Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóngTQ tiến thoái lưỡng nan vì tàu sân bay: Khóa được eo...

TQ tiến thoái lưỡng nan vì tàu sân bay: Khóa được eo biển Đài Loan, nhưng yếu ở biển Đông

Truyền thông Đài Loan và Singapore tuần này đưa tin, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất có thể hạ thủy vào 23/4, ngày kỷ niệm thành lập hải quân nước này.

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ tiếp tục tuần tra trên các vùng biển ở châu Á-Thái Bình Dương (Ảnh: Sina)

Tờ Zaobao (Singapore) hôm 28/3 cho hay, tàu sân bay mới của Trung Quốc Type 001A có thể được bố trí vào Hạm đội Nam Hải và đóng tại Tam Á, đảo Hải Nam.

Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Viện quan hệ quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận định nếu đóng tại Hải Nam, Type 001A sẽ đóng vai trò then chốt khi cần “phong tỏa Đài Loan”, trong trường hợp Đài Loan tuyên bố độc lập.

Đầu tiên Trung Quốc đại lục có thể kiểm soát eo biển Đài Loan, nằm ở phía Tây đảo Đài Loan, sau đó điều động hạm đội phong tỏa mặt phía Đông của hòn đảo này và cắt đứt liên hệ giữa Đài Bắc với quân đội Mỹ đóng trên đảo Guam.

Theo kịch bản này, ông Koh cho hay, có khả năng lớn nhất Bắc Kinh sẽ điều tàu chiến từ đảo Hải Nam để tạo “thế gọng kìm” đối với Đài Loan.

“Nếu Hạm đội Bắc Hải điều tàu sân bay từ biển Bột Hải xuống phía Nam thì có thể chưa tới Đài Loan đã bị lực lượng Mỹ, Nhật Bản, thậm chí cả Hàn Quốc, ngăn chặn trên đường.

Nếu tàu sân bay từ Hạm đội Đông Hải ở Phúc Kiến xuống thì quy mô biên đội này khiến nó dễ dàng trở thành ‘bia sống’ cho Đài Loan phản công.

Còn nếu tàu chiến xuất phát từ Hạm đội Nam Hải thì ngoài quân Mỹ đóng ở Philippines, họ không còn chứng kiến sự hiện diện của đối thủ mạnh nào khác,” Collin Koh phân tích.

Tuy nhiên, học giả người Singapore chỉ ra, nếu Bắc Kinh không xung đột quân sự với Đài Loan mà xảy ra đối đầu với các nước xung quanh về tranh chấp ở biển Đông, thì vai trò của tàu sân bay Trung Quốc sẽ bị suy giảm rất nhiều.

Koh lý giải rằng khu vực biển Đông tương đối kín, được bao quanh bởi một số nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, khiến tàu sân bay của họ dễ dàng bị tấn công nếu Bắc Kinh muốn gây hấn.

Đánh giá cục diện chiến lược và địa lý ở vùng biển xung quanh Trung Quốc, Koh cho rằng trong thời gian ngắn tàu sân bay Trung Quốc khó có thể phát huy hiệu quả thực tế.

Ông nhận xét việc nước này tích cực phát triển tàu sân bay chủ yếu để phù hợp hình ảnh “nước lớn”.

Báo Chinatimes (Đài Loan) đưa tin, kể từ đầu tháng 3 trên các diễn đàn mạng của Trung Quốc liên tục xuất hiện các hình ảnh về Type 001A, cho thấy chiếc tàu đã dần hoàn thiện và có thể hạ thủy trong tương lai gần.

Theo Collin Koh, phân tích thông tin trên báo chí Trung Quốc và các hình ảnh rò rỉ trên mạng có thể thấy chiếc 001A không có nhiều khác biệt về ngoại hình so với tàu sân bay Liêu Ninh. Cả hai mẫu hạm đều không sử dụng động cơ hạt nhân và không cho phép máy bay cất cánh bằng cách thức ưu việt hơn.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) nói rằng, khả năng chiến đấu của tàu sân bay nước này dù còn khoản cách lớn với Mỹ, nhưng tương đương hoặc vượt qua các tàu sân bay hiện đại nhất của Anh và Pháp, thậm chí vượt trội hơn so với tàu sân bay của Nga, Ấn Độ.

Học giả Koh nói, ngay cả khi tàu sân bay Trung Quốc vượt qua Anh, Pháp, Nga, Ấn về công nghệ, thì quân đội Trung Quốc vẫn thua kém các nước này hàng chục năm kinh nghiệm thao tác và thực tiễn.

RELATED ARTICLES

Tin mới