Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang nhắm tới các dự án chiến lược tại kênh đào Panama, nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Tàu hàng Trung Quốc từng “mở hàng’ ở kênh đào Panama (mở
rộng) khi nó khai trương trở lại ngày 26/6/2016. Ảnh: Reuters
Ngày 27/3, Trưởng Ban Quản lý Kênh đào Panama Jorge Luis Quijano cho biết dự kiến vào cuối năm nay, ban quản lý sẽ chính thức mở thầu dự án phát triển 1.200 ha đất cạnh kênh đào thành một khu vực hậu cần.
Kế hoạch phát triển này được lập ra sau khi đã hoàn thành quá trình khử ô nhiễm trong 5 năm qua trên vùng đất từng là căn cứ quân sự của Mỹ.
“Tôi đến Trung Quốc để bàn chuyện với các nhà đầu tư ở đây”, ông Quijano cho biết.
Ông khẳng định các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Tổng Công ty xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) cùng chi nhánh Công ty Kỹ nghệ cảng Trung Quốc (CHEC); Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRG) và Tổng Công ty hàng hải COSCO Shipping Corp đã tỏ ý quan tâm tới dự án này.
Theo giới phân tích, việc các tập đoàn nhà nước của Trung Quốc chú trọng tới kênh đào này có thể là một phần trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy nhằm thực hiện “Con đường tơ lụa” trên bộ và trên biển ra toàn cầu.
Trưởng Ban Quản lý Kênh đào Panama nhấn mạnh các doanh nghiệp Trung Quốc này vẫn còn cơ hội tham gia không chỉ với tư cách nhà thầu của dự án mà còn cả với tư cách quản lý khai thác dự án chiến lược này của Panama. Theo ông, khu đất sẽ được cho thời hạn khai thác lên đến 40 năm
Kênh đào Panama là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất trên thế giới giúp rút ngắn hành trình giao thông đường biển giữa hai bờ đại dương. Hơn 1.000 lượt tàu hàng đi qua đây mỗi tháng, với tổng lượng hàng hóa 200 triệu tấn/năm.
Kênh đào đã đem lại lợi ích lớn cho Panama, mang về cho quốc gia này khoảng 1 tỷ USD mỗi năm và giúp Panama trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất khu vực.
Tham vọng của Trung Quốc đối với kênh đào Panama hoàn toàn dễ hiểu khi dự án kênh đào Nicaragua có tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 50 tỷ USD của Trung Quốc, vốn được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với kênh đào Panama, vẫn đang bị đắp chiếu và có nguy cơ chết yểu do bị người dân địa phương phản đối và tình hình tài chính sa sút của chủ đầu tư Trung Quốc.
Trước đó, theo tính toán, dự án kênh đào Nicaragua – có chiều dài gấp ba và chiều rộng gấp đôi kênh đào Panama – sẽ cho phép các tàu hàng lớn nhất thế giới đi qua và đó là một lợi thế so với kênh đào Panama.