Trang tin Ynet dẫn nguồn một báo cáo từ Bộ Ngoại giao Israel phát hiện, có hàng ngàn người Hồi giáo Trung Quốc đang chiến đấu trong hàng ngũ các tổ chức “thánh chiến” ở Syria.
Ảnh minh họa: AP
Mối đe dọa bất ngờ
Theo Ynet, Trung Quốc rất quan ngại về sự trở lại và ảnh hưởng của các tổ chức này đối với an ninh và lợi ích, nên đó là lý do Bắc Kinh tăng cường hiện diện ở Syria, và đẩy mạnh quan hệ với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Báo cáo của một trong 3 cơ quan tình báo Israel, cùng với Tình báo quân sự và Mossad hé lộ, trước đây Trung Quốc ít xem trọng Syria nhưng hoàn cảnh thực tại đã khiến Bắc Kinh thay đổi quan điểm.
“Sự xuất hiện của hàng ngàn người Trung Quốc đang sống và chiến đấu ở Syria khiến việc theo dõi họ trở nên quan trọng. Trung Quốc muốn thu thập nhiều dữ liệu từ họ, và chúng tôi cho rằng Trung Quốc muốn tiêu diệt nhóm phiến quân đó trên đất Syria để ngăn họ quay về”, báo cáo cho hay.
Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc cần sự hỗ trợ từ những nhân vật hoạt động trong lĩnh vực chống khủng bố và có quan hệ hữu nghị với Nga, Iran và chính quyền Assad.
Nhóm phiến quân Trung Quốc chiến đấu ở Syria thuộc cộng đồng Hồi giáo Sunni Duy Ngô Nhĩ, nói thổ ngữ Thổ Nhĩ Kỳ và cư trú chủ yếu ở tỉnh Tân Cương.
Tổng thống Syria Assad gần đây xác nhận các quan chức tình báo Syria và Trung Quốc đã phối hợp để chống lại nhóm phần tử cực đoan Duy Ngô Nhĩ ở Syria. Theo ông, nhóm phiến quân lọt sang Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ, và Damascus cáo buộc Ankara tạo ra cuộc khủng hoảng này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên liên quan, trong đó có Syria để chống lại hoạt động xuyên biên giới của các nhóm cực đoan người Duy Ngô Nhĩ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng quan tâm đến nỗ lực tham gia tái thiết Syria. Đích thân ông Assad cho biết đã có nhiều chuyên gia Trung Quốc đến Syria giúp tái thiết đất nước.
Nguồn gốc của phiến quân
Theo báo cáo của tình báo Israel, chính phủ Trung Quốc đã hết sức nỗ lực ngăn chặn người Duy Ngô Nhĩ vượt biên trái phép, nhưng hàng chục ngàn người Hồi giáo gốc dân tộc thiểu số này vẫn vượt qua biên giới phía Nam và băng qua những đường mòn quanh co, đầy nguy hiểm để đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Để có tiền cho chuyến đi, các gia đình Duy Ngô Nhĩ bán toàn bộ tài sản ở Tân Cương. Do là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, các nhóm này nhận được sự hỗ trợ của Ankara, khiến Bắc Kinh không hài lòng.
Ynet ghi nhận, vào tháng 6/2013, đảng Hồi giáo Turkistan (TIP) bắt đầu phát những video về chiến binh của họ ở Syria. TIP là tổ chức li khai của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ hoạt động chủ yếu bên ngoài biên giới Trung Quốc. Những video này khiến số lượng thành viên Duy Ngô Nhĩ của nhóm tăng đáng kể trong 3 năm qua.
Báo cáo từ tình báo Israel cho thấy hiện có khoảng 3.000 người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang chiến đấu trong các hàng ngũ của Jabhat Fateh al Sham (tên cũ là Mặt trận al-Nusra), một nhánh al-Qaeda và IS ở Syria. Phía Trung Quốc ước tính số lượng phiến quân khoảng 5.000 người.
Trong những năm đầu, Trung Quốc không đứng về phía nào trong cuộc nội chiến tại Syria. Nhưng vào giữa năm 2015, có sự thay đổi rõ ràng.
Các phái đoàn Trung Quốc, trong đó có cả các cố vấn quân sự, sang Damascus để mở rộng hỗ trợ cho Syria. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố vào năm ngoái rằng sẽ giúp đỡ đào tạo quân nhân ở Syria, bên cạnh đó còn cung cấp thêm viện trợ nhân đạo.
Báo cáo của Israel nhận định: “Sự can thiệp quân sự của Nga để bảo vệ chính quyền Assad và tình hình thay đổi cán cân quyền lực thực tế đã khiến Trung Quốc cho rằng đây là thời điểm thích hợp để tăng cường quan hệ với chính quyền Tổng thống Assad.”
Tác giả báo cáo tình báo trên cho biết, “Mối đe dọa chính đối với Trung Quốc không phải là nguy cơ nhóm phiến quân Duy Ngô Nhĩ sẽ quay về đại lục, mà là hoạt động của các phần tử khủng bố Duy Ngô Nhĩ nhắm vào các cư dân Trung Quốc sinh sống ở nước ngoài”.