chữa máy bay 150, Aviaexport, Bazalt, Văn phòng thiết kế máy móc nhà xưởng Kolomna (KBM), Rosoboronexport (ROE), Học viện hàng không dân dụng cao cấp Ulyanovsk (UVAUGA), Trung tâm đào tạo hàng không dân dụng Ural (UUTsCA) và học viện Zhukovskiy và Gagarin (Z&G Academy).
Tuy nhiên, ông Alexey Pushkov, một thành viên kỳ cựu của Thượng viện Nga, đã chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt này dường như không có tác động đáng kể tới ngành xuất khẩu vũ khí của nước này.
“Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ không tác động nghiêm trọng tới xuất khẩu vũ khí của Nga” – ông Pushskiv viết trên Twitter. Thượng nghị sỹ Nga cho rằng nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngăn được “chiến dịch chống Nga” ở Mỹ thì sẽ như ông “tự trói tay mình” suốt cả nhiệm kỳ này.
Trung tướng Yevgeny Buzhinsky, nguyên Giám đốc phụ trách các Hiệp ước quốc tế của Bộ Quốc phòng Nga, cũng chia sẻ ý kiến này của Thượng nghị sỹ Pushkov.
Tướng Buzhinsky chỉ ra rằng sau tất cả các lệnh trừng phạt trước đó của Mỹ nhằm vào các tổ chức của Nga như tập đoàn nhà nước Rostec, thêm một vài biện pháp trừng phạt nữa cũng khó mang lại bất cứ tác động rõ rệt nào với tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, ông Buzhinsky cũng lưu ý rằng rất khó để đánh giá chính xác tác động của đợt trừng phạt mới nhất bởi những tài liệu làm căn cứ cho các biện pháp này vẫn chưa được công bố.
“Rất khó để bình luận về vấn đề này khi không biết tất cả các chi tiết” – ông Buzhinsky nêu rõ. “Nước Mỹ có luật quy định rằng nếu nước nào đó bán thiết bị quân sự thì nước đó sẽ tự động bị trừng phạt. Trước khi tài liệu này được công khai, rất khó để biết Nga sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt như thế nào”.
Trong khi đó, trả lời hãng thông tấn RIA Novosti, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Slutsky cho rằng những lệnh trừng phạt mới như một nỗ lực để kích động Moscow có phản ứng mạnh mẽ, qua đó ông kêu gọi chính phủ giữ “cái đầu lạnh” trong vấn đề này.
Các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ chỉ như “một giọt nước” so với hàng loạt các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh đang áp đặt lên Nga. Kể từ năm 2014, Mỹ, Liên minh châu Âu và một số đồng minh đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga với cáo buộc nước này góp phần vào cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
Trừng phạt Nga thực chất là chiến thuật “đối nội” của Tổng thống Trump?
Hãng tin RT của Nga dẫn lời cựu Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Paul Craig Roberts cho rằng các lệnh trừng phạt mới là một phần của chiến dịch tuyên truyền hình ảnh tiêu cực về nước Nga.
Ông chỉ ra rằng điều thực sự đang xảy ra ở Mỹ là cuộc chiến ngân sách giữa Tổng thống Trump và các quan chức an ninh – quân đội.
“Ngân sách cho an ninh của Mỹ là một con số khổng lồ lên tới 1.000 tỷ USD mỗi năm” – ông nêu rõ. “Ngân sách như vậy cần có một kẻ thù và Nga chính là người đóng vai trò đó. Khi ông Trump tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ, kẻ thù không còn nữa, giới chức Lầu Năm Góc, CIA rõ ràng sẽ phản đối kịch liệt.”
Theo ông, giới chức an ninh và quân đội Mỹ đang nắm một “yếu huyệt” của Tổng thống, đó là những lùm xùm xung quanh việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 để có lợi cho ông Trump.
“Những cáo buộc đó khiến ông Trump khó có thể bình thường hóa quan hệ với Nga vì nếu thế ông sẽ bị coi là ‘gián điệp Nga’ hay ‘tay chân của Putin’”.
Nhà cựu ngoại giao Mỹ Jim Jatras thì vẫn tỏ ra lạc quan về cách tiếp cận mới của Tổng thống Trump đối với quan hệ Nga – Mỹ. Theo ông, các lệnh trừng phạt mới mang tính “tự động” và được đưa ra bởi một bộ máy có tới “97% nhân sự dưới thời ông Obama” nên không phản ánh tinh thần đội ngũ chính quyền mới của ông Trump.
Ông cho rằng các lệnh trừng phạt này không gây tổn hại quá lớn về mặt chính trị và “người Nga đủ chín chắn để hiểu điều đó có nghĩa là gì”.